Hội nhập trong nước

Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là một trong 4 thành phố lớn nhất của cả nước, là một trong 3 cực tăng trưởng quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ (KTTĐBB), là “cửa ngõ” ra biển của các tỉnh phía Bắc, là “trọng điểm” trong kế hoạch phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc... Từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV tới nay, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương cùng những biện pháp đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện. Hải Phòng đã xác lập được vị trí một thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. Quy mô kinh tế được mở rộng; kinh tế tăng trưởng tương đối cao, đặc biệt là từ năm 2017 (Năm 2017 tăng 14,01%, năm 2018 ước đạt 16,25% so cùng kỳ (cao nhất nhất từ trước đến nay, cao nhất cả nước, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xuất hiện nhiều ngành, lĩnh vực mới trong nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh của thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn được cải thiện, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất trong nước, một số ngành có đóng góp tích cực, giữ vai trò đầu tàu trong cả nước và vùng. Hợp tác, liên kết về phát triển kinh tế trong và ngoài nước được tăng cường đáng kể, không gian kinh tế ngày càng mở rộng, độ mở nền kinh tế thành phố ngày càng lớn. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển có bước chuyển biến mới (năm 2018 tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 96.435,9 tỷ đồng) tạo sự khởi sắc trong phát triển kinh tế, xã hội, đô thị của thành phố. Thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu nội địa là nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong giai đoạn vừa qua. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển. Đã khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đã xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu tại Lạch Huyện). Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng mạnh mẽ (năm 2018 ước đạt trên 109 triệu tấn) chiếm thị phần ngày càng lớn trong hệ thống cảng biển của vùng và cả nước. Đã kết nối với Tây Nam Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc bằng hệ thống đường bộ, kết nối với các tỉnh, thành phố trong tam giác kinh tế Bắc bộ bằng đường cao tốc. Đã kết nối quốc tế và hình thành cửa khẩu hàng không quốc tế Cát Bi.

Đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố, có sự đóng góp tích cực của hoạt động kinh doanh thương mại, đặc biệt là lĩnh vực phát triển xuất nhập khẩu có đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới, phát triển của thành phố. Xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế thành phố, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động trên địa bàn.

Thực trạng tình hình xuất nhập khẩu của Thành phố Hải Phòng trong thời gian qua

Theo số liệu Thống kê, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu Hải Phòng đạt 6.524,4 triệu USD, tăng 22,18% so với năm 2016. Trong đó: khối kinh tế Trung ương ước đạt 115,6 triệu USD; khối kinh tế địa phương ước đạt 1.637,1 triệu USD; khối kinh tế có vốn ĐTNN ước đạt 4.557,6 triệu USD chiếm 70% tổng kim ngạch năm 2017.

9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu Hải Phòng đạt 6.038,4 triệu USD, ước đạt 78,5% so kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng 2018 của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nước ước đạt 4.406 triệu USD chiếm gần 73% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

 Với đà tăng trưởng hiện nay, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng ước đạt 8.191,4 triệu USD, tăng 25,55% so với năm 2017.

Mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Hải Phòng ngày càng phong phú và đa dạng, có nhiều sản phẩm mới tham gia xuất khẩu như sản phẩm công nghệ cao thâm nhập được các thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về mặt chất lượng; mặt hàng có hàm lượng công nghệ như điện tử và linh kiện điện tử, máy móc và linh kiện thiết bị sản xuất ô tô tăng trưởng mạnh trong hai năm gần đây; dây điện và cáp điện, mặt hàng sản phẩm plastic tăng trưởng khá bên cạnh các sản phẩm xuất khẩu truyền thống và luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu hàng xuất khẩu như hàng giày dép, dệt may.Cơ cấu nhóm, mặt hàng xuất khẩu đã được cải thiện nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công nghệ 4.0. Một số sản phẩm, hàng hoá đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, đồng thời tác động tích cực tới chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu có chuyển biến tích cực, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng nhanh, thị trường xuất khẩu hàng hóa tiếp tục được mở rộng, với trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Tiếp là thị trường Mỹ,  Hàn quốc, EU, Trung Quốc, Đài loan, Hồng Kông và ASEAN.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2017 đạt 6.583,2 triệu USD, tăng 23,2% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2018 đạt 5.804,9 triệu USD ước đạt 72% so kế hoạch năm. Ước năm 2018, kim ngạch nhập khẩu đạt 7.900 triệu USD. Dự kiến đây cũng là năm đầu tiên thương mại Hải Phòng đạt chỉ tiêu thặng dư; đã đạt mục tiêu Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đề ra là cán cân thương mại xuất khẩu thặng dư. Nguyên nhân này là do có tác động từ Tập đoàn LG, năm 2016-2017 đầu tư máy móc thiết bị dây chuyền, cuối năm 2017 và 2018 bắt đầu đi vào ổn định sản xuất.

Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu đảm bảo được sự cân đối hợp lý với mặt hàng xuất khẩu. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu sản xuất sản phẩm điện tử, giầy dép, dệt may, máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất… Cũng như xuất khẩu, khối doanh nghiệp FDI đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động XNK và chiếm tỷ 2/3 trong tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố.

Trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng tiếp tục xác định phát triển xuất khẩu là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố. Đứng trước yêu cầu đó, cùng với chủ trương điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng hợp lý hơn để trở thành một trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao, thành phố đặt ra mục tiêu tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm xuất nhập khẩu lớn của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, các tỉnh phía Bắc và cả nước. Hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, củng cố, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Chủ động và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những hàng hóa xuất khẩu là thế mạnh.

Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới

Cơ hội phát triển xuất khẩu:Nước ta đã và đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Cho đến nay, nước ta đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế thương mại khu vực và thế giới như ASEAN, APEC, WTO và tham gia ký kết nhiều hiệp định trong hợp tác kinh tế thương mại song phương và đa phương. Xu hướng hội nhập quốc tế và liên kết khu vực ngày càng trở nên mạnh mẽ. Một loạt FTA đã và sẽ ký kết cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tạo cơ hội rộng mở về thu hút vốn, công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu cho Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký kết ngày 08/3/2018 với 11 nước thành viên sẽ tạo ra nhiều thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hoá thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi to lớn để thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt với những Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTAs) mà nước ta đã ký (như ASEAN, Nhật bản, Trung quốc, Hàn quốc, Ấn Độ…), cũng như với những FTA mà chúng ta đang đàm phàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đối với hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Với Hải Phòng, địa phương đang có những đột phá về thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại, có hệ thống dịch vụ cảng đứng đầu cả nước, đầu mối giao thương hàng hải của cả miền Bắc với EU, việc EVFTA có hiệu lực càng nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, ngay cả các sản phẩm chủ lực mang tính truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản… EU vốn dĩ từ lâu đã là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp Hải Phòng. Bởi vậy EVFTA cũng chính là cơ hội đặc biệt của Hải Phòng.

Đối với Hiệp định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hiệp định hướng tới cam kết 100% mặt hàng không có bảo lưu, loại trừ, lộ trình thực hiện nhanh, lộ trình dài chỉ áp dụng cho những mặt hàng nhạy cảm, đàm phán song phương nhằm đảm bảo tiếp cận thị trường thực chất, hướng đến một biểu cam kết chung. Trong các cuộc đàm phán về CPTPP, dệt may luôn là nội dung quan trọng bởi quy mô và sự ảnh hưởng của ngành này đến tất cả các nội dung đàm phán như về thương mại và cắt giảm thuế quan; quy tắc xuất xứ và yêu cầu về tỷ trọng sản xuất trong nước; vấn đề đầu tư; vấn đề sở hữu trí tuệ và quyền của người lao động… Đối với Hải Phòng, hiện toàn thành phố có tới hàng trăm doanh nghiệp dệt may. Như vậy, khi Việt Nam trở thành thành viên của CPTPP, với việc áp dụng thuế suất các mặt hàng may mặc xuống thấp, các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng sẽ có nhiều thuận lợi trong việc mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không chỉ gây thiệt hại chính hai nền kinh tế này, mà còn tác động không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với mức độ mở lớn. Do đó, những biến động của kinh tế thế giới đều ít nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam. Trước mắt, nếu chỉ nhìn vào các sản phẩm mà Mỹ và Trung Quốc áp thuế với nhau, tác động trực tiếp đối với hoạt động thương mại của Việt Nam không nhiều. Mỹ áp thuế với các sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam không xuất khẩu. Trung Quốc áp thuế với nhóm nông sản, thủy sản, phương tiện vận tải mà Việt Nam không sản xuất, hoặc không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Mỹ. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh từ EU, Canada, Mexico với các sản phẩm tương tự sẵn sàng thế chân Mỹ tại Trung Quốc. Do vậy, cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam có chăng chỉ nằm ở nhóm sản phẩm thay thế, ví dụ như thịt lợn (dù không tương đương với thịt lợn Mỹ). Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc “leo thang” sẽ để ngỏ cho Việt Nam cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Mỹ "cấm cửa" với hàng hóa máy móc, thiết bị điện tử, công nghệ cao của Trung Quốc, nhưng nhu cầu tiêu thụ của người Mỹ vẫn không hề giảm. Mấu chốt là Việt Nam phải thay thế được một phần vào sự thiếu hụt đó. Nếu Việt Nam đáp ứng và đẩy mạnh được những mặt hàng là đối tượng chịu mức thuế trừng phạt ở Mỹ và Trung Quốc, thì đây là một lợi ích không nhỏ. Một cơ hội khác cho Việt Nam là thúc đẩy dòng vốn FDI. "Có khả năng FDI của Trung Quốc và Mỹ vào Việt Nam sẽ gia tăng để thông qua Việt Nam giảm thiệt hại của cuộc chiến tranh thương mại".

