Hội nhập trong nước

Sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong quý I-2020, hoạt động thương mại của Việt Nam trong tháng 4 bắt đầu chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Dự báo, trong quý II, hoạt động xuất khẩu (XK) sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi dịch vẫn đang hoành hành tại các thị trường XK lớn của Việt Nam, như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... Bộ Công Thương đang cấp bách tìm thị trường thay thế, khơi thông tối đa thị trường XK...

Xuất khẩu sụt giảm

Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I-2020 chưa bị tác động nhiều bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh mới chỉ tác động tới hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, thủy sản. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế nói chung đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, trong đó hoạt động XK cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Việt Nam trong tháng 4-2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm tới 18,4% so với tháng 3-2020 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, KNXK hầu hết các nhóm hàng đều sụt giảm so với tháng 3-2020. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh nhất, giảm 20%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm 18,6%; KNXK nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,6%. Về thị trường hàng hóa XK, trong tháng 4 với các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị sụt giảm. So với tháng 3-2019, thị trường ASEAN giảm 20%; Trung Quốc giảm 2,9%; Nhật Bản giảm 9,3%; Hàn Quốc giảm 13,7%; EU giảm 28,6%; Hoa Kỳ giảm 24,1%...

Nhiều khó khăn nhưng vẫn có cơ hội

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tại các khu vực châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Đông chưa được kiểm soát, việc các nước áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục khiến nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh. Hiện tại, các đối tác nhập khẩu của Việt Nam đều có xu hướng thông báo hoãn đơn hàng trong tháng 5 và tạm thời chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian đàm phán cho các đơn hàng cuối năm).

Ngành dệt may là ngành chịu tác động kép từ dịch Covid-19. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chắc chắn ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về KNXK. Trong kịch bản lạc quan nhất, KNXK ngành dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, KNXK ngành dệt may chỉ đạt 30-31 tỷ USD. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, EU và Mỹ là hai thị trường XK chủ lực của dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng chính tại các đối tác ở hai thị trường này là giãn thời gian giao các đơn hàng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại. 

XK gỗ và sản phẩm đồ gỗ được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, với KNXK năm 2020 dự kiến đạt 12 tỷ USD. Trước khi dịch xảy ra, Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, với KNXK hàng năm từ các thị trường này chiếm khoảng 90% trong tổng KNXK của cả ngành. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu rõ ràng cho thấy đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kỳ vọng này. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Đến giờ này thì toàn bộ thị trường lớn như Mỹ và EU hầu như đã đóng băng… Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại nhưng chắc chắn chưa thể phục hồi như bình thường…”.

Tuy bức tranh XK có màu sắc ảm đạm, nhưng Bộ Công Thương cho rằng, hiện vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ XK, điển hình như hiện nay, tình hình kiểm soát và khống chế dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có kết quả tích cực. Nhiều quốc gia từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Những giải pháp mạnh của Chính phủ, các bộ, ngành và DN… được nhận định sẽ là cơ hội gia tăng KNXK hàng hóa của Việt Nam trong những tháng tới.

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, sau thời gian đầu “sốc phản vệ” vì dịch Covid-19, đến nay, nhiều DN đã linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương thức duy trì hoạt động để không chìm sâu vào khủng hoảng hay phá sản. Tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, thúc đẩy bán hàng online, tập trung phát triển thị trường nội địa… đang là cách làm mà nhiều DN áp dụng. Điển hình như đối với ngành dệt may, sản xuất và XK khẩu trang là một giải pháp để các DN duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng đơn hàng tại các thị trường trọng điểm.

Tìm thị trường mới, thúc đẩy thị trường trong nước

Trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay thì thị trường là khâu khó nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới, khai thác tối đa các thị trường truyền thống thì thị trường trong nước sẽ là “cứu cánh” của ngành kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Thị trường trong nước vẫn là điểm mấu chốt trong thời gian sắp tới, ít nhất là đến cuối năm nay.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước để giải phóng một lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là nông sản vào vụ thu hoạch, giảm áp lực cho XK trong giai đoạn gặp khó khăn. Về giải pháp đẩy mạnh thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương Trần Duy Đông cho rằng, một trong các giải pháp rất hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa là thông qua môi trường thương mại điện tử-gian hàng Việt. Nêu giải pháp để đẩy mạnh hoạt động XK, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, như: Lúa gạo, rau quả tươi… thế giới vẫn cần, thậm chí chỉ cần dịch Covid-19 bớt đi thì nhu cầu sẽ nhiều hơn cả thời gian trước dịch. Nếu Việt Nam chế biến được các mặt hàng, như: Rau quả, thủy sản… thành sản phẩm đông lạnh, đóng hộp thì sẽ càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thế giới.

Đề cập các giải pháp để gỡ khó về thị trường cho sản xuất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại và các vụ thị trường ngoài nước phải có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy XK cho từng mặt hàng, từng thị trường để khai thác ngay trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn hậu dịch bệnh. Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị và DN đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu tại các thị trường mới hồi phục sau dịch Covid-19, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường ASEAN, cùng với đó cần tái cơ cấu khâu chế biến. "Cơ hội cho hàng hóa sau dịch bệnh là rất lớn, qua đó có thể mở rộng, chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần. Đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu công nghiệp chế biến, đặc biệt là hàng hóa nông sản", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Nguồn: Quân đội Nhân dân