Ngày 29/5/2019, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế phối hợp với Ban hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bên Tre tổ chức hội nghị "Hội nghị phổ biến Hiệp định CPTPP: cơ hội và thách thức" tham dự hội nghị có đồng chí Lê Văn Khê giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, đồng chí Trịnh Minh Anh Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính và đại diện Vụ châu Á - châu Phi Bộ Công Thương.
Đồng chí Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng Ban HNKTQT tỉnh Bến Tre
Phát biểu khai mạc đồng chí Lê Văn Khê nhấn mạnh trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre năm 2018 đạt 1,08 triệu USD, tăng 20% so với năm 2017, trong đó thị trường lớn nhất là Châu Á chiếm tỷ trọng 66% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, kế đến là Châu Mỹ chiếm tỷ trọng 20% và Châu Âu chiếm tỷ trọng 11%. Các nhóm hàng xuất khẩu là hàng thủy sản, hàng nông sản, hàng CN-TTCN. Năm 2018 vừa qua, với quyết tâm của bộ máy chính quyền, cùng sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố, vị trí tốt nhất từ trước đến nay; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng đầu bảng xếp hạng. Đây là dấu hiệu tích cực, là một trong những yếu tố khẳng định quyết tâm cao của bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Bến Tre tìm kiếm cơ hội đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ hội và thách thức từ CPTPP phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính chúng ta. Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, thu hút vốn FDI cũng hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, chuyển giao công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời giúp Việt Nam có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Với tổng GDP của nước tham gia CPTPP đạt 10,2 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 13% trong tổng GDP toàn cầu; tổng dân số là 495 triệu người, chiếm 6,8% dân số thế giới thì về mặt xã hội, khi tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo.
Đối với Bến Tre, khả năng hội nhập và năng lực của doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn hạn chế, nhất là trước những thách thức của CPTPP. Vì vậy, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của tỉnh sẽ còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn còn hạn chế; năng suất lao động thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp yếu. Nếu không có sự chuẩn bị tốt ngay từ đầu, không có chiến lược sản xuất kinh doanh hợp lý thì doanh nghiệp Bến Tre có nguy cơ bị cạnh tranh rất cao và khả năng thất bại ngay cả trên sân nhà.
Bên cạnh đó, Bến Tre có thế mạnh về chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, trái cây, thủy sản,... với thị trường xuất khẩu sang Châu Âu, Hoa Kỳ, Châu Phi,... đặc biệt là thị trường chính ngạch Trung Quốc - một thị trường rộng lớn với khoảng 1,4 tỷ dân. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội lớn nếu doanh nghiệp nắm bắt được thông tin, hiểu rõ quy định và chuẩn bị tốt thì cơ hội tiếp cận thị trường chính ngạch Trung Quốc rất rộng mở, nhất là đối với mặt hàng trái cây.
Đồng chí Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế
Đồng chí Trịnh Minh Anh phát biểu, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2018 và đang được thực thi ở 7 nước thành viên đã phê chuẩn. Trong quý đầu tiên hiệp định có hiệu lực, CPTPP đã giúp tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao kỳ vọng tăng trưởng kinh tế. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kiyoto Tsuji cho rằng, với việc phê chuẩn hiệp định, nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng 1,5%, trong khi Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho biết, thương mại của nước này với Nhật Bản đã tăng 25% và với Canada đã tăng 8,4%...
Khi có hiệu lực, hết các mức thuế, thuế giá trị gia tăng được loại bỏ ngay lập tức giữa các quốc gia thành viên. Một số quốc gia sẽ thực hiện giai đoạn giảm thuế trong 4 năm, thay vì ngay lập tức, với một số ít được thực hiện trong vòng 10 - 15 năm. Chile chỉ loại bỏ thuế quan từng bước đối với các sản phẩm sắt và thép trong một vài năm. Khi có nhiều nước tham gia CPTPP hơn, người tiêu dùng Chile sẽ được hưởng lợi từ giá thấp hơn. Thuế quan Chile đã ở mức thấp, khoảng 6% cho toàn bộ hàng hóa mới và 9% cho hàng hóa đã qua sử dụng. Trước đó, từ năm 2005, Chile đã cùng với New Zealand, Brunei và Singapore loại bỏ tất cả các rào cản thương mại (nghĩa là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các quy định xuất nhập khẩu khó khăn) giữa các nước thông qua Hiệp định TPP ban đầu. Chile cũng đã có các hiệp định thương mại tự do riêng biệt với Mỹ và Liên minh châu Âu.
11 quốc gia thành viên CPTPP hiện nay đại diện cho tổng dân số 516,7 triệu người và có 8 thành viên OECD hoặc các nước nhỏ đã phát triển. Ngoài ra, 1 vài quốc gia khác như: Philippines, Colombia, Thái Lan, Lào, Indonesia, Campuchia, Bangladesh, Hàn Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka đều đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP, sẽ đưa tổng số quốc gia lên 22 nền kinh tế với tổng dân số dự kiến khoảng 2,6 tỷ người và có 10 thành viên OECD hoặc các quốc gia nhỏ đã phát triển.
