Hội nhập trong nước

Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia hội nhập, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, có tới 63% số doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa có sự chuẩn bị cho các FTA trong tương lai. Chính điều này khiến DN trong nước không tận dụng được cơ hội từ hội nhập tốt như DN nước ngoài.

Theo Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright Vũ Thành Tự Anh, trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn, ngay cả Trung Quốc, Nhật Bản, quy mô đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm xuống, thì Việt Nam vẫn ở mức 6,8% năm 2016. Thực tế, FDI là quan trọng nhưng đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam thế nào còn quan trọng hơn. Thí dụ trường hợp của Samsung và Intel, trong chuỗi giá trị nhà máy của Intel và Samsung, DN Việt Nam về cơ bản không trở thành nhà cung ứng. Nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 đều là DN nước ngoài nắm giữ. Thậm chí, ngay cả những dịch vụ đơn giản như xử lý chất thải, suất ăn công nghiệp của Samsung đều do DN FDI nắm giữ. Điều đó dẫn tới giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam chỉ vài phần trăm. Tương tự, ngành dệt - may, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng rất nhiều. Điều này chứng tỏ hội nhập trở thành điểm trung gian cho FDI đến “xuất khẩu nhờ” là chưa tốt.

Cùng quan điểm trên, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, các DN FDI đang tận dụng cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết tốt hơn DN trong nước. Nền kinh tế hiện nay nếu không có đầu tư nước ngoài quả thật rất tệ, nhưng tiếp tục thế này cũng không phải không có vấn đề, đặt chúng ta đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. DN trong nước muốn chớp cơ hội từ các FTA, đầu tiên phải đáp ứng được các chuẩn mực mà họ yêu cầu. Muốn tận dụng phải đầu tư, thay đổi quy trình sản xuất, phương thức quản trị… Những yếu tố này, DN Việt Nam rất thụ động.

Về những thách thức mà DN Việt đang phải đối mặt, theo Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital Đặng Phạm Minh Loan, cách đây ba năm, VinaCapital có đầu tư vào một DN kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, trong năm 2017, cổ phiếu của DN đã mất 50% giá trị vì mặt hàng kinh doanh này vào đầu năm 2018 sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, có nghĩa hàng hóa của DN này sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Thực tế, DN trong nước đang đối phó với thách thức nhiều hơn là chủ động đón nhận cơ hội trong hội nhập. Thứ nhất, do quy mô DN Việt Nam quá nhỏ nên khó có khả năng đầu tư từ lượng thành chất. Thứ hai, do phát triển đội ngũ lãnh đạo cũng đang là vấn đề với các DN.

Về phần DN, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, hiện DN không có chiến lược dài hạn, không chú ý đầu tư phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến. Điều này không những không tận dụng được cơ hội từ hội nhập, mà còn gây hại tới môi trường kinh doanh. Thực tế cho thấy, có tới 63% số DN không có chuẩn bị gì cho các FTA trong tương lai. Chính điều này khiến cho DN trong nước không tận dụng được cơ hội từ hội nhập tốt như DN nước ngoài.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, hội nhập là quan trọng, nhưng hội nhập như thế nào để có được giá trị gia tăng, nâng cao công nghệ còn quan trọng hơn. Hội nhập phải đi đôi năng lực cạnh tranh, sản xuất và nâng cao mức sống của người dân. Thu hút FDI cần có tầm nhìn dài hạn, chứ không thể để FDI biến Việt Nam thành điểm tựa để XK. Chúng ta phải tìm cách gia nhập hệ thống cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, nếu làm được điều đó thì hội nhập rất có ý nghĩa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tận dụng các FTA mới để mở rộng thị trường xuất khẩu, mượn FTA để cải cách thể chế, nâng cao mặt bằng trong nước, nâng cao nền quản trị quốc gia. Cải cách thể chế trong nước phải song hành quốc tế. Mượn ngoại lực chỉ đi được một quãng đường nhưng cuối cùng phải dựa vào nội lực, sức sống, sức mạnh, sự sáng tạo của người dân Việt Nam mới bền vững, nhất là trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch hiện nay.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, thẳng thắn nêu rõ, tham gia các FTA, chúng ta chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng với các nền kinh tế phát triển ở trình độ cao hơn. Nếu có sự chuẩn bị phù hợp, môi trường kinh doanh và chính sách thì chúng ta có cơ hội đón nhận hiệu quả lợi ích từ các FTA, qua đó tăng trưởng XK vào thị trường tiềm năng. Trái lại, nếu thiếu sự phối hợp và chuẩn bị từ cơ quan quản lý và DN, không những cơ hội bị bỏ lỡ, mà chúng ta còn phải chịu thua thiệt trên chính sân nhà của mình khi mở cửa thị trường theo đúng cam kết.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải nhìn các bất cập, hạn chế mà nếu chúng ta làm tốt hơn thì kết quả đầy đặn hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho đất nước. Đó là sức cạnh tranh chưa bắt kịp hội nhập; khu vực DN trong nước và các DN FDI chưa có sự liên kết hiệu quả; nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương, đặc biệt của người dân và DN về hội nhập chưa đúng, chưa đầy đủ nên hành động chưa đủ quyết liệt để chuyển tình thế phù hợp hội nhập. Do đó, cần phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn. Cần đẩy mạnh công tác dự báo của cơ quan nghiên cứu không để chúng ta rơi vào thế bị động, bất ngờ trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn: Nguyễn Minh Phong, nhandan.com