Do tác động của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, trong năm 2020, kim ngạch XK hàng hóa của Tiền Giang đạt 3 tỷ USD, đạt 88,2% kế hoạch, giảm 1,8% so cùng kỳ năm 2019. Song, đáng mừng là cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, thị trường XK mở rộng sang các nước khu vực châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, các nước ASEAN…
Trong cơ cấu các mặt hàng XK, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 76,5% còn lại là nhóm hàng nông, thủy sản. Cụ thể, các mặt hàng đạt kim ngạch XK cao gồm ống đồng ước gần 602 triệu USD, tăng 5,7% so với năm 2020… Đáng chú ý, XK gạo đạt 134 triệu USD, tăng 95,3% so cùng kỳ, đây chính là tiền đề để nhiều DN lúa gạo khôi phục sản xuất, đàm phán hợp đồng trong năm 2021.
Bước sang năm 2021, tình hình XK hàng hóa của Tiền Giang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, kim ngạch XK tháng 1/2021 đạt 270 triệu USD, tăng 3,9% so tháng 12/2020 và tăng 36% so cùng kỳ, đạt 8,3% kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2021 ước đạt 130 triệu USD, tăng 2,4% so với tháng 12/2020, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Đặng Văn Tuấn quyền Giám đốc - Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, năm 2021, Tiền Giang phấn đấu kim ngạch XK hàng hóa các loại đạt 3,25 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Tiền Giang đã và đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Theo đó, Tiền Giang khuyến khích các DN tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới, chú trọng các thị trường đạt mức tăng trưởng XK cao mà Việt Nam đã ký kết thông qua hiệp định thương mại tự do (FTA).
Doanh nghiệp Tiền Giang ứng dụng công nghệ mới nâng chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, để đẩy mạnh xuất khẩu
Đánh giá về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa ký kết, ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND Tiền Giang - cho biết, XK sang thị trường này tiếp tục mở rộng hơn, với nhiều mặt hàng của tỉnh có thế mạnh như: thủy sản, hàng rau quả, giày, túi sách, sản phẩm nhựa... đây là cợ hội lớn cho các DN mở rộng thị trường XK hàng hóa.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Tiền Giang sẽ tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan tới các FTA thế hệ mới để hỗ trợ các DN đẩy mạnh XK và nâng cao hiệu quả XK hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác.
Quyền Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, bên cạnh thực hiện đồng bội các gải pháp trên, nhằm đạt chỉ tiêu về tăng trưởng XK trong năm 2012, Sở đề nghị các DN nâng chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, đáp ứng nhu cầu của đối tác, khách hàng.
Thời gian tới, ngành Công Thương Tiền Giang tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo về quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do để giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, cập nhật những quy định mới, tận dụng được hiệu quả từ các cơ hội do Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Đặc biệt, để hỗ trợ DN, thời gian tới ngành Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương về xúc tiến, hỗ trợ giao thương giữa các DN, cơ sở sản xuất nông sản, công nghiệp… nhằm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, lợi thế thương mại cho một số sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương hỗ trợ DN duy trì, tiếp cận với các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đồng thời cập nhật tình hình thị trường XK đến các DN; hỗ trợ, hướng dẫn DN đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh.
Xuân Hải, Văn phòng BCĐLNKT