Sáng ngày 11/01/2018, Phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế lần thứ nhất năm 2018 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
Phiên họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; cùng các đại biểu đến từ Ban chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương...
Nội dung chính của Phiên họp tập trung tổng kết tình hình công tác hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017 và phương hướng năm 2018; báo cáo kết quả thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Phiên họp ngày 28/01/2017 theo Thông báo số 139/TB-VPCP ngày 15/3/2017 của Văn phòng Chính phủ; Báo cáo công tác năm 2017 và phương hướng năm 2018 của Đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế; Báo cáo về Cơ chế điều phối liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế trong thực hiện, khai thác có hiệu quả các FTA Việt Nam tham gia đã có hiệu lực.
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017 ghi nhận nhiều thành công lớn với các kết quả quan trọng thông qua các sự kiện hội nhập trong nước và quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong hoạt động của Ban chỉ đạo trong thời gian tới. Cụ thể, theo Bộ trưởng, cơ chế điều hành của Ban chỉ đạo liên ngành là đầy đủ, nhưng nhiệm vụ đặt ra còn lớn nên để thực hiện tốt cần đảm bảo cơ chế phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa Ban chỉ đạo và các Bộ, ngành; cần cụ thể hóa kế hoạch, mục tiêu thành Chương trình hành động.
Theo đó, Văn phòng Ban chỉ đạo cần kiện toàn hơn nữa, đặc biệt là trong việc kết nối giữa các Bộ, ngành; cập nhật thông tin; có tính tích hợp và lồng ghép chương trình chung; cần xây dựng trung tâm dữ liệu về hội nhập quốc tế; giúp các Bộ, ngành có điều kiện tiếp cận và nắm bắt cụ thể các nội dung.
Về vấn đề tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, theo Bộ trưởng, cần có cơ chế cụ thể hơn, để khi thực thi cam kết thì quyền lợi doanh nghiệp và người dân được đảm bảo. Cần xây dựng cơ chế diễn đàn hội nhập theo hướng mở, phục vụ hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, năm 2018 chính là năm bản lề cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đồng thời là thời điểm hết sức quan trọng trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 10 FTA song phương và đa phương, với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, bao gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và 5 FTA ASEAN +1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand; 4 FTA song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJEPA), với Hàn Quốc (KVFTA), với Chile (VCFTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEUFTA). Việt Nam cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, cùng ASEAN ký FTA với Hong Kong vào tháng 11/2017.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam. Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm…
Nếu thực hiện đồng bộ và thực hiện hiệu quả các FTA, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả, chúng ta có cơ hội đón nhận và tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các FTA.
Trên cơ sở triển khai các kết quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế 2017, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2018:
Thứ nhất, các Bộ ngành cần tập trung phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đưa ra phương án hợp lý để sớm kết thúc đàm phán và ký kết các FTA còn lại.
Thứ hai, tiếp tục cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra nhằm chuẩn bị cho việc đánh giá 5 năm đầu tiên thực hiện các Nghị quyết về hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam tham gia sâu đậm hơn trong các tổ chức quốc tế và các FTA.
Thứ ba, chủ động thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA mới.
Thứ tư, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến tình hình thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Thứ năm, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ.
Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian qua hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, trong quá trình triển khai hội nhập, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thể hiện một số bất cập đã phần nào giảm hiệu quả của những chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2018 hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm nên đòi hỏi phải có chuyển biến mạnh mẽ và căn bản trong công tác hội nhập, cả đàm phán ký kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chuẩn bị tâm thế trong hội nhập cũng như khâu tổ chức thực thi, tránh tình trạng kết quả tốt trên bàn đám phán nhưng thực thi yếu, làm sao để kết quả đàm phán vào cuộc sống.
Vũ Thành Chung, Cổng thông tin điện tử Chính phủ