Hội nhập trong nước

Ngày 6/12, Bộ Tài chính vừa có công văn 14813/BTC-CST gửi xin ý kiến các Bộ, ngành lần thứ 4 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, một số mặt hàng nông sản như: Gà, Hạnh nhân, Táo tươi, Nho tươi, Nho khô, Lúa mỳ, Óc chó chưa bóc vỏ, Khoai tây, thịt lợn, sữa... dự kiến sẽ được giảm thuế nhập khẩu. Cụ thể:

Mặt hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà thuộc phân nhóm 0207.14: Tại công văn ngày 8/11/2019, ĐSQ Mỹ kiến nghị giảm từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028. Qua số liệu thống kê so với năm 2018, lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay và theo đánh giá của Bộ NNPTNT thì việc tăng lượng nhập khẩu xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân dịch tả lợn nên người dân chuyển sang tiêu dùng thịt gà.

Trong các nhóm hàng nông nghiệp, nhóm mặt hàng thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, trong các Hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán, nhóm hàng này luôn trong nhóm nhạy cảm cao, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết. Do vậy, các Biểu thuế hiện hành cũng cơ bản giữ mức trần cam kết khi chưa đến thời gian cắt giảm cuối cùng do thịt gà là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, kể cả theo thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, đồng thời là mặt hàng của người nông dân, các gia đình, hộ dân đều có thể tăng gia sản xuất tại nhà nên qua đó đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với mức thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất.

Căn cứ thông tin phân tích nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%). Mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định CPTPP.

Đánh giá tác động của phương án, Bộ Tài chính cho biết, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc giảm thuế do giá sản phẩm giảm. Trong trường hợp giảm thuế từ 20% xuống 18%, lấy theo kim ngạch nhập khẩu (KNNK) chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 3 triệu USD, tương đương 69 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó với việc giảm thuế MFN thì không chỉ Mỹ được hưởng mà thị trường Braxin, Ba Lan cũng được hưởng ưu đãi theo và qua đó thì cũng có thể dẫn đến sự gia tăng của hàng nhập khẩu không chỉ từ Mỹ, Braxin, Ba Lan mà còn có các thị trường khác chưa xuất khẩu vào Việt Nam.

Quả hạnh nhân, chưa bóc vỏ, mã hàng 0802.11.00: ĐSQ Mỹ đề nghị giảm thuế suất MFN từ 15% xuống 0% vào năm 2020. Hiện nay mặt hàng quả hạnh nhân, đã bóc vỏ thuộc mã số 0802.12.00 có thuế suất MFN là 10%, thấp hơn 5% so với mức thuế suât của quả hạnh nhân chưa bóc vỏ. Do vậy để bảo đảm nguyên tắc “thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô”, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm mức thuế suất mặt hàng quả hạnh nhân, chưa bóc vỏ, mã hàng 0802.11.00 từ 15% xuống 10%, bằng với mức thuế suất quả hạnh nhân, đã bóc vỏ.

Đánh giá về tác động tới sản xuất trong nước, Bộ Tài chính cho rằng, hiện trong nước không trồng được quả hạnh nhân, tuy nhiên đây là sản phẩm có tính chất thay thế các loại hạt/quả trong nước đã trồng được như hạt điều, macca,… do vậy có thể ảnh hưởng tới thị phần của các loại hạt này. Trong trường hợp giảm thuế từ 15% xuống 10%, lấy theo KNNK chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 724 triệu đồng/năm.

Mặt hàng táo tươi, nho tươi: ĐSQ Mỹ đề nghị giảm thuế MFN từ 10% xuống 0% vào năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, sản lượng trái cây thu hoạch trên cả nước đạt hơn 7 triệu tấn và tăng nhanh so với 7 - 8 năm trước. Song có tới 90% sản lượng trái cây vẫn phải trông đợi vào thị trường tiêu thụ nội địa nên giá bán thấp, tỷ lệ trái cây xuất khẩu mới chỉ chiếm 10% với 5 - 6% là trái cây tươi.