Do đó, CPTPP là một thị trường lớn gần như tự do và có thể sẽ mở rộng hơn nhiều. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ thương mại thuận lợi giữa các quốc gia này, bất kể đó là trụ sở của quốc gia nào. Hơn nữa, CPTPP có một cơ chế theo đó các nhà đầu tư hoặc công ty có quyền kiện các chính phủ nước ngoài vi phạm hiệp định. CPTPP cũng mở đường đáng kể cho sự phát triển và phân phối dược phẩm giữa các thành viên, có khả năng mang lại quyền tiếp cận tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho các quốc gia thành viên và chi phí thấp hơn.
Nếu được thực thi đầy đủ, CPTPP là một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý, được hỗ trợ bởi một hệ thống giải quyết tranh chấp, nhằm mang lại luật pháp và tính minh bạch và dự đoán cao hơn cho chế độ thương mại đáng tin cậy. Mục đích tổng thể theo CPTPP là "duy trì thị trường mở, gia tăng thương mại thế giới và tạo ra cơ hội kinh tế mới cho mọi người thuộc mọi mức thu nhập và nền kinh tế".
Đánh giá tác động của những hiện tượng và xu thế mới trong kinh tế và thương mại quốc tế đối với tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đồng chí Trịnh Minh Anh nhấn mạnh hầu hết các tổ chức quốc tế lớn như IMF, Ngân hàng Thế giới, OECD đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong trung hạn. Tuy nhiên, mức độ bền vững và bao trùm của tăng trưởng vẫn là một dấu hỏi lớn khi kinh tế thế giới phục hồi chưa thực sự nhanh kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Diễn biến tăng trưởng kinh tế ngày càng trở nên bất định hơn, và không đồng đều ở các nhóm nền kinh tế khác nhau. Các nền kinh tế chủ chốt có thể tăng trưởng chậm lại do vẫn phải đối mặt với những vấn đề mang tính cơ cấu như năng suất chậm cải thiện, thiếu động lực tăng trưởng mới, sự phụ thuộc vào kích thích tài khóa và nới lỏng tiền tệ, v.v. Ngay cả nhóm các nước đang phát triển và mới nổi ở châu Á - vốn được xem là khu vực phát triển năng động bậc nhất – cũng chứng kiến tình trạng suy giảm tăng trưởng. Bên cạnh đó, còn nổi lên rủi ro về bất ổn tài chính – tiền tệ toàn cầu do tình trạng nợ gia tăng và ít được cải thiện; những thay đổi trong trật tự kinh tế tại nhiều khu vực và trên thế giới; tình trạng tài chính thắt chặt, căng thẳng địa chính trị, v.v.
Tăng trưởng thương mại – vốn là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nhiều thập niên - được dự báo sẽ chậm lại, thậm chí có thể tăng trưởng âm trong trung hạn. IMF đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 và 2019 xuống còn 4,2% và 4% (giảm lần lượt 0,6 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 7/2018).
Những xu thế trên có thể tạo thêm một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam. Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội cải thiện tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng.Ở một chừng mực khác, những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ. Chính ở đây, những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 nếu được kịp thời ứng dụng ở những lĩnh vực như logistics, tài chính, tổ chức sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu, dịch vụ hành chính công, v.v. thì sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Ước lượng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16% tùy theo từng kịch bản.
Tuy nhiên, những xu thế trên cũng kéo theo không ít thách thức đối với Việt Nam.
Thứ nhất, xử lý hài hòa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều bất định là không dễ. Không ít nghiên cứu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm, dù ở mức độ khác nhau tùy theo kịch bản. Trong khi đó, dù lạm phát hiện vẫn tương đối ổn định và dưới chỉ tiêu Quốc hội giao, áp lực lạm phát còn hiện hữu, do kỳ vọng về tác động của những yếu tố như tăng phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, khả năng tăng lương tối thiểu vùng 2019, và khả năng tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (nếu lạm phát đến cuối năm còn cách biệt so với mục tiêu đề ra). Ứng phó với tác động của rủi ro suy giảm kinh tế do tác động từ bên ngoài, do vậy, cũng vướng phải áp lực lạm phát trong nước – tương tự như giai đoạn 2008-2009 dù ở mức độ và phạm vi nhỏ hơn nhiều. Nếu quá cứng nhắc với kiểm soát áp lực lạm phát, suy giảm tăng trưởng kinh tế trong điều kiện suy giảm tổng cầu thế giới có thể để lại nhiều hệ lụy. Ngược lại, nếu chỉ tập trung phòng ngừa rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế thông qua nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô thì áp lực lạm phát có thể tăng trở lại.
Thứ hai, thách thức đối với duy trì cải cách sẽ lớn hơn nếu một số cơ quan lấy lý do tập trung hơn vào xử lý tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, và giảm sự quan tâm đối với các cải cách thể chế kinh tế.Mặc dù việc giảm xếp hạng năng lực cạnh tranh theo chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu trong năm 2018 có phần do thay đổi phương pháp tính chỉ số, khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng vẫn là một dấu hỏi lớn. Truyền tải quyết tâm cải cách từ lãnh đạo không ít Bộ, ngành đến đội ngũ cán bộ thừa hành còn khá chậm. Một số Bộ ngành dường như muốn tập trung vào các kịch bản điều hành tăng trưởng ngành ở tầm vĩ mô, song bỏ qua thực tế rằng cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng là một bộ phận trong các kịch bản ấy. Thách thức đối với duy trì cải cách sẽ lớn hơn nếu một số cơ quan lấy lý do tập trung hơn vào xử lý tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, và giảm sự quan tâm đối với các cải cách thể chế kinh tế.
Thứ ba, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức từ việc chuyển hướng thương mại và đầu tư do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Để đối phó với hàng rào thương mại của Mỹ, Trung Quốc có thể thực hiện đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Một khả năng nữa là doanh nghiệp Trung Quốc có thể sử dụng Việt Nam như thị trường trung gian – nếu Việt Nam không giám sát và phòng ngừa hiệu quả - để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ để tránh mức thuế cao. Khi ấy, Việt Nam sẽ gặp phải nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và thậm chí chịu các biện pháp trừng phạt kèm theo. Theo số liệu của WTO, Việt Nam hiện đang đối mặt với 7 vụ kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, trong đó 16/17 vụ việc có nguồn gốc từ Trung Quốc (riêng Mỹ khởi xướng 3 vụ, EU: 6 vụ). Bản thân một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu của Việt Nam trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường cũng là một nhiệm vụ khá khó khăn.
Thứ tư, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộngtới tăng trưởng và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ như dệt may, da giày, điện thoại, v.v. có thể gặp phải các biện pháp có tính chất hạn chế thương mại hơn. Bản thân việc USD lên giá và rủi ro các nước khác phá giá nội tệ cũng làm tăng thách thức đối với điều hành tỷ giá, thương mại và thị trường tài chính của Việt Nam.
Đánh giá đầy đủ tác động đối với Việt Nam đòi hỏi thêm thời gian và số liệu kiểm chứng. Tuy nhiên, kết quả kinh tế - xã hội cho đến nay cho thấy Việt Nam đã xử lý khá hiệu quả một số tác động ban đầu qua kênh tỷ giá, thương mại, đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu vẫn có sự điều chỉnh, thích ứng để duy trì tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự tin tưởng hơn vào khả năng nhận định tình hình, hoạch định chính sách ứng phó của các Bộ ngành trước những diễn biến mới. Những kỷ lục về giải ngân đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại trong 11 tháng đầu năm 2018 - tương ứng đạt 16,5 tỷ USD và 7,4 tỷ USD – chính là minh chứng cho niềm tin ấy.
Thứ năm, dù kỳ vọng nhiều từ Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam cần lưu ý là không có cơ hội nào xuất hiện mà không có rủi ro, và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là ngoại lệ. Các mô hình kinh doanh mới có thể nhanh chóng thay đổi tính hấp dẫn của các địa điểm sản xuất, dẫn đến một hoạt động sản xuất toàn cầu tập trung ở một số ít các quốc gia và công ty và hoạt động sản xuất giảm đáng kể. Toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm gia tăng bất bình đẳng và bất ổn xã hội. Tự động hóa đã dẫn đến mất việc, còn công nghệ có thể dẫn đến sự thay thế chứ không phải là sự bổ sung cho năng suất của con người. Việc áp dụng rộng rãi công nghệ mới vào các môi trường sản xuất có mức độ cao có thể có những tác động tiêu cực nếu có sự cố hệ thống, như trí thông minh nhân tạo gây ra những sai sót liên quan đến tăng chi phí sản xuất. Những rủi ro này cần được dự đoán, theo dõi và có biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực
Bà Trần Thị Thu Hiền, đại diện Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính
Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. Do vậy, cơ quan chức năng cần có những chính sách tháo gỡ, nhất là trong thủ tục thuế và hải quan để doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội này.
Ông Vũ Văn Cường, đại diện Vụ châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương
Chia sẻ khi Việt Nam tham gia CPTPP, việc xuất khẩu hàng hóa sang 10 nước thành viên CPTPP khác sẽ được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu. Cụ thể, Australia mở 93% dòng thuế cho Việt Nam, Nhật Bản mở 95% dòng thuế... Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các thị trường mới, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh như thủy hải sản, dệt may, da giày, nông sản... Tuy nhiên, cơ hội cũng đồng thời với thách thức khi doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhiều loại hàng hóa khác của các nước nhập khẩu vào Việt Nam.
Văn phòng BCĐLNKT