Như vậy, “cuộc đua” của các sản phẩm Việt trong CPTPP đã chính thức bắt đầu. Doanh nghiệp muốn chuyển mình, nhưng 10 triệu hộ chăn nuôi liệu có bắt kịp?
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chuẩn bị đón CPTPP. Đầu tháng 11/2018, tại huyện Hải Hậu (Nam Định) đã diễn ra lễ khánh thành tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn theo công nghệ quốc tế được xem là nhà máy lớn nhất miền Bắc hiện nay, với quy mô 20ha, tổng giá trị đầu tư lên tới 300 tỷ đồng.
Đây là tổ hợp của Công ty TNHH Biển Đông DHS cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt lợn sạch có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng những yêu cầu trong CPTPP.
Ở phía Nam, chỉ hơn một năm kể từ lần đầu tiên Nhật Bản cho phép nhập khẩu thịt gà chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai), đến nay việc xuất khẩu thịt gà và vỏ xúc xích sang Nhật Bản đã có những dấu hiệu khả thi với số lượng khoảng 200 tấn/tháng. Một Công ty khác là Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam hồi tháng 8/2018 cũng đã công bố đầu tư Dự án Chế biến gà xuất khẩu - Tổ hợp khép kín từ nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trại gà bố mẹ, trại chăn nuôi gà thịt, nhà máy giết mổ, nhà máy chế biến. Giai đoạn đầu, Dự án có vốn đầu tư 250 triệu USD, công suất 50 triệu con/năm.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất là hiện cả nước có khoảng trên 10 triệu hộ chăn nuôi. Với quy mô nhỏ lẻ, đây là ngành mà Việt Nam có sức cạnh tranh rất hạn chế trong các nước CPTPP. Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT lo lắng, quy mô lao động nhỏ, năng suất lao động thấp, khả năng áp dụng các biện pháp KHCN cao là rất khó.
Nếu tổ chức thành các chuỗi khép kín, các trang trại hay các hộ chăn nuôi muốn trở thành vệ tinh của các công ty xuất khẩu càng không hề đơn giản, bởi các yêu cầu rất nghiêm ngặt trong chăn nuôi. Ngành chăn nuôi sẽ phải chịu áp lực rất lớn, trong 5-6 nước trong CPTPP thuộc khu vực Bắc Mỹ đều có trình độ chăn nuôi cao hơn Việt Nam rất nhiều.
Việc xóa bỏ thuế quan sẽ tạo cơ hội để thịt lợn, thịt gà, thịt bò đông lạnh, các sản phẩm từ thịt, sữa… ồ ạt nhập vào nước ta. Trong đó thịt lợn và thịt bò từ Canada, Chi lê; sữa bò và thịt bò từ Úc, New Zealand, thịt gà từ Mêxico… tạo sức ép cạnh tranh không cân sức với sản phẩm tương tự sản xuất trong nước.
Hiện nay, giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn cao hơn một số nước thành viên CPTPP. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất nhỏ, manh mún, giống vật nuôi chưa đảm bảo, năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động rất thấp, chi phí đầu vào cao do phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu. Chi phí phòng chống dịch bệnh khá cao trong khi các khoản phí và lệ phí tuy đã bỏ nhiều nhưng vẫn còn chồng chéo...
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp