Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng 8 xuất siêu 1,7 tỷ USD, tương đương với giá trị xuất siêu của 7 tháng năm 2019, nhờ đóng góp của nhóm hàng điện thoại và linh kiện.
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2019 ước tính đạt 24,5 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 8 tháng có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 58,7%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 8 tháng năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 27,7 tỷ USD, giảm 0,5%; Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%; thị trường ASEAN đạt 17,3 tỷ USD, tăng 3,6%;...
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 ước tính đạt 22,8 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 70,43 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 96,15 tỷ USD, tăng 4,8%.
Trong 7 tháng năm 2019 xuất siêu 1,7 tỷ USD; tháng 8 năm 2019 ước tính xuất siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD.
Chia sẻ với phóng viên báo Công Thương, ông Phạm Tất Thắng - Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, với kết quả đã đạt được có thể hoàn toàn tin tưởng những tháng cuối năm, xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ vẫn theo chiều hướng tốt, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn đang phải đối diện với số lo ngại như một số mặt hàng truyền thống có kim ngạch giảm như gạo, than đá, dầu thô… Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước mặc dù có tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao, cao hơn khối FDI nhưng vẫn chưa đủ. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng những ưu đãi từ các FTA đã ký kết, chú ý xác nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các cam kết đã ký.
Nguồn: Báo Công Thương