Ngày 02 tháng 12 năm 2019, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phối hợp với Ban hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bình Đinh tổ chức Hội nghị “Ngành Logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” tham dự hội nghị có ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định, ông Trịnh Minh Anh Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và đại diện của Tổng Cục Hải quan Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, hàng năm UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thông tin tuyên truyền công tác HNKTQT; triển khai công tác cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa... Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 836,8 triệu USD; năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 911,6 triệu USD.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định phát biểu
Nhờ chủ động hội nhập, trong thời gian qua Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt, kinh tế - xã hội phát triển theo xu thế tăng trưởng, môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, thị trường mở rộng. Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, vẫn không ít một số cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, còn nhiều lúng túng khi tiếp cận với các Hiệp định, chưa nhận biết được việc cần phải làm để nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hiểu biết về thị trường, pháp luật và thông lệ mua bán quốc tế, đặc biệt thông tin về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu tại Hội nghị
Nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cập nhật thông tin về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các xu hướng thương mại mới; Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp ngành Logistic Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Giới thiệu Cơ chế Hải quan một cửa Quốc gia và Những vấn đề địa phương và doanh nghiệp cần lưu ý, Sở Công Thương phối hợp với Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về Kinh tế tổ chức Hội nghị “Ngành Logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.
Qua hội nghị lần này, tôi mong các đại biểu tập trung tiếp thu những kinh nghiệm của các chuyên gia, tăng cường thảo luận, đóng góp ý kiến để làm sáng tỏ những nội dung liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Từ đó tiếp tục nghiên cứu, chủ động xây dựng, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh các giải pháp phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Đối với các doanh nghiệp, cần tập trung nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là những tác động của các Hiệp định Thương mại tự do và xu hướng phát triển Logistics để chủ động thực hiện, nghiên cứu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm giảm thiểu rủi ro, thách thức do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
Theo PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương, với sự hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, logistics đã phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều thành công cho nhiều quốc gia trên thế giới. Nói đến logistics là nói đến hiệu quả và việc tối ưu hóa trong các ngành, các DN và nền kinh tế. Logistics là chuỗi các hoạt động bao gồm: Lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan…, nhằm đạt được mục đích sau cùng là vận chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Trong thời đại kinh tế số và hội nhập toàn cầu hiện nay, hệ thống logistics đã trở thành cấp thiết và mang tính hệ thống không chỉ từ địa phương, quốc gia mà lan rộng, kết nối toàn cầu. Đặc biệt là việc xây dựng và phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng lãnh thổ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Vùng KTTĐMT), gồm 5 tỉnh, thành phố gồm: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế trải dài trên 609 km bờ biển, với tổng diện tích 27.976km2, chiếm khoảng 29,1% diện tích tự nhiên vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ là vùng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa, dịch vụ và phát triển logistics. Trong đó, hệ thống cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa, dịch vụ và phát triển logistics như các cảng: Quy Nhơn, Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất… Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, hệ thống logistics khu vực này còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Đáng chú ý là các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics chủ yếu là các DN có quy mô vừa và nhỏ, thực hiện chủ yếu các dịch vụ đơn lẻ; số lượng, năng lực chuyên môn lao động làm việc trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.
Đánh giá một cách tổng quát về hệ thống logistics của Vùng KTTĐMT, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương cho rằng: Hệ thống dịch vụ logistics tại các tỉnh trong khu vực còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Nói một cách dễ hiểu là hệ thống logistics của khu vực này chưa có các DN lớn, hoạt động theo mô hình liên kết chuỗi, mà chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, năng lực bốc xếp, vận chuyển hàng hóa còn ở mức độ khiêm tốn. Do vậy đã làm cho năng lực cạnh tranh logistics còn thấp so với nhiều vùng trong cả nước. Giữa các địa phương trong vùng chưa có quan hệ hợp tác và liên kết mà ngược lại nặng về cạnh tranh theo kiểu mạnh ai nấy làm, địa phương nào cũng muốn đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, thậm chí còn cạnh tranh thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên đổ về bằng mọi giá. Do vậy, xảy ra tình trạng dẫm chân, kìm hãm nhau, làm giảm khả năng phát triển chung.
Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển hệ thống logistics khu vực Vùng KTTĐMT và cả nước, tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp mang tính thực tiễn và khả thi. Theo PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Nhà nước phải có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề để phát triển dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, phải quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này. Phải tạo mối liên kết giữa các trường đại học trong khu vực, nhằm xây dựng các chương trình đào tạo logistics, đưa môn học logistics vào học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học chuyên ngành kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh ở các trường. Đồng thời, các trường đại học trong cả nước cần có chương trình nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp logistics phát triển như: Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật, Singapore…
Cơ chế Hải quan một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại: Những vấn đề địa phương và Doanh nghiệp cần lưu ý
Ông Phạm Duyên Phương, Phó cục trưởng, Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Tổng Cục Hải quan nhấn mạnh về triển khai ASW và kết nối ngoài ASEAN, đến nay Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 6 nước gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Campuchia. Tính đến nay, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước là 87.355 C/O. Tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 153.872 C/0.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang phối hợp với Bộ NNPTNT chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (với Indonesia và Thái Lan) và chứng nhận kiểm dịch thực vật (với Indonesia); phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), “tính đến 15/6, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản, đạt 97% so với mục tiêu Chính phủ đề ra, trong đó có 10/13 Bộ, ngành đạt 100%” về xã hội hóa hoạt động KTCN, hiện nay, một số Bộ đã ủy quyền/chỉ định nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định/ủy quyền thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như: Bộ Công Thương đã chỉ định 14 cơ quan/tổ chức; Bộ NNPTNT đã chỉ định 20 cơ quan/tổ chức; Bộ Y tế đã chỉ định 12 cơ quan/tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của từng Bộ. Đồng thời các Bộ, ngành cần chuyển đổi hệ thống CNTT phân tán sang tập trung để kết nối với hệ thống CNTT của NSW. Tổng cục Hải quan phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng hệ thống đánh giá đo lường chỉ số hoạt động của các TTHC thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai công tác cải cách KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần vừa tạo thuận lợi thương mại nhưng đi đôi với việc tăng cường chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, bám sát nhiệm vụ được giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình xây dựng các văn bản liên quan KTCN, các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan để văn bản đi vào cuộc sống, tránh chồng chéo, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Văn phòng BCĐLNKT