Hội nhập trong nước

Những xu thế và diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới đã và đang có tác động không nhỏ tới tình hình hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng.

Những năm gần đây, hệ thống thương mại đa phương và một số liên kết kinh tế khu vực đang đối mặt với không ít khó khăn. Chương trình nghị sự phát triển trong khuôn khổ WTO không có thêm chuyển biến đáng kể; một số diễn đàn đa phương hoặc nhiều bên như WTO, Liên hợp quốc, APEC, G20, G7,… gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung; WTO cũng chưa xử lý được những vấn đề quan trọng liên quan đến thương mại như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, hay mất cân đối thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng nổi lên rõ nét hơn. Các biện pháp hạn chế thâm hụt thương mại được các nước sử dụng nhiều hơn. Xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược, và cọ sát kinh tế giữa các nền kinh tế chủ chốt có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến cho nhiều quốc gia phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội, chấp nhận “đóng băng một số lĩnh vực kinh tế”, gây ra sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.

Những xu thế và diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới đã và đang có tác động không nhỏ tới tình hình hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng.

Thứ nhất, mặc dù WTO đã đưa Hiệp định tạo thuận lợi thương mại vào thực hiện từ năm 2017, song bước tiến này là không đủ. Tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn trở nên thường xuyên và gây lo ngại hơn bao giờ hết. Việc xử lý tranh chấp không còn dừng ở mức trao đổi, đàm phán song phương, mà đã nâng thành hành động pháp lý. Các vụ kiện ra WTO trở nên phổ biến và đồng loạt hơn dù tổ chức này đã rất tích cực tham gia giải quyết bất đồng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhưng một số nền kinh tế lớn đã có nhìn nhận khác nhau về vai trò và tôn chỉ của WTO trong thời gian tới. Vì thế, vấn đề cải cách WTO trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của các thành viên WTO.

Thứ hai, việc các lãnh đạo cấp cao APEC không thông qua được tuyên bố chung tại Port Mortsby - lần đầu tiên trong lịch sử APEC và tiếp đến là sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2019 tại Chi lê bị hoãn lại- chính là một kết quả không mong muốn, bởi nguyên nhân một phần là sự thiếu đồng thuận về tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Nếu không quyết tâm và trao đổi thẳng thắn hơn nữa, các nền kinh tế thành viên APEC có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc thúc đẩy hành động thực chất hướng tới thực hiện mục tiêu Bogor và xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.

0643-phong-ve-thuong-mai
Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải rào cản phòng vệ thương mại

Thứ ba, các nỗ lực thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế ở cấp khu vực, nhiều bên và song phương vẫn tiếp diễn, dù có chậm hơn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một khu vực năng động hàng đầu trong tiến trình này. Tuy nhiên, cạnh tranh địa chiến lược giữa các siêu cường kinh tế ở khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thiết kế và đàm phán các FTA. Xu hướng này càng đặc biệt rõ hơn ở các vấn đề mới, chẳng hạn như thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ,... Do vậy, cân nhắc và quyết định tham gia đàm phán mỗi FTA đang trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Những xu thế trên có thể mang lại một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam. Với việc thực hiện 2 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là CPTPP và EVFTA cùng với các FTA đã ký kết trước đó, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng như thế nào. Những xu thế trên cũng kéo theo không ít thách thức đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam. Một số vấn đề đang được đặt ra như: Xử lý hài hòa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều bất định; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và đại dịch Covid sẽ làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm, dù ở mức độ khác nhau tùy theo kịch bản. Vì thế, Việt Nam cần có những chính sách ứng phó linh hoạt để khắc phục sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Một điều cần lưu ý nữa là Việt Nam phải đối mặt với tác động chuyển hướng thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Xử lý thách thức này càng khó hơn khi thương mại điện tử xuyên biên giới đã phổ biến hơn, đi kèm với rủi ro tấn công an ninh mạng. Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn.

Ngoài ra, tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và diễn biến của đại dịch Covid có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại.

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Việt Nam cần cải thiện đáng kể nhận thức và khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trong nước. Cần tái khẳng định yêu cầu thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới và Nghị quyết 38/2017/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW cùng với các Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế đang triển khai.

Quỳnh Anh