Hiện nay, do thị hiếu ưa chuộng hoa quả nhập khẩu khiến lượng hoa quả nhập khẩu ngày càng tăng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong các tháng gần đây sản phẩm quả từ thị trường chủ lực Thái Lan có xu hướng giảm, trong khi đó, quả từ các thị trường như: Chile tăng 98%, Mỹ tăng 90% và Hàn Quốc tăng 83%. Qua đó cho thấy việc gia tăng trái cây nhập khẩu từ các nước ngoài FTA không phải phụ thuộc vào thuế nhập khẩu mà phụ thuộc vào thị hiếu của người tiêu dùng. Và với mức giá giao động từ 50.000 – 200.000 đ/kg táo, nho thì sản phẩm này tương đối phù hợp với nhiều người tiêu dùng Việt Nam.

Đối với cam kết CPTPP, mức thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với 2 mặt hàng táo và nho tươi là 5% và chỉ đang áp dụng cho các nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP, 4 nước chưa phê chuẩn Hiệp định CPTPP còn lại là Brunei, Chile, Malaisia, Peru vẫn phải áp dụng thuế suất MFN.

Từ những nội dung phân tích nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến trước mắt giảm thuế đối với mặt hàng táo tươi (mã HS 0808.10.00), nho tươi (mã HS 0806.10.00) từ 10% xuống 8%. Trường hợp giảm thuế suất từ 10% xuống 5% bằng mức thuế suất CPTPP sẽ có khả năng các nước chưa và đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ tạo sức ép chính trị đối với Việt Nam để trì hoãn việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP hoặc đặt vấn đề đàm phán lại mức thuế suất yêu cầu Việt Nam cũng phải giảm hơn nữa đối với thuế suất CPTPP cao hơn MFN.

Đánh giá tác động của phương án, Bộ Tài chính cho biết, trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống 8%, lấy theo KNNK chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến giảm thu ngân sách là 3,7 triệu USD, tương đương 69 tỷ đồng/năm.

Mặt hàng lúa mỳ thuộc phân nhóm 1001.99: ĐSQ Mỹ kiến nghị giảm thuế suất thuế MFN mặt hàng lúa mỳ từ 5% xuống 0%.

Bộ Tài chính nhận thấy, Lúa mỳ là mặt hàng trong nước trồng rất ít, cơ bản là nhập khẩu, tuy nhiên đây là sản phẩm thay thế các nguyên liệu ngũ cốc trong nước như ngô, gạo, tấm, sắn… việc giảm thuế cũng sẽ ảnh hưởng đến các loại cây lương thực khác trong nước, theo đó, để hạn chế ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến giảm mặt hàng này từ 5% xuống 3%.

Đánh giá tác động của phương án, Bộ Tài chính cho rằng, trong trường hợp giảm từ 5% xuống 3%, lấy theo KNNK chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến giảm thu ngân sách là 5,4 triệu USD, tương đương 124 tỷ đồng/năm.

Mặt hàng hạt óc chó, chưa bóc vỏ: Phòng Nông nghiệp - ĐSQ Mỹ kiến nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) mặt hàng quả óc chó, chưa bóc vỏ (0802.31.00) từ 10% xuống 0%.

Căn cứ nguyên tắc điều chỉnh thuế suất, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh mức thuế suất mặt hàng quả óc chó từ 10% xuống 8%, cao hơn mức thuế suất dành cho Chi lê (VCFTA) năm 2019 (do mặt hàng này chủ yếu nhập khẩu từ Chi lê).

Đánh giá về tác động số thu NSNN, Bộ Tài chính cho biết trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống 8%, lấy theo KNNK chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến giảm thu ngân sách là 0,29 triệu USD, tương đương 4,6 tỷ đồng.

Mặt hàng khoai tây: ĐSQ Mỹ đề nghị giảm thuế nhập khẩu mặt hàng khoai tây đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác, trừ bảo quản bằng giấm hoặc axit acetic, đã đông lạnh thuộc mã hàng 2004.10.00 xuống 6% năm 2020 và 0% năm 2021.

Các mặt hàng khoai tây thuộc mã hàng 2004.10.00 là khoai tây đã chế biến hoặc bảo quản, là nguyên liệu để chế biến các chế phẩm thực phẩm. Khoai tây làm nguyên liệu cho sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% còn lại là phải nhập khẩu.

