Hội nhập trong nước

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi

Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế, tỉnh Quảng Ngãi đã cùng cả nước chủ động hội nhập và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt kinh tế - xã hội. Đặc biệt, vị thế của tỉnh Quảng Ngãi ngày càng thể hiện rõ, nhất là thu ngân sách, giá trị sản xuất công nghiệp, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh… Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế của tỉnh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao, thị trường được mở rộng, xuất khẩu tăng trưởng trong điều kiện nền kinh tế đang chịu nhiều tác động bất lợi từ tình hình thế giới. Quá trình hội nhập kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi có đánh giá sơ kết, tổng kết thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới và cơ bản giải quyết hài hòa các lợi ích Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. 

Tỉnh Quảng Ngãi đã có đánh giá kết quả thực tiễn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới trong việc thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi ban hành Chương trình hành động số 45-CTr/TU ngày 19/11/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 22/4/2014 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 45-CTr/TU nhằm nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về hội nhập quốc tế; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ về một một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) được phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-UBND ngày 31/12/2015; Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy theo Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-UBND ngày 07/4/2017; Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 19/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Quyết định số 714/QĐ-UBND ngày 09/5/2018 xây dựng Kế hoạch triển khai công tác hội nhập quốc tế về kinh tế tỉnh Quảng Ngãi. Quyết định số 907/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 về Kế hoạch phát triển dịch vụ Logistic tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025; Quyết định số 1428/QĐ-UBND ngày 02/8/2017 về Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020; Quyết định số 2250/QĐ-UBND ngày 24/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Chương trình, kế hoạch trên mang tính chủ động, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo và thực hiện. Chủ động, tích cực tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để thực hiện có hiệu quả chương trình hội nhập quốc tế, góp phần ổn định kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với các định hướng và mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, cũng đặt ra những thách thức lớn, bao gồm cả thách thức từ yếu tố bên ngoài và thách thức từ các vấn đề nội tại của địa phương, cụ thể:

* Thách thức từ yếu tố bên ngoài:

Trong lộ trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Quảng Ngãi phải đối mặt trực tiếp với những khó khăn từ sự biến động của nền kinh tế thế giới đó là tình hình lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, sức ép cạnh tranh đối với sản phẩm, doanh nghiệp của địa phương; Mở cửa thị trường nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa được nâng lên một cách tương xứng, môi trường đầu tư đạt hiệu quả chưa cao, chưa thực sự sẵn sàng đón nhận những thách thức từ bên ngoài.

* Khó khăn từ bên trong:

- Việc nắm bắt các thông tin về thị trường thế giới, về luật pháp quốc tế, môi trường đầu tư kinh doanh tại nước ngoài của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, am hiểu luật pháp quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, tin học chưa đáp ứng cho yêu cầu về hội nhập quốc tế, cần được bổ sung và đào tạo.

- Doanh nghiệp hầu hết có quy mô sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính còn yếu, chưa đầu tư công nghệ - thiết bị, chưa sản xuất, chế biến sâu để tạo thành sản phẩm tinh xuất khẩu nên giá trị xuất khẩu không cao.

Trên cơ sở nhận thức rõ những cơ hội cũng như những thách thức đặt ra đối với địa phương trong quá trình hội nhập, Quảng Ngãi đề xuất triển khai một số giải pháp cơ bản sau:  

 - Một là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chủ trương chính sách của nhà nước, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, giới thiệu các Hiệp định, các cam kết của Chính phủ Việt Nam đến các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh biết để có nhận thức đầy đủ hơn nhằm thực hiện có hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực.

- Hai là, tăng cường công tác ngoại giao, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua các kênh: đoàn vào, đoàn ra, hội nghị, hội thảo quốc tế, báo chí nước ngoài và sóng phát thanh truyền hình; thiết lập kênh thông tin với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

- Ba là, tăng cường liên kết với các tỉnh trong Vùng và cả nước; tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp chủ động khai thác tối đa thị trường trong nước, triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Bốn là, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, chuyển dần sang sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng tạo dựng thương hiệu vững chắc để xuất khẩu trực tiếp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

- Năm là, phát triển đồng bộ giữa các ngành kinh tế với các vùng kinh tế, gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững gắn với phát triển nông thôn toàn diện, xây dựng nông thôn mới; hình thành những vùng sản xuất hàng hóa gắn với việc quản lý quá trình tăng trưởng, quản lý chất lượng và cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất

- Sáu là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để đội ngũ lao động có chất lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh mà còn tham gia thị trường lao động khu vực và quốc tế; cùng với đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của địa phương ngang tầm nhiệm vụ mới.