Với độ mở đã lên tới 200% GDP, nền kinh tế Việt Nam đang trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, điển hình là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Do đó, theo chuyên gia SSI, tận dụng giao thương để tăng trưởng nhanh cũng cần đi kèm củng cố nội lực để tăng trưởng bền vững hơn.
Năm 2018 khép lại là một năm nhiều thành công của thương mại Việt Nam. Cán cân thương mại thặng dư năm thứ 3 liên tiếp với giá trị xuất siêu cao kỷ lục đạt 6,8 tỷ USD, trong đó riêng khối FDI xuất siêu 30,1 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu tuy tăng chậm hơn năm 2017 nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tích cực. Tổng giá trị xuất khẩu tăng 13,2% đạt 243,5 tỷ USD, nhập khẩu tăng 11,1% đạt 236,7 tỷ USD, tổng kim ngạch hai chiều đạt 480 tỷ USD, tương đương 196% GDP, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có độ mở lớn nhất thế giới.
Năm 2018 cũng ghi nhận nhiều thành công của Việt Nam trong các nỗ lực hội nhập quốc tế với việc CPTPP chính thức được ký kết vào tháng 3/2018 và những tiến triển rõ nét của hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU).
Tuy nhiên, theo đánh giá của SSI Research trong báo cáo thương mại vừa mới phát hành thì độ mở của nền kinh tế tăng nhanh đồng nghĩa với việc kinh tế Việt Nam cũng nhạy cảm hơn với các diễn biến từ bên ngoài.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đi kèm với những biểu hiện ban đầu của suy thoái kinh tế đặc biệt là sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang dần thể hiện ảnh hưởng khi đây là hai đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Tại bản báo cáo này, SSI cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu nhen nhóm từ đầu năm 2018, mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của cuộc chiến song theo những phân tích ban đầu, Việt Nam được kỳ vọng là quốc gia hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư và thương mại hàng hóa theo nhiều cách.
Cụ thể, hàng hóa Trung Quốc đi đường vòng để tìm đường vào thị trường Mỹ và hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trở nên kém cạnh tranh tạo điều kiện cho hàng hóa từ các nước khác trong đó có Việt Nam.
Cùng với đó, thách thức với Việt Nam cũng không nhỏ nếu hàng hóa Trung Quốc không xuất được sang Mỹ tìm tới các thị trường khác trong đó có Việt Nam, Trung Quốc tăng cường tiêu dùng nội địa gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam hay hàng linh phụ kiện của Việt Nam xuất sang Trung Quốc để chế biến, lắp ráp hàng xuất khẩu đi Mỹ cũng gặp khó khăn.
Số liệu ban đầu cho thấy xuất khẩu sang Mỹ tăng tốc khá rõ nét trong nửa cuối năm 2018, tăng trưởng từ mức 9,4% trong 6 tháng đầu năm lên 13,8% cả năm 2018, đáng chú ý là các mặt hàng điện thoại, máy vi tính và sản phẩm điện tử, gỗ và hàng thủy sản.
Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc chậm dần từ tháng 8 và đặc biệt rơi về âm 6,8% so với cùng kỳ trong tháng 11 và âm 19,8% trong tháng 12. Nhiều mặt hàng chính giảm khá mạnh trong tháng cuối năm như điện thoại (giảm 42% so cùng kỳ), máy ảnh (giảm 17%), hàng rau quả (giảm 16%), gỗ (giảm 31%).
Theo SSI, chiến tranh thương mại như giọt nước tràn ly thêm vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đang gặp nhiều bất ổn. Tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc thấp nhất trong gần 30 năm, PMI xuống dưới 50 điểm lần đầu sau 18 tháng do sản lượng sản xuất và đơn hàng xuất khẩu đều giảm do xung đột thương mại với Mỹ.
Chiếm 17% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, cầu từ thị trường Trung Quốc suy giảm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam mà còn tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số ngành đã nhanh chóng bị ảnh hưởng điển hình như xuất khẩu điện thoại, hàng rau quả,... và có thể tiếp tục tác động tới nhiều ngành khác khi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể còn thấp hơn trong năm 2019.
Với 12 FTAs đã ký kết với tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA khoảng 35%, độ mở tăng nhanh chóng từ 120% lên gần 200% GDP trong 10 năm khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, điển hình là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Do đó, theo chuyên gia SSI, tận dụng giao thương để tăng trưởng nhanh cũng cần đi kèm củng cố nội lực để tăng trưởng bền vững hơn.
Nguồn: QA tổng hợp