Hội nhập trong nước

UBND tỉnh Đắc Lắc

1. Tình hình thực thi các FTA thế hệ mới của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua

Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia dài 73 km. Diện tích tự nhiên 13.125 km2, dân số gần 1,8 triệu  người, trong đó gần 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính (gồm thành phố Buôn Ma Thuột là thành phố cấp I trực thuộc tỉnh, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện); có 4 xã biên giới giáp với 2 huyện Patchanda và Cô Nhéc tỉnh Mondulkiri - Campuchia. Đắk Lắk có thổ nhưỡng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, tiêu, điều, cao cao….; cây công nghiệp ngắn ngày như: sắn, ngô, đậu, đỗ các loại; cây ăn quả có nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa được quy hoạch thành vùng để sản xuất thành hàng hóa có giá trị như bơ, mít, sầu riêng, mãn cầu, chôm chôm, xoài, dứa… Hàng năm tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn trên thị trường: cà phêhơn 460.000 tấn, cao su 37.000 tấn, tiêu hạt 71.000 tấn, sắn lát 685.000 tấn, điều 20.000 tấn, mật ong hơn 10.000 tấn và gần 100.000 tấn trái cây các loại. Ngoài ra Đắk Lắk còn có địa hình đa dạng đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng tạo ra sự đa dạng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt phát triển một số cây trồng đặc thù như trồng cỏ với diện tích đất rộng phục vụ cho chăn nuôi nhất là chăn nuôi trâu bò với quy mô lớn…hoặc các loại gia cầm khác nhằm đa dạng hóa nông sản hàng hóa, tạo nguồn hàng phong phú trên thị trường. Đã tạo cho Đắk Lắk có nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam, nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Trong các năm qua tỉnh Đắk Lắk đã đặt được nhiều kết quả trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế; đó là:

- Phối hợp với các cơ quan của Trung ương tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quán triệt các nội dung Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ về Hội nhập kinh tế quốc tế; Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa kỳ; Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA); Hội nghị phổ biến thông tin một số Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên, nghiệp vụ xuất nhập khẩu và tác động của FTA đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, tập huấn về các hàng rào kỹ thuật trong thương mại và ảnh hưởng của doanh nghiệp Việt Nam khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực;Hội nghị phát triển kinh tế Tây Nguyên góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế và tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo tại địa bàn các xã, huyện trong tỉnh để phổ biến kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế cho nông dân và các tổ chức kinh tế tại địa phương. Riêng trong năm 2018 tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức Hội nghị tập huấn cho doanh nghiệp về CPTPP; Phối hợp với Chi nhánh trung tâm hỗ trợ xuất khẩu Đà Nẵng - Cục xúc tiến Thương mại tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực đàm phán, ký kết hợp đồng và xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động Logistics; phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị hội nhập quốc tế và phát triển bền vũng tại Đắk Lắk; phối hợp với Phân viện HCQG khu vực Tây Nguyên tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập quốc tế cho cán bộ quản lý nhà nước. Nhìn chung các hội nghị này đề có phổ biến nội dung Hiệp định CPTPP và EVFTA. Ngoài ra còn cử nhiều cán bộ của tỉnh tham gia các lớp tập huấn do Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp tổ chức.  

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và hợp tác đầu tư trong và ngoài nước, đến nay tỉnh Đắk Lắk thu hút được hơn 543 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 66 ngàn tỷ đồng; 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng mức vốn đăng ký khoảng 132 triệu USD; 04 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư (bao gồm 01 dự án đầu tư tại Lào và 03 dự án đầu tư tại Campuchia) với tổng vốn đầu tư khoảng 215 triệu USD; 29 dự án, chương trình ODA được triển khai trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư khoảng 299 triệu USD. Có 112dự án NGO với tổng mức tài trợ cam kết khoảng 28,026 triệu USD.

- Quan hệ hợp tác của tỉnh với các địa phương nước ngoài trong thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ký 12 thỏa thuận với các tỉnh Nam Lào; 11 thỏa thuận với tỉnh Mondulkiri - Campuchia;  ký 01 bản ghi nhớ với tỉnh Jihosesky Craj - Cộng hoà Séc, 03bản thỏa thuận về quan hệ hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Jeollabuk - Hàn quốc về giáo dục - đào tạo; với tổ chức động vật Châu á AAF Hồng Kông - Trung Quốc về bảo tồn voi tại Đắk Lắk giai đoạn 2018-2021; về thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tỉnh Đắk Lắk với Tổ chức Action Aid Intemational tại Việt Nam ...và dự kiến trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh hợp tác với nhiều nước trên thế giới.

- Xuất khẩu các sản phẩm nông sản nhất là cà phê, tiêu, cao su, mật ong...là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk trong nhiều năm qua, hàng năm tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu khoảng 600 triệu USD/năm. Hàng hóa của Đắk Lắk xuất khẩu sang hơn 63 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhất là đã thâm nhập được vào các thị trường lớn với yêu cầu chất lượng hàng hóa và vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt như thị trường Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp…

- Đắk Lắk còn có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Về năng lượng gió, với vận tốc gió trung bình tại một số huyện trong tỉnh từ 6.5-7.5m/giây/năm, với công suất trên 400 MW. Về năng lượng mặt trời, Đắk Lắk nằm trong khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời rất lớn khoảng 95 GWh/năm, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5k Wh/m2/ngày. Các khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời tập trung các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Hleo…Hiện nay Đắk Lắk đang đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng trong và ngoài nước đến Đắk Lắk đăng ký, nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đồng thời Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng với các nước có công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại để thu hút đầu tư cho các Dự án năng lượng tái tạo.

