Con số kỷ lục 36 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong năm 2017 khiến nhiều người đặt câu hỏi về viễn cảnh nguồn vốn này trong năm 2018. Liệu sẽ thuận lợi hay khó khăn?
Vướng ngay từ tháng đầu tiên
Những vướng mắc, khó khăn trong thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2018 đã đến ngay từ tháng đầu tiên trong năm. Nhưng không phải là vì nhìn vào con số thống kê gần 1,26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2018, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, mà là vì cuối năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua một đạo luật về cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Trong đó, một trong những thay đổi lớn nhất là sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21% kể từ đầu năm nay.
“Chúng ta sẽ cạnh tranh hơn trên toàn thế giới. Các công ty của chúng ta sẽ không rời quê hương vì thuế quá cao nữa”, Tổng thống Donald Trump phát biểu.
Ngay lập tức, động thái này của Chính phủ Mỹ được cho là sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu, trong đó có việc dịch chuyển dòng vốn FDI. Thông tin trên các phương tiện truyền thông những ngày gần đây, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng ngay sau động thái của Chính phủ Mỹ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này và có đề cập những lo ngại về việc kinh tế Việt Nam, trong đó có thu hút FDI, sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ giảm thuế có thể khiến các nhà đầu tư nước này xem xét lại kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Có thể, thay vì mở rộng đầu tư, họ sẽ rút lợi nhuận để chuyển về Mỹ đầu tư. Thậm chí, có thể có tình trạng, một số nước sẽ ban hành các chính sách ưu đãi thuế để thuyết phục doanh nghiệp Mỹ ở lại, nên sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam. Chính ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã nhấn mạnh điều này.
Đây là một thực tế rõ ràng cần tính tới, nhất là khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian gần đây liên tục có chính sách để bảo hộ mậu dịch. Việc Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với máy giặt, pin năng lượng mặt trời là một ví dụ. Vì lo ngại Mỹ áp dụng chính sách này, mà cả Samsung và LG đều đã xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng nhà máy mới ở Mỹ. Miếng bánh thị trường chỉ có vậy, khi các nhà đầu tư hướng đến Mỹ, thì phần còn lại sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam.
Chỉ có một điểm… “an ủi” duy nhất, đó là FDI từ Mỹ vào Việt Nam hiện nay chưa lớn. Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Mỹ mới đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 9,9 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Năm ngoái, Mỹ chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 870 triệu USD, một con số cũng không quá lớn. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu có, FDI từ Mỹ vào Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump. Và nếu có, thì cũng không thể ngay lập tức, mà phải có một độ trễ nhất định, chính sách này mới ảnh hưởng tới Việt Nam.
Nhưng triển vọng cũng còn rất lớn
Thực tế, những lo ngại về chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng tới FDI của Việt Nam không phải bây giờ mới có. Năm ngoái, những khó khăn cũng xuất hiện ngay từ tháng đầu tiên. Khi đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khiến hiệp định này có nguy cơ đổ vỡ. Khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã 2 lần điều chỉnh lãi suất USD sau một thời gian giữ ổn định. Nhiều ý kiến chuyên gia cũng lo ngại FDI vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng thực tế, cả năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất tích cực. Con số kỷ lục gần 36 tỷ USD đã chứng minh điều đó.
Dù những lo ngại về chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam là có thật, song bù lại, chúng ta có những thuận lợi to lớn khác để thu hút FDI trong năm nay. Hiệu ứng hậu APEC là điều đã được nhắc tới và chắc chắn sẽ tác động tích cực tới FDI vào Việt Nam.
Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Mỹ mới đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 9,9 tỷ USD.
Hơn nữa, một điều quan trọng là, nhiều khả năng, đầu tháng 3 tới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký kết. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã để ngỏ khả năng quay trở lại hiệp định này.
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh động thái này và cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực, tác động tốt tới kinh tế và thu hút đầu tư của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng phải nhấn mạnh một điều rằng, không phải Mỹ, mà là Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như Thái Lan, Singapore… mới “dẫn dắt” cuộc chơi FDI ở Việt Nam. Chuyện đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tăng hay giảm, tích cực hay không phụ thuộc lớn vào những đối tác đầu tư hàng đầu này.
“Cũng không nên quá lo lắng, bởi thuế chỉ là một vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc trước khi quyết định đầu tư. Việt Nam có nhiều thuận lợi để là một địa điểm đầu tư hàng đầu”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói và cho rằng, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, không chỉ vốn FDI, mà cả vốn đầu tư gián tiếp thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A). Mà M&A thì chính là “tiền tươi, thóc thật”, khác với các khoản đầu tư FDI, còn có khoảng cách giữa vốn đăng ký và thực hiện.
Năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 6,19 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam, tăng 45,1% so với năm 2016. Trong khi đó, con số của tháng 1/2018 là 356 triệu USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước đó.
Có sự “trợ lực” từ vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, cho dù FDI có khó khăn, thì vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2018 vẫn sẽ chuyển biến tích cực.
Mạnh Tiến, Bộ Thông tin truyền thông