Hội nhập trong nước

UBND tỉnh Thái Bình

Hơn 10 năm qua cùng với quan điểm nhất quán của Đảng, nhà nước: Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, đến nay nước ta đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do ( FTA ), trong đó có hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác trong khu vực. Thành tựu kinh tế - xã hội hơn 10 năm chính thức hội nhập với thế giới Thái Bình: GDP tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD năm 2013 lên 2.343 USD năm 2017. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, qui mô lớn và có nhiều sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng tăng mạnh, vững chắc. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm, trong đó cơ cấu công nghiệp chuyển biến tích cực. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh. Cơ cấu kinh tế phát triển tích cực, trong đó công nghiệp chiếm khoảng 33%, dịch vụ chiếm 41% (năm 2017) trong cơ cấu GDP của tỉnh.

1. Tình hình kinh tế của tỉnh Thái Bình

1.1. Sản xuất nông nghiệp phát triển ồn định trong nhiều năm, trong đó cơ cấu kinh tế trong ngành được chuyển biến tích cực, phù hợp trước những biến động mạnh mẽ của tình hình thế giới. Tích cực xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân 5 năm gần đây thường xuyên đạt trên 2,51%/năm.

  • Sản lượng lúa được giữ vững trên 1 triệu tấn/năm mặc dù diện tích trồng lúa ngày càng giảm.
  • Giá trị ngành chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn 41,6% (năm 2013) đến 43,7% (năm 2017).
  • Năng suất trong ngành tăng nhanh . Sản xuất tập trung, chuyên môn hóa, cơ giới hóa trong ngành diễn ra mạnh mẽ. Điển hình là trong ngành chăn nuôi, với qui mô lớn ( lợn, gà, bò ) ngày càng tăng nhanh chóng. Nhiều sản phẩm trồng trọt cũng tiếp tục được sản xuất tập trung, qui mô lớn ( cây màu, cây vụ đông, cây hè thu ).
  • Nông thôn mới đã tạo ra diện mạo và tiền đề mới cho sản xuất nông nghiệp nói riêng và sản xuất nói chung của tỉnh những cơ hội mới để tăng cao năng suất cao động, tăng sự cạnh tranh của hàng hóa.

Đến năm 2017, chương trình xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục được mở rộn .Việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn được quan tâm chỉ đạo thực hiện[2]. Đến nay, toàn tỉnh có gần 11.123 ha đất nông nghiệp được tập trung, tích tụ để sản xuất nông nghiệp hàng hóa với ba hình thức chủ yếu là thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm[3]. Các mô hình tập trung, tích tụ đất đai đã tạo thuận lợi cho phát triển cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; mang lại kết quả cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số gia trại, trang trại[4].

1.2. Sản xuất công nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng khá, bình quân 5 năm gần đây đạt gần 11%/năm. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp đặc trưng của tỉnh, như: Dệt may, đồ gốm-sứ-vệ sinh, đồ uống, sợi, dệt, ... cùng một số sản phẩm làng nghề truyền thống. Các sản phẩm có sức cạnh tranh tương đối cao, chiếm lĩnh được thị trường nội địa và cho xuất khẩu. Trên toàn tỉnh, đến nay đã hình thành được 06 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt và đã được quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích 1.803,6 ha; thu hút 157 dự án, có 137 dự án đang hoạt động; vốn đầu tư thực hiện 16.896,2 tỷ đồng (đạt 84,85% vốn đăng ký), lao động sử dụng: 55.316,0 người; 50 cụm công nghiệp được đưa vào quy hoạch, tổng diện tích đất quy hoạch 2.578,6 ha; hiện có 33 CCN đã được quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích là 1.019 ha, hiện có 301 dự án đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 7.830,9 tỷ đồng, số lao động đăng ký sử dụng là 74.638 người; hiện có 242 dự án đi vào sản xuất, 27 dự án đang xây dựng, 15 dự án chưa xây dựng, 17 dự án ngừng hoạt động; Vốn đầu tư thực hiện là 4.985 tỷ đồng (đạt 63,66% vốn đăng ký), sử dụng 30.450 lao động.

