Hội nhập trong nước

Báo cáo giải trình trước Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dù còn khó khăn nhưng với sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế xã hội Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn và được coi là 1 trong 12 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Việt Nam là 1 trong 12 nền kinh tế mới nổi thành công nhất
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng thông tin, không chỉ năm 2020, mà ngay từ bắt đầu nhiệm kỳ, dù đối mặt với nhiều thách thức lớn chưa từng thấy như hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa, thiên tai, sạt lở đất..., nhưng đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Năm 2020, Việt Nam cũng là một trong những các nền kinh tế tăng trưởng dương cao nhất, đặc biệt trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam cũng hoàn thành tốt các trọng trách như chủ nhà ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…

Thủ tướng cho biết, 6 năm qua, chúng ta đã tạo 28 triệu việc làm mới. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững đặc biệt ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong nhiệm kỳ qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ đã góp phần tăng thêm 350 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Mỗi năm, hàng triệu việc làm tạo ra trên cả nước…

Việt Nam là 1 trong 12 nền kinh tế mới nổi thành công nhất
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Có được kết quả như trên, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin về một Việt Nam độc lập, khát vọng, tự cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần được khắc phục trong thời gian tới, trong đó tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh làm ăn...

Chia sẻ với những khó khăn của người dân miền Trung phải gánh chịu trong đợt bão lũ vừa qua, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ, sửa chữa nhà ở, các công trình để nhanh chóng khôi phục đời sống, phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội.

Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân chủ quan, khách quan qua đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung và sẽ tập trung các giải pháp khắc bất cập hạn chế đối với hồ thủy lợi-thủy điện nhỏ, đẩy mạnh trồng rừng, xử nghiêm các vụ phá rừng, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tăng cường năng lực dự báo, ban hành chiến lược ứng phó thiên tai.

Thủ tướng cho rằng, mức tăng trưởng đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn, nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, những diễn biến trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược, tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định.

Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT