Hội nhập trong nước

Ngày 12/6/2019, Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hội nhập quốc tế về kinh tế năm 2019, tham dự hội nghị gồm có đồng chí Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng Ban hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và đại diện của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho trên 250 đại biểu thuộc các cơ quan, đơn vị thành viên BCĐ liên ngành, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

            Phát biểu khai mạc hội nghị,đồng chí Vũ Hồng Thủy nhấn mạnh những thành tựu của hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho Việt Nam cũng như tỉnh Lạng Sơn trong hơn 30 năm đổi mới, qua đó cũng mang lại nhiều thách thức cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng. Trong tình hình mới, trước những diễn biến của quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Lạng Sơn, điều này cần phải có kế hoạch tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế từ Trung ương đến địa phương nhằm giảm thiểu những thách thức mà căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đem lại.

             Đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh văn phòng BCĐLNKT phát biểu: Định hướng chung về công tác hội nhập kinh tế quốc tế 2019

            -  Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các FTA mới có hiệu lực, thúc đẩy phê chuẩn và thực thi các FTA đã hoàn tất (EVFTA), thúc đẩy đàm phán để kết thúc hiệp định RCEP. Rà soát, tổng kết, đánh giá các cam kết hội nhập, trong đó tập trung đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với tăng trưởng kinh tế tổng thể, thương mại xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành để rút kinh nghiệm cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới.

            - Xử lý kịp thời và phù hợp với các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu đánh giá khả năng đàm phán mới với một số đối tác; tăng cường nghiên cứu, cảnh báo sớm trước những diễn biến mới của các cuộc xung đột thương mại trong khu vực;

            - Tiếp tục coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế trong nước nói chung và phổ biến các FTA nói riêng tới mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt tới các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người dân, nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội cam kết mở cửa thị trường của các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường khu vực và quốc tế.

            - Thúc đẩy hợp tác, kết nối, tăng cường vị thế của Việt Nam tại các cơ chế khu vực và toàn cầu, quan trọng nhất là các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê-Công, ASEAN, APEC, ASEM…, các Hội nghị G20, G7 mở rộng; chủ động đóng góp vào củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, công bằng, minh bạch, bao trùm, vì sự phát triển với WTO giữ vai trò trung tâm.

            - Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thúc đẩy các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế từ trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, chính sách. Tăng cường năng lực của cán bộ tham gia hội nhập kinh tế quốc tế từ trung ương đến địa phương thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế.

            Tiến sỹ Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu định hướng phát triển thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam những vấn đề địa phương và doanh nghiệp cần lưu ý:

            - Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan về quy định về tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu (nhất là các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc New Zealand,Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La tinh), các hiệp định thương mại nhất là các hiệp định thế hệ mới như EVFTA, CPTPP.

            - Xây dựng trang thông tin thị trường hỗ trợ cho người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu (thông tin về hoạt động thương mại của nước đó, nhu cầu đối với các sản phẩm, các doanh nghiệp nhập khẩu, các thay đổi về chính sách, dự báo thị trường…)

            - Nâng cao năng lực đàm phán (đầu tư nhân lực, tài liệu khoa học, chuyên môn đàm phán) trong việc mở cửa thị trường, tập trung vào thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Úc để đa dạng thị trường xuất khẩu, nâng cao uy tín NLTS Việt Nam. 

            - Đào tạo các kiến thức về hội nhập cho các doanh nghiệptrong đó đặc biệt là các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh ATTP, thủ tục xuất nhập khẩu tại các thị trường khác nhau

            - Đào tạo cho cán bộ địa phương, hộ nông dân các kiến thức xây dựng vùng sản xuất an toàn, cấp mã số vùng trồng, các kiến thức mới về truy suất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…

            - Xây dựng chương trình truyền thông tại các thị trường xuất khẩu để quảng bá hình ảnh sản phẩm NLTS Việt Nam tới người tiêu dùng nước ngoài đồng thời chống lại những tuyên truyền sai lệch về NLTS Việt. 

            - Tập huấn nâng cao trình độ về xử lý dịch hại đáp ứng yêu cầu các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Nga, Hàn Quốc…

            - Nâng cao vai trò của các Đại sứ quán của Việt Nam tại các nước (Tham tán thương mại) để cập nhật thông tin, thị trường các nước nhập khẩu tiềm năng.

            Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng, Vụ châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương phát biểu nhấn mạnh về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc: những vấn đề địa phương và doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các nước là thành viên CPTPP.  Đến nay đã có 8 loại trái cây tươi của Việt Nam được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, bao gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Hiện Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc đưa thêm một số trái cây như sầu riêng, bưởi, na, roi, dừa, chanh leo... trong thời gian tới. 

            Thực tế cho thấy rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, rất bấp bênh. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã siết chặt đường biên mậu, việc xuất khẩu tiểu ngạch rất khó khăn. Đổi lại, phía bạn đang mở rộng cửa, tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu nông sản đi theo đường chính ngạch khi giảm thuế từ 17% trước đây còn 3%-4%. Tuy nhiên, để nhập khẩu theo đường chính ngạch thì mặt hàng trái cây Việt Nam đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc.

            Các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc cũng cần chú ý ba điểm trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của Hải quan nước này. Thứ nhất, dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.

            Thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 41 doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) là đơn vị có năng lực cung cấp lượng lớn tem nhãn cho doanh nghiệp.

            Điểm thứ ba là từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, đối với dưa hấu: không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái; đối với mít: yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc; đối với chuối: yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc); đối với vải thiều: phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.

            Trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đang tồn tại một số vấn đề như hiện tượng làm giả chứng nhận, mở đơn hàng, tờ khai giả; vi phạm tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản. Riêng về việc vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, trong năm 2018, Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) nhập khẩu 1,53 triệu tấn trái cây Việt Nam, trong đó phát hiện 140 lô (chủ yếu là nhãn, chuối, chôm chôm) có sinh vật gây hại, không đạt tiêu chuẩn. Cũng trong năm vừa qua, Nam Ninh nhập khẩu 1,19 triệu tấn tinh bột sắn Việt Nam, phát hiện 3 lô không đạt tiêu chuẩn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép.

            Thông qua hội nghị, các đại biểu được cung cấp những kiến thức mang tính thời sự về tình hình thế giới, trong nước và của tỉnh, qua đó vận dụng hiệu quả vào nhiệm vụ công tác của mỗi cá nhân, đơn vị mình; đồng thời giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra những định hướng nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết trong các hiệp định thương mại.

            Văn phòng BCĐLNKT