Hội nhập trong nước

Bộ Công Thương dự báo, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn có thể tăng trưởng 3 – 4%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,4%). Đáng chú ý, trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34% so với quý II/2020 (tăng 26,6% so với quý I/2020).

Đây là kết quả rất tích cực, bởi theo tính toán của Trung tâm Thương mại Quốc tế, kim ngạch xuất khẩu của 44 quốc gia có số liệu thống kê đến hết tháng 7 vừa qua giảm tới 12,4%. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... đều tăng trưởng âm.

0232-xk
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực hơn trong những tháng gần đây

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực này đạt tới 71,4 tỷ USD, tăng mạnh 19,5%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131 tỷ USD, giảm 2,8%, chiếm 64,6%.

Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, 2019, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 với mức tăng 19,5%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,1%) và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm (giảm 2,8%).

Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%.

Nửa đầu tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tiếp tục duy trì kết quả khả quan khi đã đạt gần 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 12,72 tỷ USD, nhập khẩu đạt 11,92 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 9,5 tỷ USD (tương đương tăng 4,6%).

Đáng chú ý, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020 với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8) đến ngày 12/10, sau chưa đầy 2 tháng rưỡi thực thi Hiệp định, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU.. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Điều này cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD). Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau hơn 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).

Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát kỹ từng lĩnh vực, ngành hàng để cập nhật lại kịch bản điều hành, xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cho những tháng cuối năm. Qua đánh giá cho thấy các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thương mại nội địa cả năm 2020 đều có thể đạt kết quả tích cực hơn so với đánh giá hồi tháng 7/2020.

“Căn cứ bối cảnh tình hình hiện nay, dự kiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2020 sẽ có thể đạt mức tăng từ 3-4% so với cùng kỳ” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Thu Hiên, Tạp chí cộng sản