Năm 2017, giá trị sản xuất ước đạt hơn 47.137 tỷ đồng, tăng 19,21% so với năm 2016, vượt kế hoạch đề ra (18,2%). Một số sản phẩm chủ lực tăng trưởng khá[5]; đã phát triển thêm một số sản phẩm mới, góp phần tích cực vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh[6]. Hoạt động của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ổn định; đến nay, có 140/168 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giá trị sản xuất năm 2017 ước đạt 18.872 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Nghề và làng nghề tiếp tục được duy trì phát triển với 247 làng nghề, tập trung ở một số nghề truyền thống như: chạm bạc, chiếu cói, dệt, móc sợi... Công tác triển khai xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và quy hoạch phát triển một số khu công nghiệp mới được chú trọng chỉ đạo thực hiện, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới[7].

1.3. Thương mại - dịch vụ phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân và hỗ trợ tích cực cho sản xuất

Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên thị trường 5 năm gần đây đạt mức 10%/năm. So với nhiều năm trước, các thị trường trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đã hình thành và phát triển nhiều loại thị trường đặc trưng cho nền kinh tế hàng hóa. Các thị trường đã hình thành và rõ nét hơn. Có những thị trường đã và đang vận hành, hoạt động khá tốt:

  • Thị trường hàng hóa tiêu dùng, phục vụ sinh hoạt của nhân dân: Phát triển tương đối mạnh, cả về chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt, thị trường nông thôn phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thị trường hàng hóa đã đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu trong sinh hoạt của người dân và một phần cho sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có 221 chợ, trong đó chợ hạng I: 04 chợ, chợ hạng II: 38 chợ, chợ hạng III: 179 chợ trải khắp từ trung tâm, đô thị lớn đến các vùng nông thôn. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ngày càng phát triển, ở cả thành phố và nông thôn, trong đó có 11 siêu thị, trung tâm thương mại lớn, và hàng trăm các cửa hàng tiện ích nhỏ rải khắp đô thị và tới các vùng nông thôn.
  • Thị trường dịch vụ cũng có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng cơ bản các nhu cầu đời sống nhân dân khi được nâng cao. Đặc biệt dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, giao thông vận tải, …phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh có 21 bệnh viện ( cả của nhà nước và tư nhân ), trong đó 02 Bệnh viện hạng I, 10 Bệnh viện hạng II và 09 Bệnh viện hạng III, cùng nhiều phòng khám trên địa bàn. Các cơ sở khám chữa bệnh, làm đẹp phục vụ nhu cầu đời sống nâng cao của nhân dân.
  • Thị trường tài chính, vốn: Phát triển mạnh mẽ mấy năm gần đây. Với sự xuất hiện của hàng loạt các chi nhánh, văn phòng đại diện của hàng chục ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là hàng trăm các quĩ tín dụng của nhà nước, bao phổ cả ở thành phố và tới các huyện, xã trong tỉnh. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có hoạt động của sàn Chứng khoán An Bình.
  • Thị trường bất động sản, thị trường lao động và các thị trường dịch vụ khác: Bước đầu đã được hình thành và hoạt động, tuy vậy qui mô còn nhỏ lẻ, hoạt động còn hạn chế cả về chiều sâu và chiều rộng ( trong đó có thị trường logistic ).

1.4. Xuất khẩu hàng hóa trong 5 năm trở lại đây tăng trưởng khá cao: Bình quân tăng trưởng 11,52%/năm. Năm 2017 đạt kim ngạch xuất khẩu 1.400 triệu USD. Đã hình thành những ngành, mặt hàng xuất khẩu lớn, ổn định vững chắc của tỉnh:

                                                                   Đơn vị tính: 1.000 USD

 

Thực phẩm NS

May mặc

Dệt khăn bông

Sợi, Manh đay

Sợi Polyeste

Thiết bị điện tử

Trong nước

14.238

419.262

104.365

122.499

13.685

 

Nước ngoài

6.304

429.048

-

-

-

39.250

                                                          Đơn vị tính: 1.000 USD

 

Thủ công mỹ nghệ

Vàng mã, giấy tiền

Dệt ( găng tay)

Dụng cụ làm vườn

Thức ăn chăn nuôi

Khác

Trong nước

2.895

8.367

-

-

-

30.300

Nước ngoài

-

-

1.583

19.365

5.189

174.504

Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng. Cho đến nay các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu được tới khoảng 40 quốc gia, vùng, lãnh thổ trên thế giới. Trong đó có một số thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Mỹ, … Một số mặt hàng đã đi được vào một số thị trường khó tính, như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, …

1.5. Đánh giá chung về nền sản xuất của tỉnh:

Qua hơn 10 năm hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, có thể thấy:

  • Nền sản xuất của tỉnh đã có một bước tiến dài, tương đối mạnh mẽ. Diện mạo nền kinh tế chuyển biến sâu sắc. Nền kinh tế công nghiệp bước đầu đã được hình thành rõ nét với những doanh nghiệp và những sản phẩm đặc trưng.
  • Sản xuất nông nghiệp đã bước đầu hình thành nên nền sản suất hàng hóa, có qui mô lớn, hình dáng của hiện đại hóa, cơ giới hóa và sản xuất tập trung. Năng suất lao động trong ngành nông nghiệp đã được nâng lên, dần tạo nên sức cạnh tranh ở thị trường nội địa và tiến dần cho xuất khẩu.
  • Các cơ chế, chính sách, thể chế của tỉnh đã có bước tiến mạnh mẽ (đặc biệt trong các năm gần đây) để phát huy năng lực sản xuất của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hạn chế:

  • Nền sản xuất của tỉnh (cả công nghiệp và nông nghiệp) chưa có những đột phá tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Sức mạnh nội lực của các doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế. Chỉ có khoảng một vài doanh nghiệp xếp hạng trung bình, còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
  • Các doanh nghiệp trong tỉnh đa phần còn thụ động. Sản xuất kinh doanh theo chủ nghĩa kinh nghiệm, phần lớn chưa có đầu tư chiều sâu, kể cả về cơ sở vật chất, thiết bị  và các kỹ năng hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
  • Nền sản xuất còn dựa vào chủ yếu sử dụng lao động rẻ, tài nguyên sẵn có. Do vậy đa số giá trị gia tăng tạo ra không cao.
  • Do đầu tư chiều sâu, năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh hạn chế, do vậy việc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế. Có rất ít sản phẩm của tỉnh đi vào các thị trường khó tính hoặc không cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, tính bền vững của sản phẩm trên thị trường quốc tế cũng hạn chế.
  • Trình độ phát triển các yếu tố của nền kinh tế thị trường trong tỉnh cũng còn nhiều hạn chế. Do vậy cũng kìm hãm hoặc làm mất đi ít nhiều năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh.

2.Vấn đề thực thi các FTA thế hệ mới (CP-TPP VÀ EVFTA):

Có thể nói, hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CP-TPP và EVFTA) mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Thái Bình nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung. Thị trường của hai hiệp định này rất to lớn 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, và có tiềm năng phù hợp với các sản phẩm của Việt Nam và của các doanh nghiệp Thái Bình. Tiềm năng thị trường xuất khẩu:

  •  Với hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng có tiềm năng rất lớn ở 38 thị trường các nước. Trong đó có sự phân định rất rõ nét:

+ Thị trường cao cấp, khó tính là thị trường các nước châu Âu, nhưng bù lại, đây là các thị trường có tính hiệu quả cao khi xuất khẩu. Hơn nữa, các thị trường này có tính hỗ trợ, bù đắp về hàng hóa với Việt Nam nói chung và với Thái Bình nói riêng. Các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường này yêu cầu cao hơn, nhưng phù hợp với các sản phẩm của Thái Bình, như:  Dệt may, thủy sản, đồ gỗ mỹ nghệ.

+ Thị trường tương đối dễ tính: Tập trung ở Hiệp định thương mại CP-TPP. Ngoài Mexico, Canada chúng ta chưa có Hiệp định thương mại, còn lại hầu hết đã có Hiệp định thương mại với các thành viên còn lại, đặc biệt Nhật Bản là thị trường có tiềm năng lớn với doanh nghiệp Việt Nam.

Cho đến nay sản phẩm của doanh nghiệp Thái Bình đã xuất hiện ở gần như tất cả các thị trường của hai Hiệp định này nhưng kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế. Trừ một số sản phẩm ngành may mặc, dệt sợi, thủy sản ( trong đó kể cả nhập khẩu để xuất khẩu và gia công ) thì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác của Thái Bình mặc dù đã có mặt ở nhiều thị trường, nhưng mức độ còn rất hạn chế, nhỏ. Chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu của các nước.