Triển khai thực hiện có hiệu quả về hợp tác phát triển kinh tế trong khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh và ổn định chính trị trong tỉnh.

Bên cạnh những cơ hội và kết quả đạt được. Để thực thi các FTA thế hệ mới của Việt Namcó hiệu quả, tỉnh Đắk Lắk còn gặp nhiều thách thức đó là:

- Quy mô kinh tế còn nhỏ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhiều ngành, lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Nông nghiệp có nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác thật sự hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thấp, hàng nông sản chủ lực của địa phương chưa có thương hiệu mạnh. Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu (sản phẩm thô), tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu hàng năm qua chế biến tăng chưa nhiều trong kim ngạch xuất khẩu. Quy mô công nghiệp nhỏ, giá trị sản xuất thấp và chủ yếu là công nghiệp địa phương. Đầu tư cho du lịch còn thấp, chủ yếu là khai thác tự nhiên; Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; khoa học công nghệ chưa thâm nhập sâu vào sản xuất, đời sống để nâng cao chất lượng hiệu quả của các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Khả năng nắm bắt những thách thức, thời cơ, những kinh nghiệm về Hội nhập kinh tế quốc tế của các tỉnh còn giới hạn.

-Vị trí địa lý cách xa các cảng biển (gần nhất là Nha Trang cũng 200 km) nên khó thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư để hưởng lợi từ Made in Vietnam khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên các FTA mà Việt nam đã ký như các tỉnh/thành khác.  Đắk Lắk có cửa khẩu Đắk Ruê - Chi Miết nhưng hiện nay cửa khẩu Đắk Ruê - Chi Miết vẫn chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trục Quốc lộ 29 từ Phú Yên nối với cửa khẩu chưa được đầu tư.

- Do thuộc địa bàn Tây Nguyên nên tỉnh luôn đặt việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội lên hàng đầu, do đó công tác hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế còn hạn chế.

- Các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Nhận thức và hiểu biết về các FTA rất hạn chế nên ít quan tâm đến cơ hội do các hiệp định FTA mang lại. Điều kiện Đắk Lắk khó mời được các doanh nghiệp dự Hội thảo, đào tạo về HNKTQT, dự hội chợ triển lãm, kết nối giao thương giữa các tỉnh, các doanh nghiệp, tập đoàn ngoài tỉnh gắn kết trong hội nhập kinh tế quốc tế

Ngoài ra, nhận thức về thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực của một số Sở, ngành, địa phương, đặc biệt là của doanh nghiệp chưa thật sự đầy đủ nên công tác thông tin, tuyên truyền về FTA thế hệ mới còn hạn chế, chưa kịp thời. Công tác phối hợp, triển khai thực hiện của Sở, ngành, địa phương về thông tin tuyên truyền về thực thi các FTA đã có hiệu lực đôi lúc nội dung chưa sâu sát với tình hình tại địa phương, chưa kịp thời, thiếu chiều sâu, chưa có hiệu quả cao trong việc phổ biến chính sách, thông tin, nhất là hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc triển khai thực hiện các FTA nhằm tận dụng được các cơ hội cũng như đối phó với các thách thức của việc gia nhập các FTA. Đội ngũ cán bộ tham mưu triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực nhìn chung kinh nghiệm và năng lực còn hạn chế.

2. Phương hướng và giải pháp trong thời gian tới

Để thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam (CPTPP và EVFTA) của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới. Tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai một số nội dung sau:

- Triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về Hội nhập quốc tế, nhất là Hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, VCCI tổ chức các Hội nghị, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức và doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế, về các FTA đã ký kết, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), đặc biệt là cơ hội, thách thức và cách tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh đối với đối tác nước ngoài. 

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối giao thương trong và ngoài nước, cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

- Đẩy mạnh quan hệ hợp tác, ký kết và triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác kinh tế, nhất là hợp tác trong lĩnh vực thương mại của tỉnh Đắk Lắk với các nước tham gia FTA.

- Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến các mặt hàng có tiềm năng thế mạnh của tỉnh, chế biến ra các sản phẩm chất lượng cao từ cà phê, ca cao, cao su, hạt điều, tinh bột sắn… nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài nước mà các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk chưa đủ khả năng sản xuất được.

- Đề nghị Quốc hội, Chính phủ dành nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng giao thông cho tỉnh thay vì để các nhà đầu tư tư nhân đầu tư rồi thu phí BOT làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của các DN tại tỉnh so với các DN tại các tỉnh đồng bằng. Qua đó giảm bớt những bất lợi, góp phần giúp tỉnh có thể thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư chế biến nông sản xuất khẩu.

- Cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng./.