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới, những thành tựu trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta trong giai đoạn vừa qua là những tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Thành phố. Đặc biệt sau 5 năm của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực, trong thời gian tới sẽ hoàn toàn hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng sẽ tạo ra những cơ hội phát triển đối với xuất khẩu hàng hóa của nước ta nói chung cũng như đối với Thành phố nói riêng. Quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang tiếp tục được đẩy mạnh theo đà hội nhập và thực hiện các cam kết kinh tế quốc tế. Hệ thống pháp luật, đặc biệt là những văn bản pháp luật về phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế được ban hành trong những năm gần đây, tiếp tục đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng ngày càng cao. Sự ổn định chính trị của Việt Nam và uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao là điều kiện thuận lợi để có thể huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế nói chung, kinh tế của từng tỉnh thành trong cả nước nói riêng (trong đó Hải Phòng là một nhân tố quan trọng trong tiến trình này). Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước giai đoạn đến năm 2020 và Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ đến năm 2020 của cả nước đã được phê duyệt. Đây là những định hướng quan trọng tạo cơ hội đối với phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói chung cũng như đối với phát triển xuất khẩu hàng hóa của Thành phố Hải Phòng trong thời gian tới. Những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh và là định hướng của Thành phố là những hàng tiểu thủ công nghiệp nhẹ, những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao. Đây là những mặt hàng mà nhu cầu thế giới luôn cao, nguồn cung trong Thành phố khá dồi dào, ổn định là cơ hội thuận lợi đối với xuất khẩu những mặt hàng này.