Thị trường các nước EU: Hiện nay các doanh nghiệp Thái Bình chỉ có khoảng 3 mặt hàng: Dệt may, Thủy sản, Sơ sợi. Và mới xâm nhập được vào rất ít trong các nước EU: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan. Còn chủ yếu là ở các nước thuộc Hiệp định CP-TPP. Mặc dù nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn ở EU khi EVFTA đi vào cuộc sống song việc khai thác thị trường này còn phụ thuộc vào từng doanh nghiệp.

 Với tiềm năng thị trường rộng lớn của 38 nước, sẽ có nhiều cơ hội cho việc mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong tỉnh. Hơn nữa, có nhiều cơ hội đểthay đổi cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, đa dạng hơn và giảm thiểu rủi ro khi chỉ xuất khẩu vào một thị trường nhất định, và phát huy thế mạnh của sản xuất để xuất khẩu. Góp phần tạo động lực để các doanh nghiệp Thái Bình nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa - dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế.

  • Mặc dù Hiệp định CP-TPP không có Mỹ, là thị trường tiềm năng nhất, có lợi nhất của Việt Nam, nhưng bên cạnh đó chúng ta đã có Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ. Do vậy các cơ hội cho các doanh nghiệp vẫn còn lớn, tuy không nhiều như khi có Mỹ là thành viên Hiệp định.

Tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài: Do các nước thành viên của hai Hiệp định phần lớn có trình độ và năng lực cao hơn các doanh nghiệp Việt Nam, hơn nữa ở các nước thuộc EU có các sản phẩm không trực tiếp cạnh tranh mà có tính tương hỗ với các sản phẩm của Việt Nam, nên có nhiều cơ hội trong:

+ Thu hút đầu tư từ các nước có trình độ sản xuất cao hơn;

+ Cơ hội trong tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất cao hơn.

  • Khó khăn về thực hiện qui tắc xuất xứ: Thực hiện các qui định về xuất xứ hàng hóa là một khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam để hưởng các ưu đãi mà cả hai Hiệp định thương mại qui định. Một số vấn đề như:

+ Hiểu và nắm bắt để thực hiện các qui định của Hiệp định là vấn đề khó khăn không nhỏ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

+ Do cơ sở nền tảng nội tại của sản xuất Việt Nam, khi Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện của Hiệp định qui định. Như Việt Nam còn rất hạn chế trong sản xuất nguyên liệu phụ trợ, và cả một số nguyên liệu chính (vải, sợi, …) do vậy không thể đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ của Hiệp định qui định.

+ Một số qui định cần thiết về quản lý sản phẩm từ nguyên, nhiên vật liệu đến thành phẩm của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Do vậy không thể truy xuất nguồn gốc như yêu cầu của Hiệp định.

Cạnh tranh ở thị trường nội địa:

  • Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng là thành viên kém phát triển nhất trong khối các nước của hai hiệp định. Do vậy rủi ro bị chèn ép, không có lợi thế trên thị trường nội địa là rất lớn. Dễ dẫn đến phá sản, mất việc làm,… và phát sinh các hệ quả tiêu cực xã hội tiếp theo.
  • Việt Nam là nước chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Do vậy còn nhiều thua thiệt trong cạnh tranh, phán xử trên thị trường thế giới.

Một số nguyên nhân chính là:

  • Qui mô sản xuất nhỏ, lẻ của cả doanh nghiệp chế biến, sản xuất lẫn vùng nguyên liệu;
  • Chưa tạo được thương hiệu thị trường, thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế;
  • Tiềm lực của doanh nghiệp hạn chế;
  • Khả năng khai thác thị trường hạn chế;
  • Chưa có vùng sản xuất tập trung đủ lớn; …
  • Chưa có các liên kết tạo chuỗi trong thị trường nội địa cũng như gắn kết với thị trường nước ngoài.

3. Những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế và tiếp cận thị trường

  • Tìm để giải bài toán về tích tụ ruộng đất. Đây là nền tảng quan trọng trong điều kiện của tỉnh Thái Bình nói riêng và của cả nước nói chung khi nền sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
  • Huy động các nguồn lực kinh tế: trong tỉnh, trong nước và nước ngoài đầu tư sản xuất. Trong đó vấn đề đăng ký thành lập doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức khi có khả năng thực hiện bất kỳ một vấn đề kinh doanh nào đều được thực hiện một cách dễ dàng nhất, với chi phí nhỏ nhất và với thời gian ít nhất.
  • Phát huy thế mạnh của tỉnh. Trong đó các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh cần tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh một cách thực tế, thực tiễn hơn. Đảm bảo một định hướng cho nền sản xuất của tỉnh một cách khoa học, đúng đắn và kiên trì thực hiện. Qui hoạch sản xuất hợp lý, khoa học,phù hợp thực tiễn để tập trung sản xuất, hoặc liên kết vùng trong phạm vi cả nước để sản xuất tập trung.
  • Tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác có trình độ sản xuất tiên tiến ở trong và ngoài nước. Cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để:

+ Kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư vào tỉnh.

+ Hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh thông tin, kết nối, làm việc,… với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm các cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh – liên kết.

  • Tạo ra các cơ sở, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài: Cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi; sẵn sàng nguồn đất sạch; phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất – kinh doanh;
  • Tiếp tục tăng cường, hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các cơ chế, chính sách và xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng: Cung cấp, hỗ trợ thông tin thị trường nước ngoài, xúc tiến thị trường nước ngoài mạnh mẽ hơn nữa.
  • Triển khai đồng bộ việc cải cách hành chính theo hướng tuân thủ các qui định, tập quán quốc tế./.

 


([1])Toàn tỉnh triển khai được 236 cánh đồng lớn; trong đó: vụ xuân 133 cánh đồng lớn tăng 8 cánh đồng so với vụ xuân năm 2016, với tổng diện tích 5.935 ha (lúa: 5.210 ha, màu: 725 ha), có 4.576 ha có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ; vụ mùa 103 cánh đồng lớn với diện tích 6.360 ha (lúa: 5.906 ha, màu 454 ha), có 4.172 ha có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ..

([2])UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1292/UBND-NNTNMT chỉ đạo cơ chế tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Thông báo số 277-TB/TU của BTV Tỉnh ủy; chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về cơ chế tập trung, tích tụ đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9267/VPCP-NN ngày 31/8/2017.

([3]) Trong đó: Tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 3.369,18 ha (lĩnh vực trồng trọt 816,38 ha, chăn nuôi 395,8 ha, thủy sản 2.157 ha); theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản 7.753,4 ha (trong đó lúa: 7.072,4 ha, rau màu: 680.9 ha)... Đã có 39 tổ chức và 344 cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, tiêu biểu là 13 tổ chức thực hiện việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản (như: Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty An Đình, Công ty Hưng Cúc, Công ty Giống cây trồng Trung ương, Tập đoàn Hòa phát, Công ty Chế biến nông sản Hải Dương, Công ty Liên Hạnh...) và 02 đơn vị thuê đất từ 10 ha trở lên để phát triển chăn nuôi (Công ty Việt Hùng - Hồng Minh, huyện Hưng Hà 14,2 ha và Công ty Hòa Phát - Thái Bình 41,4 ha).

([4]) Đến nay, toàn tỉnh có 696 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó có 74 trang trại quy mô lớn; có 02 hợp tác xã thành lập 10 tổ hợp tác trong sản xuất chăn nuôi, hoạt động bền vững và hiệu quả.

([5]) Khí tự nhiên tăng 6,82%; tôm đông lạnh tăng 15,7%; thức ăn gia súc tăng 15,1%; khăn các loại tăng 8,4%; bộ comple, jacket tăng 12,7%; áo sơ mi người lớn tăng 6,2%; Amon nitrat tăng 27,3%; sản phẩm gốm sứ tăng 8,7%; sắt thép tăng 9,9%; bộ dây đánh lửa tăng 4,9%; tàu các loại tăng 8,5%; điện thương phẩm tăng 11,9%… Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm như: bột cá giảm 39,4%; thức ăn gia cầm giảm 42,5%; bia lon giảm 7%; nhựa polyme giảm 6,5%; gạch xây bằng đất nung giảm 3,2%.

([6]) Sản phẩm của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, dây chuyển mới sản xuất dây dẫn điện ô tô của Công ty Yazaki (Nhật Bản), SX sợi và một số sản phẩm khác của các công ty SH, Thành phát, Nam Đông…

([7]) UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở một số Khu kinh tế; thành lập KCN Tiền Hải; thành lập BCĐ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục hoàn thiện Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (bổ sung KCN chuyên nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ, KCN Thụy trường, KCN Xuân Hải- huyện Thái Thụy, KCN Sông Trà II tại huyện Vũ Thư) trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam.