Hội nhập trong nước

Sở Công Thương tỉnh Hà Giang

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định vùng trung du miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang gắn với các hành lang kinh tế (hai hành lang, một vành đai) và các cửa khẩu quan trọng với Trung Quốc và Lào. Đây là một trong 07 vùng du lịch Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hội nhập của du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế thông qua các hành lang kinh tế Vân Nam- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh và Nam Ninh- Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Hà Giang là một trong những địa phương nằm trong địa bàn này vì vậy sự liên kết giữa Hà Giang với toàn vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc Bộ có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển du lịch của toàn vùng tương xứng với vị trí đã được xác định trong tổ chức lãnh thổ Việt Nam

Mặc dù không trực tiếp nằm trên hành lang kinh tế, song với vị trí "cực Bắc" của tổ quốc không chỉ của Hà Giang mà của toàn vùng trong mối quan hệ giữa vùng du lịch Bắc Trung Bộ với thị trường Trung Quốc, Hà Giang còn có vị trí đặc biệt trong sự liên kết vùng để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

Với địa điểm là địa phương ở cực Bắc của đất nước với cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang có vị trí là một trong những "cửa ngõ" của toàn vùng trung du miền núi Bắc Bộ để đón các luồng khách du lịch quốc tế từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh những thuận lợi trên Hà Giang có nhiều lợi thế so sánh để phát triển du lịch trong mối quan hệ với toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ như Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; địa hình núi chia cắt với nhiều cảnh quan hùng vĩ vào bậc nhất ở Việt Nam... Những năm gần đây tỉnh Hà Giang đã thực hiện chính sách đồng bộ đổi mới và mở cửa tạo cơ chế thông thoáng, thu hút đầu tư, mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020 thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ; khai thác có hiệu quả các điểm du lịch, đầu tư sản phẩm du lịch mới có tính đặc thù chất lượng cao, đưa Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu, trong đó ưu tiên phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia với quy mô và tầm cấp quốc tế gắn với việc bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa.

Được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp và bằng nội lực của địa phương. Du lịch tỉnh Hà Giang đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.Năm 2017,lượng khách du lịch đến với Hà Giang ước đạt 1.023.653 lượt người, trong đó khách quốc tế ước đạt 169.689 lượt. Doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch năm 2017 ước đạt 950 tỷ đồng, tăng 15%  so với năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2018, khách du lịch đến Hà Giang đạt 783.337 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 699.7 tỷ đồng, tăng 13.8 %so với cùng kỳ năm 2017.

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh Hà Giang đã xác định lựa chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh tại Chương trình số 29-CTr/TU ngày 24-7-2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hội nghị lần thứ 20 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI một lần nữa xác định du lịch là một trong 3 trụ cột kinh tế chính của tỉnh, điều này được khẳng định tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 07/9/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, về cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá....

Trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, việc liên kết phát triển du lịch là vấn đề hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch. Hà Giang đã chú trọng liên kết vùng với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, 6 tỉnh Việt Bắc, đặc biệt là với các tỉnh thành phát triển du lịch trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Ký kết hợp tác phát triển du lịch với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây Trung Quốc.

Hà Giang đã triển khai thực hiện đề án xúc tiến quảng bá du lịch đến năm 2020. Trong đó: Giai đoạn 2017 - 2018 đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước nhằm thúc đẩy phát triển nguồn thị trường khách nội địa; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá ở nước ngoài dưới nhiều hình thức như: Thông qua chương trình hợp tác đối ngoại của tỉnh, các chương trình xúc tiến ở nước ngoài do Tổng cục du lịch tổ chức.

Giai đoạn 2019 - 2020: Chuyên nghiệp hóa các hoạt động xúc tiến du lịch, nhằm vào thị trường mục tiêu theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu làm đối tượng trọng tâm như Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đến với thị trường tiềm năng Anh, Pháp, Mỹ, Nhật; sản phẩm du lịch lòng hồ Sông Gâm và thành phố Hà Giang đến với thị trường Trung Quốc, Indonesia...

Trong thời gian tới Hà Giang sẽ triển khai cụ thể hóa các biên bản đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với Tổng Cục du lịch, Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam, Uỷ ban phát triển du lịch Vân Nam (Trung Quốc), 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, 6 tỉnh Việt Bắc, Trung tâm Xúc tiến du lịch Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội…

Xu hướng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trở thành một yêu cầu thiết yếu. Trong bối cảnh đó Hà Giang có cơ hội hợp tác liên kết và chia sẻ tài nguyên cũng như du khách với các địa phương khác, Hà Giang có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế của mình trong khu vực và vươn ra quốc tế nhưng đồng thời cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức: (i) Cạnh tranh giữa các địa phương trong việc gia tăng tính hẫp dẫn trong việc thu hút du khách hiện rất gay gắt; (ii) Khác biệt hóa sản phẩm, định vị phân khúc du lịch và du khách riêng của địa phương trong bối cảnh nhiều tài nguyên du lịch lớn của Hà Giang về cơ bản không khác nhiều so với các địa phương lân cận, đặc biệt là Lào Cai hay Yên Bái; (iii) Ngân sách và nợ công của Việt Nam đã chạm trần quy định nên khả năng nhận được hỗ trợ ngân sách của Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như ngành du lịch Hà Giang nói riêng sẽ rất hạn chế. Riêng ngân sách Hà Giang cũng đang vay nợ với giới hạn trần cho phép khá thấp nên khả năng huy động tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển ngành du lịch cũng khá hạn chế; (iv) Khả năng thu hút nhà đầu tư bên ngoài cũng bị cạnh tranh rất lớn từ chính sách thu hút đầu tư của các địa phương khác; (v) Các thách thức về sự đánh đổi giữa nhu cầu phát triển và bảo tồn các tài nguyên, giá trị văn hóa, lịch sử...

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hội nhập quốc tế, trong thời gian tới ngành du lịch Hà Giang cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các địa phương về vị trí, vai trò và đóng góp của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao ý thức của các nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Hà Giang.

Hai là, cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quy hoạch; Phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch; Tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội truyền thống; Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù; Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ du lịch.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND ngày 21/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghiên cứu thành lập và có cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo chủ trương của Nghị quyết số 08-NQ/TW;

Bốn là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Tranh thủ huy động các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương như nguồn vốn hạ tầng du lịch, nguồn vốn ODA cùng với nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thiết chế văn hóa, thể thao, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử phục vụ du lịch.

Năm là, đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung và các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh. Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả đề án Xúc tiến Quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020.

Sáu là, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia các hoạt du lịch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Bảy là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch dịch vụ. Triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2025 đảm bảo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Tám là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định nhà nước trong hoạt động kinh doanh du lịch, giải quyết tốt các vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Trung Lương “Phát triển du lịch Hà Giang trong bối cảnh hội nhập” Tuyển tập Hội thảo “Chiến lược phát triển kinh tế du lịch Hà Giang trong mối liên kết với các tỉnh khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.