Hội nhập trong nước

Nhờ đẩy mạnh hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm, các sản phẩm nông lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đã phát triển đa dạng, phong phú, bước đầu đã trở thành hàng hóa. ột số sản phẩm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Dấu ấn kết nối cung - cầu

Tỉnh Bắc Kạn có nhiều sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, như: gạo Bao thai Chợ Đồn, cam, quýt, hồng không hạt, miến dong… các sản phẩm này thời gian qua đã trở thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh và ngày càng được mở rộng, phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Điển hình, năm 2020, sản phẩm miến dong củatỉnh Bắc Kạn đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.

Hiện nay, với diện tích trồng dong riềng đạt 494 ha sản lượng ước đạt 38.609 tấn củ; toàntỉnh có 37 cơ sở chế biến tinh bột, sản xuất miến, cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn miến dong/năm. Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn trồng gần 200 ha nghệ, năng suất ước đạt 231 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4.606 tấn. Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn, Vi-cumax nano curcumin, Trịnh Năng cucurmin đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Một số sản phẩm chế biến từ củ nghệ đã đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam…

Để có được những kết quả này, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ nông, lâm sản. Cụ thể, từ 2017 đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công các Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và các đặc sản tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội; Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội… Thông qua các hoạt động này, hàng trăm sản phẩm nông sản đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trên cả nước.

bac-kan-ket-noi-cung-cau-tiep-suc-cho-nong-san-chat-luong-cao-3
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn chiều 7/11, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để khôi phục ngành Công Thương sau đại dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Bộ Công Thương đã có nhiều nội dung được thực hiện đồng bộ nhằm kích thích tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước. Trong đó, Hội nghị kết nối cung cầu tỉnh Bắc Kạn năm 2020 là một trong những hoạt động thuộc đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong những năm vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã khai thác được lợi thế của tỉnh về 14 mặt hàng nông nghiệp, không chỉ rộng khắp trên nhiều tỉnh thành mà đã đưa được những mặt hàng lợi thế đó vào hệ thống những siêu thị hiện đại có chuỗi cung ứng trong toàn quốc và xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, đó là những nỗ lực lớn của ngành Công Thương cùng các sở ban ngành của Bắc Kạn” - Bà Lê Việt Nga nhận định.

Bắc Kạn kết nối cung cầu “tiếp sức” cho nông sản chất lượng cao

Đánh giá Bắc Kạn đã có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch như hồ Ba Bể, có cộng đồng văn hoá của các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao với những nét văn hoá đặc sắc, cùng các lễ hội truyền thống, cùng các di tích lịch sử đã được công nhận… Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước đề xuất, trong thời gian tới ngành thương mại, ngành nông nghiệp nên phát triển những sản phẩm mới, gắn du lịch với những sản phẩm đặc trưng của địa phương, để mỗi du khách đặt chân đến Bắc Kạn có thể tiếp cận được những đặc sản đặc trưng của tỉnh.

Hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Minh Hoa, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, mục tiêu trọng tâm của của tỉnh thông qua những hoạt động kết nối cung cầu là giới thiệu, tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn tại địa phương, kết nối đơn vị sản xuất với đơn vị kinh doanh và phân phối giữa các tỉnh, thành phố, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa…

bac-kan-ket-noi-cung-cau-tiep-suc-cho-nong-san-chat-luong-cao-2
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Hội nghị

Tỉnh Bắc Kạn hiện có diện tích đất tự nhiên 485.996ha, trong đó 459.390ha là đất nông nghiệp, 19.340ha đất phi nông nghiệp và 7.266ha đất chưa sử dụng, vậy nên Bắc Kạn là tỉnh có lợi thế về các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2020 đạt 5,3%/năm, ước đạt 12.840 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với 2015; thu nhập bình quân đầu người tỉnh Bắc Kạn đã có cải thiện, đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Trong 5 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các Nghị quyết, chính sách, đề án để triển khai thực hiện và đã có nhiều thay đổi, có trên 100 sản phẩm nông nghiệp được thị trường đánh giá tốt, được tham gia các chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh, hệ thống siêu thị lớn… Sản phẩm hàng hóa Bắc Kạn bước đầu được ghi nhận và được công nhận thương hiệu, tham gia các chuỗi cung ứng lớn như Big C, Vinmart; những sản phẩm chế biến mức độ cao như những sản phẩm từ nghệ được quảng bá rộng rãi.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả những lợi thế sẵn có, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, Bắc Kạn ruộng đất còn manh mún, điều kiện khí hậu đặc biệt, độ dốc cao, nếu sản xuất các sản phẩm bình thường sẽ không sánh được với các tỉnh khác, nên phải sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo ông Duy, tỉnh nên chú trọng đầu tư vào bao bì sản phẩm bắt mắt và lưu ý quảng cáo chất lượng phải đi đôi với chất lượng thực thông qua quản lý pháp lý, có như vậy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mới phát huy lợi thế, làm giàu cho địa phương.

Bắc Kạn kết nối cung cầu “tiếp sức” cho nông sản chất lượng cao
Các doanh nghiệp, đơn vị ký cam kết, kết hợp đồng tiêu thụ một số nông sản đặc sản của tỉnh

Ghi nhận, tiếp thu để bổ sung hoàn thiện vào những giải pháp đã xác định, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào tỉnh nhất là trong việc hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tận dụng điều kiện tự nhiên. Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hoá, 5 HTX về các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với 5 doanh nghiệp ngoài tỉnh về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa.

Xuân Hải, Văn phòng BCĐLNKT