Theo nguyên tắc điều chỉnh thuế suất, do KNNK chủ yếu từ Mỹ và các nước trong EU, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế suất MFN mặt hàng khoai tây từ 13% xuống 12%, bằng cam kết EVFTA năm 1.

Đánh giá về tác động số thu NSNN, Bộ Tài chính cho biết trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu từ 13% xuống 12%, lấy theo KNNK chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến giảm thu ngân sách là 0,4 triệu USD, tương đương 5,9 tỷ đồng/năm.

Mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh: Uỷ ban Nông nghiệp Hoa Kỳ đề nghị giảm thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027.

Theo số liệu thống kê của Hội chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn và thứ 7 toàn cầu về số lợn giết mổ. Hiện nay trên cả nước vẫn còn 85% đàn lợn, lượng đàn lợn tiêu hủy chiếm khoảng 15%. Trường hợp thiếu thịt heo, Việt Nam sẽ mở rộng quy mô tái đàn và bù đắp bằng gia tăng sản lượng bò, dê, gà. Việc tăng nhập khẩu thịt heo, trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định, nhưng trong ngắn hạn, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng được. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với thịt lợn nhập khẩu, vẫn sử dụng thịt lợn sản xuất trong nước là chính.

Trong 6 tháng qua, giá lợn hơi thị trường Chicago, Mỹ có xu hướng giảm với mức giảm 6,225 UScent/lb. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá thịt lợn trong nước trong xu hướng giảm là do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Từ tháng 6 đến nay, giá thịt lợn tăng trở lại do lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Mặt khác, các đầu mối đẩy mạnh thu mua xuất lợn sống sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (Trung quốc dừng nhập khẩu thịt lợn của Mỹ và có xu hướng chuyển qua nhập từ các nước khác trong đó có Việt Nam). Dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ thiếu hụt trong năm nay, đặc biệt dịp cuối năm. Việc thiếu hụt không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác.

Từ các phân tích trên, trước mắt để đáp ứng đề nghị của phía Mỹ, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 22%. Mức thuế suất này tiệm cận với mức thuế suất cắt giảm năm 2019 theo Hiệp định CPTPP là 21.6%, do Biểu thuế MFN không có mức thuế suất 21% nên quy định mức thuế suất 22%.

Đánh giá về tác động số thu NSNN, hiện nay hầu như không có KNNK áp dụng mức thuế MFN nên việc điều chỉnh thuế suất không ảnh hưởng đến số thu NSNN. Tuy nhiên việc giảm thuế MFN dẫn đến lượng nhập khẩu tăng, qua đó có thể tăng thu NSNN.

Mặt hàng quả nho khô (mã HS 0806.20.00): ĐSQ Mỹ đề nghị xuống 0% năm 2020. Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất MFN mặt hàng nho khô (mã HS 0806.20.00) giảm từ 13% xuống 12%. Mức giảm cao hơn mức AIFTA và tương đương với mức giảm năm thứ 1 trong CPTPP 11,3%.

Đánh giá về tác động số thu NSNN, Bộ Tài chính cho biết, trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu từ 13% xuống 12%, lấy theo KNNK chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến giảm thu ngân sách là 0,25 triệu USD, tương đương 2,1 tỷ đồng/năm.

