Theo một số chuyên gia, căng thẳng thương mại leo thang và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng của Việt Nam. Để đối phó với rủi ro này, Việt Nam cần tăng cường chiều sâu hội nhập khu vực.
Nhiều sức ép lên đà tăng trưởng Trong một báo cáo mới công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, căng thẳng thương mại tăng lên gây nguy cơ dài hạn cho tăng trưởng trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 6,6% năm 2019, do cầu trong nước và xuất - nhập khẩu vẫn ổn định, bất chấp xu thế giảm tốc của thế giới.
Tuy nhiên, thế giới đang trong giai đoạn căng thẳng thương mại, với những bất định và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, nên đối với những nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam sẽ chịu tác động. Theo các chuyên gia WB, trong bối cảnh này, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ hay EU không chắc vẫn sẽ dồi dào cho Việt Nam như hiện nay. Xuất khẩu sang Mỹ có thể không còn bền vững lâu dài. Theo WB, trong trước mắt, Việt Nam dường như được hưởng lợi bởi sự chuyển hướng xuất khẩu khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang. Cuộc thương chiến này có thể khiến cho hàng xuất khẩu của Việt Nam thay thế một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ, cũng như một số mặt hàng của Mỹ sang Trung Quốc phải chịu thuế quan trả đũa của Trung Quốc. Chẳng hạn như các mặt hàng: điện thoại và linh kiện, máy tính, hàng may mặc, giày da, đồ gỗ, thép và nhựa.
ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi với Việt Nam về địa lý mà còn có sự tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030 và hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong khu vực. Đồng thời, với tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP lớn, lên đến gần 200% (năm 2018), Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ do độ bất định cao hơn và khả năng các chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn. Hơn nữa, khi thặng dư thương mại với Mỹ tăng lên, Việt Nam còn có thể trở thành đối tượng của các biện pháp thuế quan và bảo hộ thương mại khác của Mỹ. Bên cạnh đó, suy giảm mạnh hơn so với dự kiến ở Trung Quốc, khu vực đồng Euro và Mỹ cũng như sự kiện Brexit (nước Anh rời khỏi EU) diễn ra thiếu kiểm soát, có thể tiếp tục làm suy giảm các hoạt động toàn cầu, gây sức ép đối với tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu càng làm giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu từ các quốc gia đang phát triển Đông Á - Thái Bình Dương như Việt Nam. Sự suy giảm mạnh diễn ra đồng loạt cũng khiến cho giá cả thương phẩm thô giảm đáng kể, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Ngoài việc tăng trưởng chững lại, quá trình Brexit diễn ra thiếu kiểm soát cũng khiến cho kết nối thương mại của khu vực và Việt Nam với Anh bị yếu đi, có thể bị mất khả năng tiếp cận ưu đãi và phải đối mặt với thuế quan cao hơn khi muốn vào thị trường Anh. Tăng cường chiều sâu hội nhập khu vực Theo TS. Pinelopi Goldberg - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là cuộc đua của các nước trong khu vực. Dù có sự cạnh tranh, nhưng đồng thời, Việt Nam cũng có thể coi khu vực là thị trường xuất khẩu rộng lớn có thể tận dụng – nơi có tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi với Việt Nam về địa lý mà còn có sự tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030 và hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong khu vực. Đó không chỉ là cơ hội về một thị trường chung mà còn là cơ hội tiếp cận một không gian thị trường rộng mở hơn thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác ngoại khối. Bên cạnh đó, sau khi AEC được hình thành, lộ trình giảm thuế, xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước trong AEC được thực hiện và giảm xuống mức 0 - 5% theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN). Đây được cho là môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Đồng quan điểm này, ông Andrew Mason - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho rằng, khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung làm suy giảm thương mại toàn cầu, Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực nên tập trung tăng cường chiều sâu hội nhập khu vực. Theo đó, hiện có 2 phương án, bao gồm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhằm tập hợp các quốc gia ASEAN và 6 nước vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và mở rộng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để có sự tham gia của các quốc gia đang phát triển Đông Á - Thái Bình Dương khác. Các nền tảng thương mại quốc tế đó là cơ hội để nâng cao tăng trưởng năng suất thông qua xử lý những rào cản còn lại về thương mại hàng hóa và dịch vụ, đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Cũng theo ông Andrew Mason, các quốc gia trong khu vực cũng sẽ hưởng lợi nếu tiếp tục định hướng mở rộng thương mại. Do đó, Việt Nam cũng như các nước trước bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cần lưu ý không sa đà theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Đồng thời, đây cũng là thời điểm cần tăng gấp đôi nỗ lực của Chính phủ để cải cách cơ cấu, đảm bảo tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Thục Uyên, Văn phòng TBT