Trong bối cảnh thế giới mù mịt khói súng chiến tranh thương mại, Việt Nam đã có một năm hội nhập được xem là an toàn, thậm chí có vài tín hiệu lạc quan. Một kết quả không thể không vui mừng. Dù vậy, khi niềm vui đi qua, năm mới vừa đến, thách thức có thể lại đang chờ.
Những lý do để vui mừng
Phương Tây có câu “không có tin gì, đấy là tin vui”. Câu nói chẳng phải lúc nào cũng đúng này kỳ thực lại rất thích hợp để miêu tả về kết quả hội nhập 2018 của Việt Nam. Không có sự kiện hoành tráng như Thượng đỉnh APEC. Không có những cuộc tiếp đón rầm rộ các nhân vật quyền lực nhất thế giới. Không có các cuộc đàm phán CPTPP gay cấn tới tận phút cuối... Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 của Việt Nam có thể nói là trầm lắng hơn nhiều so với năm trước đó.
Mặc dù vậy, nếu đặt trong bối cảnh thương mại thế giới 2018 đầy khói lửa của chiến tranh thương mại, “mùa bình thường” của Việt Nam hóa ra lại là “mùa vui”.
Ít nhất, trong năm 2018, chúng ta đã không phải là mục tiêu chính của các biện pháp thuế quan vốn làm chao đảo thương mại thế giới của Mỹ - những “quả bom” mà dần dà người ta mới thấy là đang nổ quanh chân những đối tác có “tội” thặng dư thương mại hàng hóa lớn với Mỹ. Phải biết rằng Việt Nam nhiều năm rồi nằm trong tốp đầu các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Gần nhất, năm 2017, Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ 5 của Mỹ (38 tỉ đô la Mỹ theo số liệu của Mỹ và 32 tỉ đô la Mỹ theo số liệu của Việt Nam), chỉ sau Trung Quốc (375 tỉ đô la Mỹ), Mexico (71 tỉ đô la Mỹ), Nhật Bản (69 tỉ đô la Mỹ) và Đức (64 tỉ đô la Mỹ).
Ít nhất, năm rồi chúng ta vẫn có thể tăng trưởng xuất khẩu ổn định ở các thị trường, kể cả các điểm nóng thương mại, vốn đang bùng nổ giận dữ bằng các biện pháp vừa là trả đũa Mỹ, vừa là phòng vệ cho chính mình như EU, Bắc Mỹ... Dòng hàng Việt Nam sang 16 thị trường đã có FTA có tín hiệu lạc quan cả về kim ngạch lẫn tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan. Thậm chí, trong một vài phân khúc sản phẩm, một số doanh nghiệp của chúng ta còn có thể tranh thủ tận dụng được những cơ hội, những khoảng trống thị trường hé ra rất nhanh từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn.
Và ít nhất, trong khi thế giới đang chìm trong những nỗi ám ảnh bảo hộ lớn nhỏ, Việt Nam vẫn có được những bước đi dù chậm rãi nhưng chắc chắn hướng về thương mại tự do. Với CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), tháng 3 ta ký, tháng 11 ta phê chuẩn, tháng 1 tới đã có hiệu lực rồi. Với EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), sau hơn hai năm không có bất kỳ động tĩnh gì, rốt cuộc thủ tục tách đôi, rà soát pháp lý đã được hai bên hoàn tất và chuyển đến Hội đồng châu Âu để ký, chuẩn bị cho việc phê chuẩn của Nghị viện châu Âu. Những con đường mới, ưu tiên và ổn định cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nền kinh tế quan trọng này đã sắp thành hiện thực. Đó cũng là những cung đường tránh đầy ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng và bất ổn thương mại hiện nay.
Những thách thức ở phía trước
Năm 2018 vừa đi qua, 2019 vừa đến. Một năm được tất cả các tổ chức tài chính quốc tế lớn dự báo là sẽ khó khăn, cho xuất khẩu nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Kỳ thực chưa cần phải cậy vào các tính toán chi li, thực tế ngoài kia cũng đang cho thấy chúng ta có nhiều lý do để phải lo lắng.
Thứ nhất, may mắn của 2018 không chắc sẽ còn nối dài tới 2019.
Ai dám khẳng định sau khi lần lượt “sờ gáy” các “ông lớn”, Mỹ sẽ không quay sang “ai đó” ở các vị trí tiếp theo trong danh sách các “thủ phạm” gây thâm hụt?
Ai có thể bảo đảm các biện pháp thuế chống bán phá giá, tự vệ, giám sát kỹ thuật... vốn đã rục rịch tăng trong năm 2018, sẽ không trầm trọng thêm trong năm tới, khi mà sản xuất nội địa ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm đều được dự báo sẽ khó khăn. Những ai đã nếm trải hệ quả của các biện pháp này đều biết rõ những “phát bắn tỉa” ít ồn ào này có thể “gây thương tích” lớn đến mức nào cho hàng hóa Việt Nam, với các mức thuế bổ sung biến động và hoàn toàn không thể dự đoán được.
Trên bình diện rộng hơn, sau một khoảng lùi nhất định, hệ quả từ những căng thẳng và trả đũa thương mại bùng phát năm 2018 trên thế giới, và từ cả những biện pháp đơn phương về thuế má, đầu tư, trợ cấp trong nội địa nước Mỹ, rất có thể sẽ hiển hiện rõ ràng hơn. Nếu các dự báo về việc kinh tế thế giới giảm tốc, cầu chững lại, đầu tư yếu, thị trường tài chính biến động trong năm 2019 là đúng, thì một nền kinh tế có độ mở cao, định hướng xuất khẩu như Việt Nam chắc chắn sẽ không dễ chịu gì. Đó là chưa kể tới những hệ quả phái sinh, khi các nỗ lực tập trung xử lý khủng hoảng hoặc giải quyết các câu chuyện tức thời làm loãng đi quyết tâm cải cách thể chế ở trong nước.
Vẫn biết, giải pháp căn cơ là tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của ngành, của cả nền kinh tế, để đủ lực đối phó với bất kỳ rủi ro nào. Vẫn biết, câu trả lời dĩ bất biến ứng vạn biến là cải cách toàn diện, cải cách triệt để và cải cách thực tâm. Có điều, biết là một chuyện, làm và làm được là chuyện hoàn toàn khác.
Thứ nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dù không rõ sẽ tiến tới đâu, dù chưa biết bên nào thắng cuộc, cuối cùng cũng sẽ khiến cách thức vận hành của sản xuất, thương mại, đầu tư thế giới thay đổi.
Trung Quốc sẽ phải bằng mọi giá thúc đẩy hiện đại hóa sản xuất, áp dụng công nghệ mới, hòng bù đắp cho phần thuế phải chịu, và thay đổi phương thức sản xuất của công xưởng thế giới. Mỹ có thể sẽ khiến dòng đầu tư hoặc gia công off-shore quay đầu, đồng thời tạo ra những quy tắc mới trong quan hệ đối tác thương mại. Các thị trường khác có thể sẽ dựng lên các hàng rào bảo hộ tránh dòng lũ hàng hóa chuyển hướng, và xoay chuyển chính sách thương mại, đầu tư. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng các định chế thương mại hoặc phi thương mại khác có thể sẽ phải cải tổ.
Ở giữa những dòng xoáy đó, doanh nghiệp của chúng ta liệu có thể chuyển đổi năng lực cạnh tranh với cùng tốc độ để tiếp tục cuộc đua ở các thị trường xuất khẩu? Nền kinh tế có thể quyết liệt ngăn chặn cuộc xâm lấn của các công nghệ cũ, thải loại từ nước láng giềng? Môi trường kinh doanh có thể cải cách triệt để nhằm tạo sức hấp dẫn thực sự, đặng thu hút mới và giữ chân các nhà đầu tư đang có? Và rốt cục, chúng ta có kịp thay đổi tư duy và cách thức trong một hệ thống thương mại toàn cầu đang thay đổi?
Cuối cùng, với CPTPP, EVFTA, những con đường ưu tiên, ổn định đã được khơi thông, hứa hẹn những quả ngọt về xuất khẩu, đầu tư, thể chế. Dù vậy có thể đi trên con đường đó không, có thực sự tới được những cái đích ngọt ngào đó không, lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Thực trạng về khoảng 70% các lợi ích thuế quan bị bỏ lỡ trong các FTA đang có rất có thể sẽ lặp lại với các hiệp định mới. Nói đâu xa, ngày CPTPP có hiệu lực đã gần kề, nhưng dường như chưa có giải pháp rõ ràng và hiệu quả nào được đưa ra nhằm phổ biến về nội dung, cách thức thực hiện hay tận dụng các cam kết cho doanh nghiệp, cho chính các cơ quan thực thi các cấp. Và càng chưa rõ ai có trách nhiệm thực hiện, ai sẽ giám sát hiệu quả của các công việc này.
Cũng như vậy, không ít những bài học cải cách thể chế thiếu thống nhất, trên bề mặt và làm cho có thời Việt Nam gia nhập WTO rất có thể sẽ tái diễn. CPTPP đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa biết được cơ quan nào là đầu mối chịu trách nhiệm cho việc thúc đẩy, giám sát, hướng dẫn quá trình nội luật hóa các cam kết. Và tất nhiên, càng chưa có bất kỳ dự kiến nào về việc chủ động điều chỉnh pháp luật, chính sách nhằm ứng phó với các tác động từ CPTPP hay chủ động vận dụng CPTPP.
Mượn năm mới nói chuyện cũ. Trong câu hỏi có phần nào câu trả lời. Dù thế nào, một năm mới cũng đã về tới.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn