Sáng 11/6, Quốc hội đã hoàn thành thủ tục miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Vương Đình Huệ. Cách đây 4 tháng, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, đứng đầu Đảng bộ có số lượng đảng viên lớn nhất nước với 4,6 vạn đảng viên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tới thăm bản nông thôn mới Sin Suối Hồ ở vùng cao Lai Châu hồi tháng 12/2018. Ảnh: VGP/Thành Chung
Tròn 4 năm ở Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ “gác” mảng kinh tế - tài chính, cá nhân ông Vương Đình Huệ cùng với tập thể Thường trực Chính phủ và Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng để kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trong 10 năm qua và lan tỏa thành quả kinh tế cũng như tư duy mới tới những vùng nông thôn.
Nhớ lại thời gian đầu nhiệm kỳ Chính phủ của Quốc hội khóa XIII, nợ công của quốc gia liên tục “phình to”, sát trần Quốc hội cho phép khi ở mức 64,73% GDP, nợ Chính phủ vượt trần, ở mức 53,62% GDP, cơ cấu nợ chủ yếu là nợ vay ngoài nước, thời gian vay ngắn, lãi suất cao đã gây ra áp lực trả nợ lớn, ảnh hưởng tới an toàn tài chính quốc gia và sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Thực hiện yêu cầu của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiều lần họp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan để cùng tìm giải pháp cơ cấu lại nợ công, kéo giảm tỉ lệ nợ công và áp lực trả nợ.
Kết quả đạt được là tích cực, khi tốc độ tăng dư nợ công chỉ khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2016-2019 so với mức tăng rất cao 18% của giai đoạn 2011-2015. Vì thế, tỉ lệ nợ công trong 4 năm qua đều giảm qua từng năm và giảm sâu so với mức trần 65% GDP mà Quốc hội phê duyệt. Cuối năm 2019, nợ công chỉ còn khoảng 55% GDP. Song song với đó, cơ cấu vay nợ chuyển dịch dần theo hướng tăng vay trong nước giảm rủi ro tỉ giá, hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước. Năm 2011 dư nợ vay nước ngoài chiếm hơn 61%, hay năm 2016 là 60,1%, dư nợ Chính phủ thì đến nay đã đảo chiều, tỉ trọng vay trong nước cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bình quân giai đoạn 2012-2015 khoảng trên 4 năm, thì từ năm 2017 đến nay bình quân là 13,4 năm, thậm chí có kỳ hạn 20-30 năm. Không chỉ vậy, lãi suất vay đã giảm sâu khi có khoản vay lãi suất từ mức 13%/năm trong 3 năm nay còn 4,5%. Nhờ đó, áp lực vay đảo nợ giảm mạnh và giảm áp lực trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công, tận dụng được các nguồn vốn giá rẻ để phát triển đất nước.
Bên cạnh vấn đề nợ công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu - “cục máu đông” của nền kinh tế, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng được coi là một trong những điểm sáng của công tác lập pháp khóa này. Ông Vương Đình Huệ cũng có nhiều đóng góp trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng năng lực cho các ngân hàng với việc Quốc hội và Chính phủ chấp thuận tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng cổ phần thương mại nhà nước, bổ sung vốn điều lệ cho VAMC.
Qua quá trình triển khai, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng giảm từ 10,08% vào năm 2012 xuống chỉ còn 1,89% cuối năm 2019 - mức bình thường, nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng (đang nằm ở VAMC) cũng chưa tới 5% tổng dư nợ.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 năm (từ tháng 8/2017 - tháng 8/2019), mỗi tháng có 9.600 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, cao hơn 4.700 tỷ đồng so với bình quân hằng tháng thời kỳ trước khi có Nghị quyết 42. Cũng trong thời gian này, toàn hệ thống xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (chiếm gần 60% tổng số nợ xấu), không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm ngoái, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội với các quy định về thu hồi và bán tài sản thế chấp, tái cơ cấu và bán nợ xấu,… được triển khai đã giúp các tổ chức tín dụng và VAMC đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Trong công tác kiểm soát lạm phát, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ Vương Đình Huệ khi đó cũng đặt ra yêu cầu cho Tổ giúp việc, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước độc lập xây dựng các kịch bản tăng giá tiêu dùng khác nhau, tính cho từng quý để “bấm” số cho cả năm và thống nhất triển khai cho các năm sau. Đồng thời đẩy mạnh công khai, minh bạch trong điều hành giá của Ban chỉ đạo cũng như của các bộ, ngành, địa phương để triệt tiêu hoàn toàn lạm phát kỳ vọng - vốn là lực cản không nhỏ trong kiểm soát lạm phát ở Việt Nam. Kết quả là chỉ số lạm phát bình quân giảm từ 4,74% năm 2016 xuống còn 3,53% năm 2017, 3,54% năm 2018 và năm 2019 là 2,79% - mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây, liên tục thấp hơn chỉ tiêu lạm phát mà Quốc hội và Chính phủ yêu cầu, làm giảm sự “bốc hơi” của túi tiền người dân.
Điều đặc biệt trong 4 năm qua, công tác điều hành giá của Chính phủ không chỉ nhằm một mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà còn hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế bằng việc tranh thủ điều chỉnh giá các dịch vụ công do Nhà nước quản lý như điện, giáo dục, y tế mà không làm ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung. Do vậy, thành quả của công tác điều hành giá dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh tăng trưởng GDP 4 năm qua liên tục tăng, ở mức cao (trên 7%) và kinh tế phục hồi rõ nét hơn giai đoạn trước.
Điều đáng nói hơn nữa, thành quả kinh tế - xã hội đạt được từ đầu nhiệm kỳ tới nay còn được lan tỏa tới những vùng nông thôn, các đối tượng người dân còn khó khăn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “Đất nước tiến lên nhưng không ai bị bỏ lại phía sau”. Trên tinh thần đó, giai đoạn 4 năm qua đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bắt đầu từ chỉ đạo sửa đổi Bộ tiêu chí xã nông thôn mới sát với thực tiễn, các địa phương đã tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình, tránh lãng phí các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần xây dựng cảnh quan khang trang, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân nông thôn. Sau 3 năm rưỡi triển khai, cả nước đã có trên 50% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 1,5 năm so với Nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ.
Không chỉ vậy, từ số nợ đọng xây dựng nông thôn mới lên tới 15.000 tỷ đồng vào đầu năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các cơ quan báo cáo Chính phủ điều chỉnh quy định của pháp luật, cho phép chính quyền địa phương được sử dụng 8% tiền thuế sử dụng đất thu được ở cấp xã để phục vụ thanh toán tiền nợ đọng xây dựng cơ bản, góp phần giảm mạnh khối lượng nợ đọng, mà Chính phủ và các địa phương không phải bố trí nguồn vốn chi trả. Sau hơn 2 năm triển khai, số nợ đọng đã được xử lý dứt điểm theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2016/QH14, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Chương trình và hiệu quả xây dựng nông thôn mới.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng chủ trì tại Nam Định hồi tháng 10/2019 vừa qua, các đại biểu đã bất ngờ và rất “thấm” với câu đánh giá chất phác của người dân nông thôn về Chương trình khi trả lời phóng vấn truyền hình: “Thành phố các bác không bằng nhà quê chúng em”. Đây là lời khẳng định rõ nét nhất về ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới và rộng hơn là chủ trương, đường lối của Đảng, các giải pháp của Quốc hội, Chính phủ đúng đắn, hợp lòng dân nên được nhân dân hưởng ứng và “chuyển hóa” thành sự nghiệp của toàn dân.
Đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo hiệu quả chương trình, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án, thực hành dân chủ ở nông thôn.
Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến cho biết: “Nhờ thành công của giai đoạn này đã cổ vũ, tạo ra quyết tâm cho một số đơn vị cấp huyện của Bắc Giang, Hà Tĩnh đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng “nông thôn mới nâng cao” trong Nghị quyết đại hội đảng bộ là một điều rất đáng mừng”./.
QA