Hội nhập trong nước

Với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia và đang trong quá trình đàm phán, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Đây cũng là động lực quan trọng để nước ta thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển trong giai đoạn mới.

 

Tự cường trên “đại lộ" hội nhập

Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Từ nhu cầu thực tế phải tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để phá thế bị bao vây, cô lập ở những năm đầu thập kỷ 90, quá trình HNKTQT của Việt Nam đến nay đã mang một sắc thái mới. Đó là tích cực, chủ động, từng bước khẳng định vai trò trong nền kinh tế khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, giai đoạn 2015-2020, tiến trình HNKTQT đã có bước đột phá với việc đàm phán, ký kết thành công các FTA với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nổi bật là FTA Việt Nam – Hàn Quốc; FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu; Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Khẳng định kết quả quan trọng trong công tác HNKTQT những năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chưa có nhiệm kỳ nào chúng ta ký được tới 4 FTA lớn như nhiệm kỳ này, nhất là EVFTA đã phát huy tác dụng hết sức kịp thời. Chúng ta tham gia vào RCEP, là hiệp định lớn nhất toàn cầu. Giai đoạn này chúng ta kiên trì thúc đẩy hội nhập quốc tế, mở ra không gian mới cho sự phát triển của đất nước, thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong phát triển”.

Bên cạnh đàm phán, ký kết và thực thi các FTA, Việt Nam còn triển khai các hoạt động hội nhập trong các tổ chức, diễn đàn HNKTQT. Trong hợp tác ASEAN nội và ngoại khối, Việt Nam là một trong hai nước có mức độ thực hiện các biện pháp ưu tiên xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015 ngang với Singapore. Đặc biệt, việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 đã giúp Việt Nam phát huy tiếng nói trong các khuôn khổ đa phương, cùng các đối tác tham gia quá trình định hình cấu trúc, xây dựng luật lệ kinh tế – thương mại phù hợp với lợi ích chung… Ngoài ra, Việt Nam còn chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), hợp tác tiểu vùng sông Mê-kông…

Nhờ định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ về “chủ động HNKTQT và khu vực”, tự cường trên “đại lộ” hội nhập, cùng với sự nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong tiến trình HNKTQT. Vị thế này đang và sẽ tạo ra những động lực vượt trội, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, đưa đất nước vững bước tiến lên trong giai đoạn mới.

Hội nhập kinh tế quốc tế: Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 19

Vững vàng tâm thế mới

Ngay từ ngày đầu đổi mới, một trong những ưu tiên của HNKTQT là cùng các bộ, ngành khai thông thị trường xuất nhập khẩu. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vươn lên thành một cường quốc về xuất khẩu (XK). Chia sẻ về điều này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về một giai đoạn 5 năm phát triển rất mạnh mẽ của hội nhập. Tự hào khi Việt Nam là quốc gia đứng thứ 22 trên thế giới nếu xét về kim ngạch XK và năng lực XK, đứng thứ 26 trong quy mô của thương mại quốc tế.

Không chỉ góp phần mở cửa hội nhập, thúc đẩy XK, công tác quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, thương mại điện tử… cũng có nhiều tiến bộ, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

“Có được thành công như vậy nhờ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao. Đặc biệt, những hoạt động của Bộ Công Thương cũng như hệ thống thương vụ do Bộ phụ trách ở thị trường nước ngoài đều nhận được sự ủng hộ, phối hợp từ phía Bộ Ngoại giao và các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam. Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam, các tham tán thương mại chính là “cầu nối” hiệu quả đưa hàng Việt ra thị trường nước ngoài, đẩy mạnh quá trình hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh hội nhập toàn diện và chất lượng cao hơn với trọng tâm là HNKTQT thông qua đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA, thực thi hiệu quả cam kết quốc tế, đồng thời phát huy vai trò tại các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều biến động khó lường, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây cản trở đến luồng giao dịch thương mại và đầu tư. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam cần kiên trì chính sách thương mại mở, kết hợp phát huy nội lực theo hướng “xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các diễn biến bên trong và bên ngoài của nền kinh tế”.

Hiện phạm vi đối tác FTA của Việt Nam khá rộng và toàn diện. Vì vậy, trong vòng 3 đến 5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính. Để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập đến nền kinh tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA, Hiệp định của ASEAN với các đối tác. Bên cạnh đó, tham gia tích cực vào các định chế đa phương và khu vực, góp phần xây dựng các định hướng hợp tác kinh tế mới, nghiên cứu khả năng đàm phán mới với một số đối tác ở khu vực châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh… về mở cửa thị trường.

Sau 35 năm đổi mới và 25 năm hội nhập quốc tế kể từ khi tham gia ASEAN, với vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được khẳng định, Việt Nam đã bước sang giai đoạn tham gia liên kết kinh tế quốc tế với tâm thế hoàn toàn mới. Những kết quả có tính bứt phá về hội nhập càng có ý nghĩa quan trọng khi đất nước chuẩn bị bước vào thời kỳ chiến lược mới 2021-2030, hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT