Hội nhập trong nước

Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa

Ngày 8-3, hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tại thành phố Santiago (Chile). Việt Nam là 1 trong 11 nước thành viên tham gia hiệp định. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh tiếp cận với môi trường kinh doanh năng động, minh bạch, với chất lượng hàng hóa và dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức mà các DN, các ngành sản xuất trong tỉnh cần phải nhận diện để sẵn sàng “đối mặt”.

Nhiều cơ hội và kỳ vọng

Là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, CPTPP có 11 quốc gia thành viên, gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Niu Dilan, Peru, Singapore và Việt Nam. Tiền thân của Hiệp định này là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ. Hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, với thị trường 463 triệu dân.

Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với hiệp định TPP trước đây, chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Việt Nam vẫn được đánh giá là một quốc gia được hưởng lợi nhiều từ hiệp định này. Các nước tham gia hiệp định sẽ xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu (xuống mức 0%) theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng. Việc ký kết CPTPP với các thị trường lớn như: Nhật Bản, Canada, Úc, Niu Dilan, Mexico… trong đó, có nhiều những thị trường Việt Nam chưa ký FTA như: Canada, Mexico, việc giảm thuế xuất khẩu sẽ giúp nhiều ngành hàng thế mạnh nước ta được hưởng lợi như xuất khẩu dệt may, giày da, thủy sản…

Bên cạnh đó, CPTPP sẽ tạo sức ép giúp các DN trong nước cải tiến năng lực sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh. Nguyên nhân là do hầu hết các thị trường trong khối CPTPP đều có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu, do đó, muốn được hưởng mức thuế ưu đãi, chất lượng của sản phẩm Việt Nam phải tăng lên. CPTPP cũng sẽ giúp giảm áp lực nhập khẩu từ một số thị trường truyền thống do hiệp định này quy định tỷ lệ nguyên liệu nội khối trong hàng nhập khẩu rất cao, buộc các quốc gia hoặc phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hoặc phải tăng cường nhập khẩu từ các nước trong khối, từ đó đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, giảm áp lực nhập khẩu từ một số thị trường.Không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như: Cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan thương mại, CPTPP mà còn đề cập, yêu cầu khắt khe những vấn đề mới về việc sử dụng lao động, bảo đảm môi trường, mua sắm của chính phủ, DN nhà nước…

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những hiệp định đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và XK của Việt Nam. Dự kiến, tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các DN tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực DN nhỏ và vừa. Hiệp định mới cũng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường, thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nhiều lĩnh vực.

Rào cản và thách thức

Mặc dù hiện diện nhiều cơ hội và mang theo nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, việc đáp ứng các tiêu chí theo quy định của hiệp định đang đặt ra nhiều thách thức cho các DN trong nước nói chung và các DN Thanh Hóa nói riêng.

Hiện nay, Thanh Hóa có hơn 11.000 DN đang hoạt động, trong đó, số DN sản xuất chiếm khoảng 1/3. Đối với Thanh Hóa, công nghiệp dệt may vẫn là một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trước đây, nhằm đón đầu cơ hội XK khi Hiệp định TPP được ký kết, nhiều nước đã xúc tiến việc đầu tư nhà máy trong lĩnh vực may mặc, giày da tại Thanh Hóa, nhất là 2 nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này là Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số DN lớn trên địa bàn Thanh Hóa, như: Công ty Sakurai, Công ty Ivory, Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty Delta, Tổng Công ty Tiên Sơn Thanh Hóa, Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng... cũng mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất để đón thời cơ này. Các DN đã chủ động mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, công tác điều hành, quản lý, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động... để đáp ứng yêu cầu XK hàng hóa vào các nước nội khối TPP.  Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định TPP, các DN có gặp những khó khăn nhất định, tuy nhiên cũng đã nhanh chóng định hướng, xây dựng lại chiến lược sản xuất và tìm kiếm, đa dạng hóa khách hàng để đáp ứng tình hình mới.

Tuy nhiên, khó khăn nhất của các DN dệt may Thanh Hóa là việc đáp ứng yêu cầu nguyên liệu trong nước. Phân tích lợi thế từ sản phẩm may mặc, muốn được hưởng thuế suất 0%, các DN phải đáp ứng quy định khắt khe như xuất xứ hàng hóa phải theo nguyên tắc “từ sợi trở đi”. Có nghĩa là các công đoạn từ kéo sợi, dệt, nhuộm, cắt, may, hoàn thiện phải được sản xuất tại các nước thành viên CPTPP. Trong khi đó, các DN may XK của Thanh Hóa đa phần là may gia công, với khoảng 90% nguyên liệu nhập khẩu, trong đó 45% nhập khẩu từ Trung Quốc - nước không tham gia hiệp định TPP. Để khắc phục những hạn chế về quy mô sản xuất và phụ thuộc nguyên liệu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành dệt may tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, trong giai đoạn tới sẽ phát triển ngành dệt may theo hướng xây dựng các cụm công nghiệp dệt may để thu hút các dự án kéo sợi, dệt, sản xuất nguyên phụ liệu. Để hiện thực hóa vấn đề này, từ cuối năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công Thương và các ngành liên quan khảo sát vị trí đầu tư cụm công nghiệp hỗ trợ dệt may. Đến nay, vị trí cụm công nghiệp đã được thống nhất tại cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa (Hoằng Hóa) rộng 50 ha. Tỉnh cũng đã kêu gọi được Công ty CP hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Hóa làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp này. Tiến trình thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp cũng đang được xúc tiến. Tuy nhiên, hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày khi có ít nhất 6 quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Để chủ động nguồn nguyên liệu khi hiệp định CPTPP được thực thi, các DN may mặc trong Thanh Hóa đang tích cực tìm nguồn hàng cung ứng trong nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các DN, để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và tiến độ hàng hóa XK, nguồn nguyên liệu trong nước hiện tại chưa đủ khả năng đáp ứng. Ông Vũ Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty may XK Trường Thắng (Nông Cống) đề xuất: Để ngành dệt may hội nhập và đáp ứng được các yêu cầu của CPTPP, bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền về hiệp định CPTPP, Thanh Hóa cần có chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài sớm tiến hành đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi cho các DN trong nước, trong tỉnh về mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn...cùng liên kết đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm với công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chí nguyên liệu để sản xuất hàng may mặc XK và bảo đảm vấn đề về môi trường.

Với ngành nông nghiệp, đây được xác định là lĩnh vực dễ tổn thương khi hiệp định CPTPP được ký kết. Mặc dù là một địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp đa dạng, với hơn 70% dân số sinh sống ở nông thôn.Tuy nhiên, hiện sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa có năng lực cạnh tranh yếu. Trên địa bàn Thanh Hóa cũng có rất ít DN đầu tư vào nông nghiệp để chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm, do đó sản xuất nông nghiệp của Thanh Hóa hiện đang trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, chưa có thương hiệu, khó kiểm soát dịch bệnh, rủi ro. Đại diện Công ty TNHH Hoa Mai, cho biết: Là một đơn vị XK sản phẩm từ chăn nuôi, hàng rào bảo vệ về vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh thú y là rất lớn. Với điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, khó kiểm soát an toàn dịch bệnh như ngành chăn nuôi, DN rất khó khăn trong việc tận dụng lợi thế từ hiệp định CPTPP để mở rộng quy mô XK. Với các DN xuất khẩu thủy sản, tình hình cũng khó khăn khi hàng hóa thủy sản của Thanh Hóa chưa ổn định về số lượng, chất lượng, kiểm định dịch bệnh...