Hội nhập trong nước

UBND Thành phố Hà Nội

 

Cùng với cả nước thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, trong thời gian qua thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai công tác hội nhập quốc tế và xác định công tác hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt. Kinh tế Thủ đô những năm qua tiếp tục duy trì mức tăng trưởng nhanh, bền vững. GRDP bình quân 2016-2018 tăng 7,28% (2016 tăng 7,15%, 2017 tăng 7,31%, 2018 dự kiến tăng 7,37%). Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. GRDP năm 2018 ước đạt 732,01 nghìn tỷ đồng (tương đương 31,83 tỷ USD), gấp 1,34 lần quy mô GRDP năm 2015. GRDP bình quân đầu người tăng từ 3.660 USD/người năm 2015 lên 4.080 USD/người năm 2018 (tăng 420 USD), gấp 1,12 lần năm 2015.Để có được kết quả trên, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

1. Kết quả hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Thủ đô trong những năm qua.

1.1. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nội dung các Nghị quyết về hội nhập quốc tế; các yêu cầu hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của hội nhập quốc tế trong từng ngành, lĩnh vực.Tuyên truyền về chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” đến các đối tác, cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt và thông báo kịp thời dư luận cho các cơ quan liên quan; tăng cường quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội; tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn đến 2020.

Phổ biến hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức và người dân về các quy định tại các Hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia. Các Hiệp định thương mại tự do được cụ thể hóa để thông tin phù hợp theo từng đối tượng; đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, tập trung vào những vấn đề hội nhập quốc tế mang tính thời sự. Từ năm 2016 đến năm 2018, Thành phố đã xuất bản 4 cuốn Cẩm nang về các Hiệp định thương mại tự do dành cho doanh nghiệp thuộc 4 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của thành phố: Dệt may, Thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ, Cơ - kim khí, Giày dép và các sản phẩm từ da; 01 cuốn Cẩm nang thông tin về thị trường các nước thành viên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Các cuốn cẩm nang trên giúp doanh nghiệp có đầy đủ thông tin về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, nhằm tận dụng các lợi thế và giảm thiểu thách thức từ việc thực thi các Hiệp định.

Tiếp tục cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế thông qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục với nhiều nội dung tin, bài phong phú và đa dạng.

1.2. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế.

Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế của thành phố Hà Nội đã chỉ đạo sát sao, ban hành các Chương trình, Kế hoạch chỉ đạo công tác hội nhập quốc tế phù hợp với từng giai đoạn và định hướng phát triển chung của Thành phố. Đối với từng lĩnh vực, từng nội dung về hội nhập quốc tế đều có các kế hoạch, chương trình hành động rất cụ thể để tổ chức thực hiện. Nổi bật là: Kế hoạch Hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020; Văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTG ngày 19/10/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; Văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.

1.3. Ban hành cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính

Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách do Thành phố ban hành so với văn bản pháp luật của Nhà nước và các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế để kịp thời điều chỉnh các văn bản, cơ chế chính sách không phù hợp. Hiện nay tại thành phố Hà Nội không có các văn bản, chính sách trái với cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tính đến ngày 30/4/2017, tổng số văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND Thành phố còn hiệu lực là 406 văn bản. Qua rà soát có 187 văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế; 60 văn bản cần bãi bỏ; 106 văn bản hết hiệu lực thi hành.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong cách giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công: Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ. Phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử, tập trung chỉ đạo việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4; Việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện có nề nếp.

Năm 2016, 2017 với chủ đề “Năm kỷ cương hành chính” và năm 2018 chủ đề là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực về hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 tăng 11 bậc so với năm 2015, lên vị trí 13/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 tăng 7 bậc so với năm 2015, lên vị trí 2/63 tỉnh, thành phố.

1.4. Nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, doanh nghiệp và sản phẩm.

Thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp: Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 30/3/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 31/3/2017 phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2017.

- Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI,nhất là các chỉ số thành phần còn thấp, trọng tâm là trong các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kết nối cung- cầu, hỗ trợ giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh.

- Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản.

- Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ, Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội; Triển khai Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 có xét đến năm 2030; Khuyến khích phát triển các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng lợi thế thu hút nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

- Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu:

+ Tổ chức thành công 14 đoàn Doanh nghiệp tham gia xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại nước ngoài; đón tiếp, gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhà đầu tư quốc tế đến Hà Nội tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh với nhiều nhà đầu tư nước ngoài như: Tổ chức Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư, du lịch Nhật Bản tại Hà Nội”; Tọa đàm “Gặp gỡ Canada” ngày 16/01/2017; Tọa đàm giữa các địa phương Việt Nam và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế; Hội thảo với đoàn 100 doanh nghiệp Hồng Kông tìm hiểu về môi trường đầu tư của Thành phố;

+ Tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch: Hội nghị Hà Nội 2017 - Hợp tác Đầu tư và phát triển; Phối hợp với VCCI tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản năm 2017; phối hợp với Bộ Ngoại giao tuyên truyền, giới thiệu về môi trường đầu tư, thương mại, du lịch của Thành phố qua các sự kiện bên lề của Hội nghị APEC được tổ chức trên địa bàn Thành phố vào tháng 5/2017; Phối hợp với tập đoàn Aeon - Nhật Bản trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp Hà Nội vào hệ thống phân phối của Aeon tại Nhật Bản cũng như tại Việt Nam (Tổ chức tuần lễ chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm thương mại Aeon Long Biên tháng 2/2017; tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2017 tại hệ thống siêu thị Aeon Lake Town, tỉnh Saitama, Nhật Bản tháng 6/2017);…

1.5. Phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường

Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sắp xếp lại ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, cơ cấu lại nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, chuyển đổi hình thức sở hữu từ Nhà nước sang sở hữu của người lao động trong doanh nghiệp và ngoài doanh nghiệp, nhằm thu hút nguồn vốn trên thị trường tập trung vào sản xuất kinh doanh. Thành phốđã hoàn thành công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2012-2015 (tính đến thời điểm 30/11/2017, có 42/56 doanh nghiệp đã hoàn thành quy trình cổ phần hóa, bàn giao sang công ty cổ phần), còn 14 doanh nghiệp đang triển khai xử lý tài chính hậu cổ phần. Triển khai thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch của Thành phố giai đoạn 2016-2020: Năm 2017, Thành phố tiếp tục cổ phần hóa đối với 07 doanh nghiệp.

Thực hiện chính sách điều tiết thị trường bất động sản theo chủ trương của chính phủ, xem xét điều chỉnh cơ cấu căn hộ dự án phát triển nhà ở. Năm 2017, Thành phố thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc nhà ở phục vụ tái định cư: 38 dự án nhà ở thương mại chuyển sang hình thức tái định cư hoặc có diện tích nhà ở thương mại phải bàn giao cho Thành phố làm nhà ở tái định cư; triển khai lập quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện (đến nay đã hoàn thành lập quy hoạch cải tạo 10 khu); xây dựng nhà ở xã hội tại các khu Tiên Dương (Đông Anh), Cổ Bi (Gia Lâm); Ngọc Hồi (Thanh Trì), Cổ Nhuế  2;...

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Phát triển quan hệ lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2020; Tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020”; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động Thành phố làm cơ sở dự báo ngắn hạn và trung hạn về thị trường lao động, cung cấp thông tin cho người lao động, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Đầu tư nâng cấp hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, Sàn giao dịch việc làm, thành lập các điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã, nơi có thị trường lao động phát triển nhằm góp phần kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ưu tiên tập trung các nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục cải cách thủ tục, quy trình cho vay vốn, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng; tăng cường năng lực về vốn, công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối tốt, dự nợ tín dụng tăng cao hơn so với tốc độ tăng nguồn vốn huy động.

Tăng cường quản lý nhà nước về giá và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về đăng ký giá và kê khai giá; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm; nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường. Thẩm định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyền quyết định của Nhà nước đảm bảo chính sách, hạn chế việc trợ giá, phù hợp với các quy định hiện hành,...

Chủ động triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tạo sự ổn định và phát triển của thị trường, bình ổn giá cả, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Theo dõi sát diễn biến thị trường; ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, xăng dầu, thuốc lá, rượu, lương thực, thực phẩm,… nhằm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hoá lưu thông thuận tiện.

1.6. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thành phố đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đồng thời tích cực đôn đốc các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, Thành phố đã tổ chức rà soát, phân loại để xử lý các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất chậm triển khai thực hiện gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế “ xã hội của Thành phố.

Tổng vốn đầu tư xã hội tăng trưởng đều qua các năm (năm 2016 đạt 278,88 nghìn tỷ đồng, tăng 10,37%; năm 2017 đạt 308,22 nghìn tỷ đồng, tăng 10,52%; năm 2018 dự kiến đạt 340,78 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%). Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực Nhà nước giảm dần: năm 2015 chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư xã hội; năm 2016 chiếm 42,1%; năm 2017 chiếm 39,3%. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng cao: năm 2017 chiếm 51,1%.

Đầu tư ngoài ngân sách vốn trong nước có khoảng 2.200 dự án với tổng mức đầu tư 1,07 triệu tỷ đồng. Đầu tư theo hình thức PPP có 113 dự án với tổng mức đầu tư 301,681 nghìn tỷ đồng, trong đó: 08 dự án đã hoàn thành (TMĐT 13,452 nghìn tỷ đồng); 12 dự án đang triển khai thực hiện (TMĐT 25,382 nghìn tỷ đồng); 93 dự án đang thực hiện thủ tục (TMĐT 262,847 nghìn tỷ đồng). Đầu tư trực tiếp nước ngoài 02 năm 2016-2017 thu hút được 6,55 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 2,8 tỷ USD (tỷ lệ đạt 42,7%); Ước năm 2018 thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 7 tỷ USD, đứng đầu cả nước sau 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực là 4.350, vốn đăng ký 33,38 tỷ USD. Riêng trong 3 năm 2016-2018 thu hút được gần 13 tỷ USD, bằng khoảng 60% tổng số vốn đầu tư đã thu hút trong giai đoạn từ 1986 - 2015.

1.7. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thành phố đã ban hành nhiều Chương trình kế hoạch để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 11/11/2016 thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn...; tập trung chỉ đạo tiến hành rà soát và thực hiện tốt công tác Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; nghiên cứu lập quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô: du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi, giải trí và thể thao, du lịch nông nghiệp và trang trại; Triển khai Chương trình hợp tác với Mạng tin tức truyền hình Cáp CNN tổ chức triển khai sản xuất phát sóng các phim quảng cáo du lịch Hà Nội.

Kết quả, Du lịch Hà Nội đạt mức tăng trưởng rất tốt, nhất là về lượng khách du lịch quốc tế.Hà Nội vẫn đang là điểm đến du lịch hấp dẫn, được ưa chuộng đối với khách quốc tế. Theo khảo sát năm 2017 của Mastercard, Hà Nội được đánh giá xếp thứ 7 trong top 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới; Theo Tạp chí Business Insider, Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn thứ 6 thế giới (bởi theo thống kê Hà Nội có số lượng đặt phòng qua website tăng tới 261% trong một năm trở lại đây); Theo trang mạng xã hội Pinterest, Hà Nội đứng thứ 3 trong top 20 điểm đến du khách muốn ghé thăm nhất thế giới; theo tờ Telegraph, Hà Nội xếp vị trí thứ 2 trong top 17 thành phố có ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới.

1.8. Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế

Công tác đối ngoạiđược Lãnh đạo Thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, từng bước nâng cao vị thế Thủ đô, đẩy mạnh xuất khấu, thu hút đầu tư, quảng bá du lịch... Kiểm soát và nâng cao hiệu quả các đoàn ra theo hướng lồng ghép các hoạt động có liên quan. Thành phố tiếp tục chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ quốc tế, thúc đẩy đối ngoại toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa; tham gia và tổ chức nhiều hoạt động song phương, đa phương giữa Thủ đô Hà Nội với các quốc gia, thành phố và các tập đoàn lớn trên thế giới. Hà Nội tiếp tục là thành viên tích cực trong các hoạt động của các tồ chức quốc tế liên đô thị như ANMC21, CityNet, Metropoỉis, AIMF, Hiệp hội các thành phố lịch sử lâu đời... Quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với đối tác các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được cải thiện, đóng góp vào công tác đối ngoại chung của quốc gia thông qua nhiều sự kiện ngoại giao, hợp tác nhân kỷ niệm năm tròn, năm chẵn quan hệ của Việt Nam với các nước: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Australia, Pháp, Anh, Bỉ, ĩtalia, Hà Lan, Phần Lan, Canada, Argentina... Một số hoạt động điển hình như: Chương trình kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ViệtNam - Trung Quốc; Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản nhânkỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; các sự kiện trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc; Tuần lễ thời trang Việt Nam - Italia 2018; Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6; Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát ừiển Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 10 (CLV 10); Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới về ASEAN...

 Chủ động triển khai lực lượng bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn Thủ đô, hoạt động của các đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc tại Hà Nội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự trong hội nhập kinh tế quốc tế; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật và các cam kết quốc tế. Chủ động triển khai Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 09/5/2017 về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh đối với hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô; Chủ động phân tích, dự báo những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự có thể nảy sinh trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp: nắm tình hình người nước ngoài, Việt kiều hoạt động trên địa bàn Thành phố... xu hướng đầu tư và tình hình hoạt động của các quốc gia trọng điểm; tình hình xuất nhập cảnh, đầu tư, hoạt động của người nước ngoài, Việt kiều;...

1.9. Một số tồn tại và hạn chế hạn chế trong triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về hội nhập, công tác HNQT đã được triển khai sâu rộng trên phạm vi toàn Thành phố. Về tổng thể, công tác HNKTQT đã được triển khai đồng đều, tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác HNKTQT còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế như: Công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp tham gia hội nhập KTQT chưa đáp ứng yêu cầu; phân tích, dự báo tình hình giá cả, biến động thị trường quốc tế còn chậm và chưa chủ động;Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong HNKTQT còn thấp; Sự phối hợp chưa cao giữa các sở ngành, quận huyện để xây dựng các chương trình, kế hoạch HNKTQTvà triển khai thực hiện..; Công tác QLNN về HNKTQT còn hạn chế, đặc biệt trong các lĩnh vực: quản lý thị trường; sở hữu trí tuệ, quản lý thương hiệu, chất lượng hàng hóa, sản phẩm.

2. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm công tác hội nhập kinh tế quốc tế những năm tới.

2.1. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 24/02/2015 của UBND thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO; Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 08/8/2017 về Hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020.

2.2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập quốc tế của thành phố Hà Nội trong đó chú trọng việc tuyên truyền về các sự kiện hội nhập nổi bật và nội dung các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTTP và EVFTA).

2.3. Thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cả Thành phố trên tất cả các lĩnh vực nhất là lĩnh vực trọng tâm. Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu kiểm tra, rà soát văn bản của Thành phố để tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, công dân khai thác sử dụng.Tiếp tục tập trung khâu đột phá đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô; ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

2.4.  Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường các hoạt động đối ngoại, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, nhất là với thủ đô các nước, các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới trên mọi lĩnh vực. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo - thành phố thông minh.

2.5.  Huy động tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung. Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực cần thu hút cụ thể tại các nước đối tác chiến lược nhằm: Gặp gỡ và làm việc với cơ quan quản lý, quỹ đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu đầu tư; Quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của Hà Nội; Thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực (giáo dục đào tạo, y tế, công nghệ sinh học, dịch vụ tài chính...) của các nước (Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ...); Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

2.6. Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước: Tiếp tục chương trình hợp tác với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN tổ chức triển khai sản xuất phát sóng các phim quảng cáo du lịch Hà Nội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm quốc tế; chú trọng liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tăng cường liên kết với các hãng hàng không và hãng lữ hành quốc tế lớn thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội tại chỗ.

2.7. Tiếp tục kiểm soát, theo dõi, phân tích diễn biến, báo cáo giá cả thị trường theo đúng quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BTC ngày 29/4/2011 của Bộ Tài chính; Tăng cường quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định kiểm soát giá, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật và quản lý giá.

2.8. Xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước và khu vực. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn khu vực và thế giới trong các lĩnh vực cung cấp nước sạch, sử dụng năng lượng xanh, xử lý rác thải, xử lý ô nhiễm môi trường (nước, không khí), đảm bảo mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

2.9. Hà Nội cùng các Tỉnh, Thành phố trong vùng, sẽ xây dựng kế hoạch khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để giải quyết các vấn đề chung như: xử lý môi trường; phát triển năng lượng xanh; khởi nghiệp, kết nối hạ tầng giao thông, tiêu thụ, chế biến, nông, lâm, hải sản, dịch vụ, du lịch góp phần đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn thành phố, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Hà Nội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát huy các lợi thế để góp phần phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng là Thủ đô, Thành phố Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại./.