Mặt hàng sữa và các chế phẩm từ sữa: Liên quan đến nhóm các mặt hàng sữa và chế phẩm từ sữa, Hiệp hội xuất khẩu Sữa Hoa Kỳ có kiến nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất sữa công thức hoặc chế phẩm sữa khác bao gồm: bột sữa gầy (HS 0402.10.41; 0402.10.49; 0402.10.91; 0402.10.99) từ 5% xuống 2%, bột sữa nguyên kem (mã HS 0402.21.20, 0402.21.90, 0402.29.20, 0402.29.90; 0402.91.00, 0402.99.00) từ 5% xuống 2%; Pho mát và sữa đông (HS 0406.10.10; 0406.10.20; 0406.20.10; 0406.20.90, 0406.30.00, 0406.40.00, 0406.90.00) từ 10% xuống 5%; Albumin sữa (HS 3502.20.00) từ 10% xuống 5%; Peptons (Mã HS 3504.00.00) từ 5% xuống 3%. Theo Hội đồng xuất khẩu sữa Hoa Kỳ thì các nhà cung cấp sữa Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ cao trong việc khó đảm bảo đủ nguồn cung cho các sản phẩm sữa, tiềm ẩn nguy cơ đối với việc bình ổn giá, trong khi sản phẩm sữa của Hoa kỳ có giá cạnh tranh, các nhà cung cấp Hoa Kỳ là đối tác hiện tại trong việc phát triển và mở rộng ra thị trường quốc tế của ngành sữa nội địa và các công ty trong nước, được các công ty sản xuất sữa trong nước sử dụng nhiều. Do vậy, việc giảm thuế MFN sẽ giúp tăng cường sức mạnh của ngành sữa Việt Nam do được tiếp cận với các sản phẩm nhập khẩu có giá cạnh tranh.

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) kiến nghị xem xét giảm thuế suất thuế nhập khẩu của các mặt hàng sữa công thức bao gồm: (i) Sữa công thức cho trẻ em (mã HS 1901.10.20); sản phẩm dinh dưỡng y tế (mã HS 1901.10.91, 1901.90.11, 1901.90.91): từ 10% xuống 7%; (ii) Các chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thiếu lactaza (HS 2106.90.81); Loại khác (mã HS 2106.90.89): giảm từ 15% xuống 10%; (iii) Sản phẩm dinh dưỡng y tế khác (Mã HS 2106.90.96): giảm từ 10 % xuống 7%.

Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh như sau: Qua rà soát số liệu KNNK cho thấy các mặt hàng sữa và sản phẩm sữa Hiệp hội đề nghị điều chỉnh thuế suất được nhập khẩu từ các thị trường đã có ký kết FTA với Việt Nam như NewZealand, Singapore, Úc và đã được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết (ATIGA, AANZFTA), cũng như sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP. Chỉ có một số nhóm mặt hàng sữa và kem, đã cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác (nhóm 0402), Albumin sữa (mã HS 3502.20.00), pepton (mã HS 3504.00.00) và sản phẩm dinh dưỡng y tế khác (mã hàng 2106.90.96) có phát sinh KNNK từ Mỹ chiếm tỷ trọng tương đối cao.

Do mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa thuộc nhóm hàng cắt giảm thuế quan theo cam kết nên hiện đang áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp (cơ bản là 0%) nên việc giảm thuế suất MFN đối với các nhóm mặt hàng này cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến tác động giảm thu NSNN do khi giảm thuế MFN có thể dẫn đến chuyển dịch dòng thương mại và một phần sản phẩm hiện đang nhập khẩu từ các nước đã ký kết Hiệp định FTA với thuế suất 0% sẽ chuyển sang nhập khẩu từ thị trường có thuế suất MFN như Mỹ (do sản phẩm từ Mỹ cạnh tranh về giá cả và chất lượng và vì thế sẽ góp phần tăng thu ngân sách từ việc thu thuế theo mức MFN).

Liên quan tới đề nghị giảm thuế đối với các mặt hàng sữa và sản phẩm sữa nêu trên, Hiệp hội sữa Việt nam đề nghị giảm thuế nhập khẩu mặt hàng sữa bột (mã HS 04.02) từ 5% xuống 3% vì sẽ góp phần giảm giá sữa, tạo điều kiện mọi đối tượng nâng cao sức khỏe, cải thiện tầm vóc Việt, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời đề nghị nghiên cứu giảm thuế các mặt hàng chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ (HS 2106.90.81, 2106.90.89) và sản phẩm dinh dưỡng y tế khác mã HS2106.90.96 do đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ đối tượng trẻ em, người già và người bệnh, giảm bớt áp lực, chi phí chăm sóc, điều trị... Trong bối cảnh Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, nhằm cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế suất các mặt hàng sữa từ 2 – 5%, cụ thể:

