Hội nhập trong nước

Sở Công Thương tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh miền núi nằm giữa khu vực Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 320 km. Hà Giang có 07 huyện biên giới tiếp giáp với 02 tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Hệ thống cửa khẩu, chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang gồm có: 01 cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, 01 cặp Cửa khẩu song phương Xín Mần - Đô Long, 02 cửa khẩu phụ, 11 lối mở tạm thời và 27 chợ biên giới, chợ cửa khẩu… Tỉnh Hà Giang được đánh giá có tiềm năng, lợi thế phát triển trong lĩnh vực Kinh tế cửa khẩu và thương mại biên giới.

1.Vấn đề thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình phát triển KT-XH, tỉnh Hà Giang đã thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển KT-XH, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, nâng cao giá trị các mặt hàng chủ lực. Đồng thời khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế biên mậu, đảm bảo xu thế chung về hội nhập và mang tính phát triển bền vững góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2020 giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 880 triệu USD. Trên cơ sở đó tỉnh Hà Giang cũng ban hành Chiến lược Hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chương trình hành động về tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn đến năm 2030 trong đó phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng là một trong 05 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch, nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thu được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Các thành phần kinh tế đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa quy trình quản lý hoạt động XNK hàng hóa. Công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm thường xuyên nên đôi ngũ cán bộ, công chức cũng như Doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã nắm được các thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế đặc biệt là các thông tin mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP); cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0); cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các nhiệm vụ KHCN được triển khai đúng hướng, tương đối toàn diện. Hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, phù hợp với thực tiễn địa phương; hoạt động xúc tiến, hợp tác đầu tư triển khai tốt, thu hút đầu tư tăng đột biến;… Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRGP) đạt cao, tăng trên 7,36% so với năm trước. Hoạt động XNK có nhiều khởi sắc, tạo việc làm cho cư dân biên giới. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng và dần đi vào chiều sâu. Cơ cấu kinh tế từ đó chuyển đổi theo hướng tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có cơ hội mở rộng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân,... Bên cạnh đó, về mặt chính trị, việc tham gia và thực hiện các FTA trong thời gian qua cũng góp phần nâng cao vị thế đối ngoại. Tham gia hội nhập, các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh đã nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các hiệp định, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như: Nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA tuyên truyền trên các phương tiện thông tin. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hội nhập, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hội nhập quốc tế tại các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.

Tuy nhiên, tại tỉnh Hà Giang đến nay công tác thực thi các FTA còn hạn chế do việc nhận thức của các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ và thống nhất. Chưa thực hiện hiệu quả việc phổ biến chính sách, thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai các FTA nhằm tận dụng đầy đủ các cơ hội, đối phó với các thách thức của việc gia nhập các FTA. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh kém. Bên cạnh đó, nền kinh tế của tỉnh xuất phát điểm thấp, giao thông đi lại khó khăn, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn ít. Sản xuất nông nghiệp dàn trải, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu của tỉnh. Do đó, để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tỉnh cần nâng cao năng lực về mọi mặt, để kịp thời ứng phó với làn sóng hội nhập mạnh mẽ như hiện nay.

2. Cơ hội thách thức đối với Doanh nghiệp, những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế thị trường trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế tỉnh Hà Giang. Để nâng cao nội lực nền kinh tế, vừa tận dụng được các cơ hội do FTA mang lại, vừa tuân thủ các cam kết đã đề ra, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp cơ bản và lâu dài để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như: cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả với doanh nghiệp FDI.

Vượt xa nội dung của những Hiệp định thương mại thông thường, Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, điển hình là CPTPP mở ra viễn cảnh xây dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn với những chuẩn mực mới của thế kỷ XXI. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP sẽ tạo ra áp lực để cải cách thể chế nhưng cũng là cơ hội để hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kinh nghiệm từ việc tham gia và thực thi cam kết WTO cho thấy, sẽ không thể tận dụng được cơ hội, đối phó thành công với các thách thức khi tham gia CPTPP nếu không quyết tâm, mạnh dạn đổi mới từ quan điểm quản lý, chính sách của Chính phủ đến quản trị và sự chủ động của mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế.

3. Hướng đi mới trong chiến lược “Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang trong đó tập trung về phát triển kinh tế Biên Mậu”

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 đã được tỉnh Hà Giang xây dựng thành chương trình hành động cụ thể, trong đó phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng là một trong 05 nhiệm vụ trọng tâm, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai, thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương về nhiệm vụ quốc phòng– an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền trên tuyến biên giới;

Với hướng đi mới Hà Giang phải tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng biên mậu, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nối với các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ... đảm bảo phục vụ vận tải hành khách và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp được thuận lợi; Ban hành chính sách nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, gắn với phát triển thị trường xuất khẩu; Tăng cường hoạt động giao lưu, hội đàm, hợp tác kinh tế biên mậu giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và các tỉnh Quảng Tây,Vân Nam (Trung Quốc); thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tạo điều kiện cho nhân dân biên giới qua lại thăm thân, giao lưu trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế biên mậu, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư, du lịch, thương mại phát triển; Rút ngắn thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn quản lý so với quy định chung; Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; Công khai minh bạch các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến giải quyết thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp thị và quảng cáo sản phẩm của Việt Nam cho người tiêu dùng Trung Quốc, đồng thời tham gia các hội chợ thương mại biên giới. Định kỳ tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại biên giới, các hội nghị kết nối khách hàng với tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước, các tổ chức kinh tế triển khai hợp tác kinh tế Thương mại qua biên giới. Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn. Công khai minh bạch các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến giải quyết thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh. Hợp tác có hiểu quả trong hoạt động thanh toán biên giới  với phía Trung Quốc, góp phần tăng cường quản lý tiền tệ vùng biên giới, phòng chống rửa tiền và chuyển tiền lậu qua biên giới, trong đó chú trọng phát triển các hình thức thanh toán quốc tế theo thông lệ quốc tế./.