Hội nhập trong nước

Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển 2020 (VRDF 2020) mới đây, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi kinh tế mạnh mẽ nếu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Victoria Kwakwa- Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) – đánh giá, Việt Nam phát triển khá tốt trong giai đoạn đoạn sau khủng hoảng toàn cầu 2009-2017 với tốc độ tăng trưởng cao nhất về giá trị chuỗi cung ứng và nằm trong top 5 quốc gia có tốc độ tăng vốn FDI cao nhất. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong hội nhập vào các chuỗi giá trị chế biến, chế tạo nhẹ toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng việc làm. Tuy nhiên, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế và thấp hơn so với Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Theo ước tính của WB, cứ 1% tăng lên khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mức thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên hơn 1% - nhiều hơn khoảng hai lần so với thương mại truyền thống. Do vậy, sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị là yếu tố quan trọng để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng.

5742-z2103335897123-0039d4305a7ec6cb00c0b1f6e1fd5c3d

Để chuẩn bị tốt cho việc phục hồi mạnh mẽ và tận dụng cơ hội mới xuất hiện, bà Victoria Kwakwa cho rằng, trong trung hạn, cần chuẩn bị tốt cho “tình trạng bình thường mới” của các chuỗi giá trị. Trong dài hạn, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về năng suất và tiến tới giới hạn năng suất.

Ngoài ra, Việt Nam cần chuẩn bị cho sự dịch chuyển tương lai trong các chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ đối với thị trường lao động.

“Tôi muốn đưa ra một công thức bánh (P.I.E) trung thu cho thành công của Việt Nam. Công thức này bao gồm: một Khu vực tư nhân sôi động và sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với FDI (P), các Thể chế hữu hiệu (I) và Giáo dục có chất lượng (E)” - bà Kwakwa chia sẻ và bày tỏ hy vọng rằng tất cả mọi người đều nhận được “phần bánh” công bằng.

Mang đến VRDF 2020 thông điệp “Đừng nhầm lẫn - Covid-19 là một cơ hội cho Việt Nam” trong chuỗi giá trị toàn cầu, TS. Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam – nhận định, đến nay, hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu là chiến lược tạo việc làm có thu nhập cho lực lượng lao động đang tăng nhanh. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ về việc các đột phá công nghệ đã, đang và sẽ làm giảm nhu cầu về lao động kỹ năng thấp trong ngành chế biến, chế tạo.

“Vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp dài hạn, bao gồm thúc đẩy giáo dục và đào tạo sau trung học, do Việt Nam cần có một lực lượng lao động với năng lực tốt hơn”- TS. Jacques Morisset khuyến nghị.

Diễn đàn VRDF 2020 được tổ chức lần thứ 3 và diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi Việt Nam đang và sẽ bước vào thời kỳ quan trọng để bước từ nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp hiện nay lên mức có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Quỳnh Anh