+ Mặt hàng Sữa và kem, đã cô đặc, đã pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác (HS 0402.10.41; 0402.10.49; 0402.10.91; 0402.10.99, 0402.21.20, 0402.21.90, 0402.29.20, 0402.29.90; 0402.91.00, 0402.99.00): giảm thuế MFN từ 5% xuống 2%;

+ Mặt hàng Pho mát và sữa đông (HS 0406.10.10; 0406.10.20; 0406.20.10; 0406.20.90, 0406.30.00, 0406.40.00, 0406.90.00): giảm thuế MFN từ 10% xuống 5%;

+ Mặt hàng Albumin sữa, kể cả các chất cô đặc của hai hoặc nhiều whey protein, mã HS 3502.20.00: giảm thuế suất MFN từ 10% xuống 5%;

+ Mặt hàng Pepton và các dẫn xuất của chúng; protein khác và các dẫn xuất của chúng, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; bột da sống, đã hoặc chưa crom hóa, mã HS 3504.00.00: giảm thuế suất MFN là 5% xuống 3%;

+ Mặt hàng sữa công thức cho trẻ em, sản phẩm dinh dưỡng y tế 1901.10.20, 1901.10.91, 1901.90.11, 1901.90.91: giảm thuế suất MFN là 10% xuống 7%;

+ Chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thuộc các mã hàng 2106.90.81, 2106.90.89: giảm thuế suất ưu đãi MFN là 15% giảm xuống 10%;

+ Sản phẩm dinh dưỡng y tế khác, mã hàng 2106.90.96: giảm thuế suất MFN từ 10% xuống 7%.

Mặt hàng ethanol: Tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, mặt hàng ethanol được phân loại vào hai phân nhóm là Cồn ê-ti-lích chưa biến tính có nồng độ cồn tính theo thể tích từ 80% trở lên (mã HS 2207.10.00) và Cồn ê-ti-lích và rượu mạnh khác, đã biến tính, ở mọi nồng độ (mã HS 2207.20.11, 2207.20.19, 2207.20.90).

Trước đây, nhóm hàng này đều có mức thuế MFN đồng nhất là 20% nhưng với thực trạng các nhà máy sản xuất Ethanol trong nước không đủ cung cấp Ethanol để phối trộn xăng E5 trong năm 2018 và chắc chắn thiếu E10 từ sau ngày 1/1/2019 nên Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế từ 20% xuống 17%.

Bộ Tài chính đã tổ chức họp ngày 23/10 với các Bộ ngành, Hiệp hội, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn dầu khí. Theo ý kiến các Bộ ngành, Hiệp hội doanh nghiệp thì hiện xăng sinh học thấp hơn xăng khoáng là 1.325 đồng/lít. Để người tiêu dùng chuyển sang dùng xăng khoáng thì mức chênh lệch tối thiểu phải là 2.000 đồng/lít. Như vậy, với mức giá chênh lệch như hiện nay thì nếu giảm thuế nhập khẩu 5% cũng không đáng kể (giảm 100đ/lít  đến 200đ/l xăng E5 so với xăng khoáng), chưa đủ để người tiêu dùng chuyển sang dùng xăng sinh học. Nếu giảm thuế nhập khẩu là tư duy thị trường nhưng cần có lộ trình để doanh nghiệp đối mới công nghệ, ổn định vùng nguyên liệu, nếu giữ nguyên mức thuế hiện nay thì bảo vệ được doanh nghiệp nhưng ảnh hưởng đến thị trường. Do vậy, tùy mục tiêu đặt ra mà Bộ Tài chính cân nhắc lựa chọn phương án cho phù hợp. Các Tổng Công ty xăng dầu, PVN cho rằng việc giảm thuế nhập khẩu thì tốt cho Tập đoàn, Tổng Công ty xăng dầu nhưng về tổng thể thì cũng không tác động nhiều cho việc giảm giá và ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất xăng sinh học.

Trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành, Hiệp hội và để cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ, Bộ Tài chính trình Chính phủ: Giảm thuế mặt hàng ethanol thuộc các mã hàng 2207.20.11 từ 17% xuống 15% và 2207.20.19 từ 20% xuống 15%.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính