Để giúp doanh nghiệp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hiệu quả, TP. Hồ Chí Minh đã và đang chủ động tổ chức nhiều hội thảo tuyên truyền cho doanh nghiệp (DN) về nội dung chính của EVFTA, chú trọng vào việc hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện.
EU hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam; đồng thời là thị trường xuất siêu truyền thống của TP. Hồ Chí Minh và là đối tác xuất khẩu lớn thứ ba bên cạnh thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ. Việc tham gia ký kết Hiệp định EVFTA với các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU. Riêng với TP. Hồ Chí Minh, hiện kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Năm 2019, thành phố xuất khẩu sang EU đạt 5,01 tỷ USD, tăng 5,4% so với 2018 và 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2,26 tỷ USD.
Chia sẻ tại Hội nghị “Hỗ trợ DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA”, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Hiện nay thành phố có gần 20 ngàn DN tham gia hoạt động xuất khẩu, trong đó phần lớn là DNVVN nên còn hạn chế về kỹ năng quản trị; ít nắm chắc quy định về sở hữu trí tuệ, nhất là quy định quốc tế. Trong khi đó, với thị trường EU, ngoài các điều kiện về kỹ thuật cũng như chất lượng an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa luôn là yêu cầu luôn được phía châu Âu đặt ra. Chính vì thế đối với các DN, đó là những rào cản cần vượt qua khi thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.
Theo ông Phong, để hỗ trợ DN thâm nhập thị trường EU, ngay từ khi Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA, thành phố đã chủ động hỗ trợ cho DN để thực thi EVFTA từ rất sớm. Cụ thể, năm 2019 thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo tuyên truyền cho DN về nội dung chính của EVFTA để đón đầu cơ hội EVFTA được thông qua. Theo kế hoạch, năm nay thành phố tiếp tục giao Sở Công Thương tổ chức 5 đợt phổ biến EVFTA cho các DN, chú trọng vào việc hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện. Và hội nghị đầu tiên sẽ được thành phố tổ chức vào ngày 2/7.
Ngoài các hoạt động trên, về vĩ mô thành phố sẽ hỗ trợ DN thông qua chính sách hỗ trợ DN đổi mới máy móc, thiết bị vì xét cho cùng, DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh mới thâm nhập thành công thị trường châu Âu. Thành phố sẽ liên kết với các tỉnh/thành tạo thành chuỗi sản xuất - chuỗi giá trị, từ đó cộng hưởng, tạo thành sức mạnh giúp DN sản xuất - xuất khẩu hàng hóa ổn định vào EU. Bên cạnh đó, thành phố sẽ thông qua và triển khai đề án Phát triển ngành logistics để làm bệ đỡ cung cấp chuỗi hỗ trợ xuất khẩu giúp DN giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. “Tôi tin rằng, với sự chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp trên, DN sẽ gặt hái những thành quả từ hiệp định mang lại”, ông Phong tin tưởng.
Theo nhận định chung của DN, hiện sản phẩm xuất nhập khẩu của Việt Nam và châu Âu không mang tính đối đầu, cạnh tranh trực tiếp mà sản phẩm hai bên mang tính bổ trợ cho nhau. Với TP. Hồ Chí Minh, có hai nhóm sản phẩm có thể xuất khẩu tốt sang thị trường châu Âu là nhóm sản phẩm nông nghiệp, nổi bật là rau củ quả, trái cây nhiệt đới và thủy sản (tôm, cá). Thứ hai là nhóm sản phẩm công nghiệp như kết cấu thép siêu trường, siêu trọng; sản phẩm công nghệ thông tin bao gồm cả thiết bị phần cứng, phần mềm và các sản phẩm nội dung số.
Ông Phong cho biết, thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ thông qua Đề án Phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030 để cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh tại thị trường châu Âu nói riêng và các thị trường lớn trên thế giới nói chung.
Thu Hiên, Tạp chí cộng sản