Thách thức đối với phát triển xuất khẩu:Trong những năm qua, Việt Nam thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng. Điều này củng cố cơ hội và động lực phát triển cho Việt Nam nói chung cũng như thành phố Hải Phòng nói riêng trong giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn 2030, cũng như tạo thêm lực đẩy cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, hội nhập luôn mang lại cả cơ hội và thách thức cho các bên tham gia. Quá trình hội nhập của Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây đã giúp mang lại nhiều thành tích về tăng trưởng kinh tế, đầu tư, xuất khẩu và cải thiện thu nhập cho người lao động. Mức độ mở cửa càng lớn đồng nghĩa với rủi ro từ bên ngoài càng cao và thậm chí có thể làm xấu đi những rủi ro nội tại. Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đã từng nhận được rất nhiều kỳ vọng lớn lao, nhưng nguồn vốn lớn ồ ạt đổ vào Việt Nam đi kèm với chính sách tiền tệ chưa linh hoạt đã tạo “bong bóng” bất động sản và tạo ra lạm phát giai đoạn 2007-2008. Sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, những yếu kém và lãng phí nguồn lực tại các doanh nghiệp nhà nước là những cảnh báo Hải Phòng không nên quá trông đợi vào việc tham gia những hiệp định thương mại tự do đầy hứa hẹn như: CPTPP, AEC hay EVFTA. Tại thời điểm này, khu vực tư nhân tại địa bàn thành phố vẫn chưa được đánh giá cao khi so sánh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện nay vẫn chủ yếu là các vừa và nhỏ, bất lợi cả về quy mô cũng như hiệu quả hoạt động so với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khi một số FTA có hiệu lực, dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tăng mạnh, đi đôi với yêu cầu đối xử bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó, diễn biến khó lường của nền kinh tế vĩ mô thế giới sẽ là những thách thức không nhỏ đối với sản xuất xuất khẩu của thành phố Hải Phòng. Kinh tế Mỹ trong thời gian tới được dự báo sẽ có những biến động khó lường, do đó sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của USD. Trong khi đó, VND hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của thành phố Hải Phòng và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại. Thứ hai, kinh tế Trung Quốc được dự báo tiếp tục giảm tốc cùng với chính sách tỷ giá khó lường trước của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc buộc các nhà điều hành chính sách trong nước phải tỉnh táo hơn trong mỗi tình huống. Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của thành phố. Một khi có vấn đề với thị trường và đồng Nhân Dân Tệ, hoạt động xuất khẩu của thành phố sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế đem đến nhiều thuận lợi, cơ hội, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn không ít thách thức đối với lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, hải sản. Việc mở rộng thị trường, hạ thuế nhập khẩu bằng 0% đồng nghĩa với doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt; thị phần sẽ bị thu hẹp lại, thậm chí là nguy cơ mất thị phần nội địa. Bên cạnh đó, ở thành phố Hải Phòng còn phải đối mặt với các thách thức như thiếu sự gắn kết giữa các ngành, địa phương, chưa có sự chuẩn bị nội lực cho doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời thành phố vẫn chưa xây dựng được các chương trình, kế hoạch trung, dài hạn để ưu tiên, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực. Để tìm lời giải cho bài toán xuất khẩu nông, lâm, hải sản, thành phố Hải Phòng cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiến hành xây dựng các đề án, chương trình cụ thể nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Xác định lợi thế các mặt hàng xuất khẩu chủ lực để chuyển dịch cơ cấu sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng. Có chính sách cụ thể về hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp tăng hàm lượng khoa học- kỹ thuật trong tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản đến chế biến nông sản nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng đi kèm với hạ giá thành sản phẩm. Cần có sự tăng cường liên kết giữa ngành Nông nghiệp với ngành Công thương để tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu xuất khẩu nhằm khắc phục những bất cập “thừa- thiếu” trong sản xuất như hiện nay. Cụ thể hóa các chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Giải pháp phát triển xuất khẩu của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới nhằm khai thác lợi thế, tận dụng cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Trong thời gian tới, Hải Phòng xác định mục tiêu cụ thể để phát triển xuất khẩu: Phát triển hoạt động xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hải Phòng phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan của thành phố, với Chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030; Phấn đấu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 20%/năm và 16.5% giai đoạn 2021-2030. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 12-17 tỷ USD vào năm 2020, đạt 20-21 tỷ USD vào năm 2025, đạt 43-44 tỷ USD vào năm 2030; Hình thành một số ngành, sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo có đóng góp cao về giá trị xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Thành phố Hải Phòng tập trung một số giải pháp để phát triển xuất khẩu như sau:

Thứ nhất, giải pháp huy động nguồn lực phát triển xuất khẩu của thành phố Hải Phòng: Tập trung thu hút đầu tư vào những dự án phát triển sản xuất hàng xuất khẩu với cơ chế chính sách đồng bộ và hấp dẫn và coi đây là bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế hướng về xuất khẩu nhằm tạo ra nguồn hàng phong phú, phục vụ xuất khẩu. Tiến hành rà soát điều chỉnh và quy hoạch lại hệ thống đào tạo trung học và dạy nghề trên địa bàn thành phố theo hướng đào tạo phải gắn với yêu cầu, mục tiêu của sự phát triển. Ưu tiên phát triển đào tạo các ngành nghề công nghệ cao; mở rộng các hình thức đào tạo nhân lực theo hướng gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, thực hiện đào tạo có địa chỉ, theo yêu cầu của nhà đầu tư; phát triển các hình thức hợp tác quốc tế về đào tạo công nhân kỹ thuật. Có chính sách khuyến khích thu hút nhân tài về làm việc tại Hải Phòng nói chung trong đó có ngành công nghiệp.

Thứ hai, giải pháp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển xuất khẩu của thành phố Hải Phòng: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh. Đơn giản hóa, minh bạch và công khai thủ tục hành chính. Ban hành và triển khai sâu sát, đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển các liên kết doanh nghiệp. Có các chính sách khuyến khích việc tăng cường liên kết, hợp tác theo chiều dọc và chiều ngang giữa các doanh nghiệp, cũng như xác lập quan hệ bạn hàng và quan hệ đối tác chiến lược nhằm phát triển xuất khẩu về lâu dài bởi hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, vốn ít nên cần tăng cường liên kết và hợp tác với nhau. Kiện toàn tổ chức và cơ chế hoạt động của các hiệp hội ngành hàng, bảo đảm hiệp hội thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Có các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bởi vì các doanh nghiệp hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế, tiêu thụ và cung ứng đầu vào. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để họ quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Khi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư.

Thứ ba, giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm xuất khẩu: Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu bền vững các mặt hàng thế mạnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay đối với thành phố Hải Phòng. Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp xuất khẩu phải có giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, hàm lượng công nghệ cũng như giá trị sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng đóng vai trò chiến lược, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hóa xuất khẩu. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần phát huy nội lực của mình để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường; mặt khác doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Thứ tư, giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu: Thông tin đầy đủ các văn bản, nghị định, cơ chế và chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tới các doanh nghiệp, đặc biệt là tạo môi trường pháp lý thông thoáng để các doanh nghiệp phát huy mọi khả năng sáng tạo trong việc phát triển thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước. Thành lập tổ chức thực hiện công tác dự báo các chiều hướng cung - cầu hàng hóa và dịch vụ, cơ chế chính sách xuất nhập khẩu của các nước đến mọi doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm phù hợp với từng thị trường. Hoặc tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện công tác này nhằm cung ứng thông tin ra thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp từ nơi khác đến nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội làm ăn với địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ năm, Giải pháp hỗ trợ phát triển thương nhân: Chính phủ và các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ gắn liền với hoạt động khai thác biển. Đặc biệt cần có cơ chế đặc thù cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng tại khu vực vùng biển đảo. Kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng, gắn địa bàn hoạt động của thương nhân với các vùng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu lớn; từng bước củng cố, phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh theo chiều sâu và hiệu quả xuất. Điều chỉnh số lượng đầu mối và địa bàn hoạt động phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu các mặt hàng chính và diễn biến tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của đội ngũ thương nhân kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh. Tích cực hỗ trợ, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu đối với doanh nghiệp thương nhân kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới các doanh nghiệp và đề ra các giải pháp thúc đẩy kim ngạch thương mại. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước. Thành lập tổ chức thực hiện công tác dự báo các chiều hướng cung - cầu hàng hóa và dịch vụ, cơ chế chính sách xuất nhập khẩu của các nước đến mọi doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm phù hợp với từng thị trường. Hoặc tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện công tác này nhằm cung ứng thông tin ra thị trường.

Thứ sáu, giải pháp liên kết phát triển nguồn hàng xuất khẩu: Tạo ra những liên kết hợp lý giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp sử dụng vốn FDI: Các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển theo hướng trở thành các vệ tinh cung cấp nguyên vật liệu, gia công các chi tiết, cụm chi tiết, bao bì cho các doanh nghiệp FDI. Thông qua các hoạt động như vậy, các doanh nghiệp trong nước có thể xuất khẩu gián tiếp các sản phẩm của mình cũng như góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu.

Thứ bẩy, giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu. Triển khai thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, thu nhập và cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp và làm đầu mối trong việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản gọn nhẹ, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ, xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành phố tìm kiếm thông tin, phát triển mặt hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hình thành các Trung tâm cung cấp các dịch vụ logistics như: bao bì, đóng gói, kho tàng, bến bãi, vận tải, tài chính ngân hàng, bưu điện, viễn thông... hỗ trợ các doanh nghiệp trong thành phố nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Xây dựng cơ chế thưởng phạt phù hợp đối với công tác sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, bình đẳng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Thứ tám, giải pháp về bảo vệ môi trường: Tăng cường năng lực quan trắc môi trường của thành phố; dành nguồn kinh phí thích hợp để duy trì các hoạt động quản trắc môi trường; thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa Hải Phòng với hệ thống quan trắc quốc gia, với các cơ quan quản lý và các cơ quan nghiên cứu về môi trường nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về thực trạng và diễn biến chất lượng môi trường thành phố, phục vụ quản lý môi trường và phát triển kinh tế xã hội. Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường. Trước mắt tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, coi đây là một công cụ kinh tế hữu hiệu để quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường./.