Hội nhập trong nước

Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai

Việc tham gia sâu rộng và đi vào thực chất vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hiện đang là mối quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp. Với hơn 600 triệu dân, AEC trở thành thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp nhưng đi kèm theo đó là những thách thức không hề nhỏ.

*Cơ hội và thách thức

Tham gia AEC, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường với hơn 600 triệu dân nằm trong khối và rộng lớn hơn là những đối tác của ASEAN. Tham gia AEC, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu và việc cắt giảm thuế quan là một thuận lợi giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Theo lộ trình thuế suất trong ASEAN sẽ về từ 0-5%, nếu sản xuất để xuất khẩu thì sẽ không phải chịu thuế suất hoặc thuế suất thấp. Bên cạnh đó, nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế suất, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hạ giá thành và tăng chất lượng của sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. Đặc biệt, khi tham gia vào môi trường AEC sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế và chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh các cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn bởi nguy cơ bị mất thị trường nội địa vào tay các doanh nghiệp ASEAN. Việc cho phép tự do di chuyển lao động có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan đến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt Nam, cùng với sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các quốc gia ASEAN sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với sự di chuyển lao động, việc làm, nhất là lao động giỏi, trình độ chuyên môn cao.

Với việc xóa bỏ thuế quan sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có sức cạnh tranh mạnh hơn nhờ tính kinh tế theo quy mô. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển thị trường “ngách”. AEC cũng tăng cường thuận lợi hóa thương mại và minh bạch thông qua các sáng kiến như: tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế một cửa, công nhận lẫn nhau giúp giảm chi phí thương mại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, AEC cũng mang đến những thách thức không nhỏ trong việc thực thi các cam kết tự do hóa, bao gồm cắt giảm thuế quan, hàng rào phi thuế trong ASEAN và yêu cầu ngày càng cao đối với hàng xuất khẩu.

*Doanh nghiệp cần chủ động

Đối với Đồng Nai, xuất khẩu sang các nước ASEAN đang chiếm tỷ lệ khá cao trongkim ngạch xuất khẩu của tỉnh từ 10 -12% hàng năm. Trong 10 tháng năm 2018, kim ngạch xuất của tỉnh Đồng Nai vào thị trường ASEAN khá lớn, cụ thể: Thái Lan 378 triệu USD, Indonesia 348 triệu USD, Philippines 271 triệu USD, Singapore 228 triệu, Malaysia 194 triệu USD, Campuchia 302 triệu, Myanmar 59 triệu…Mặt hàng xuất khẩu nhiều là: giày dép, dệt may, máy tính, linh kiện điện tử, hầu như rất ít hàng tiêu dùng. Ở thị trường trong nước, nhiều sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất cũng đã có chỗ đứng khá vững chắc như: cà phê hòa tan, bọt ngọt, đường, sữa, bánh kẹo, sản phẩm điện tử…

Để duy trì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ASEAN và hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp trong tỉnh nghiệp cần chủ động liên kết với nhau, tạo ra những cơ hội đầu tư để cùng vượt qua thử thách, gia tăng sức mạnh cạnh tranh. Tham gia AEC, các doanh nghiệp cần phải phát huy tính năng động. Theo đó, cần nắm vững các cam kết trong khuôn khổ AEC để từ đó xây dựng cho mình chiến lược phát triển mang tính “chủ động” như: mở rộng thị trường, phát triển thị trường mới hay “phòng thủ” như: củng cố thị phần, thương hiệu trong ngắn hạn và dài hạn.

Doanh nghiệp luôn nằm ở vị trí trung tâm trong hội nhập ở bất kỳ giai đoạn nào. Tất cả tiến trình hội nhập đều phục vụ cho doanh nghiệp. Việc thuế suất hạ xuống đến 0% cũng vô hiệu nếu doanh nghiệp không tìm hiểu và tận dụng tốt cơ hội. Các doanh nghiệp cần xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Tích cực xây dựng thương hiệu, hình ảnh để trước hết là giữ thị phần trong nước và tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển. Đồng thời, chủ động tiếp cận nguồn thông tin, cập nhật về cam kết các bên, tích cực so sánh, tận dụng các lợi ích của các FTA để tận dụng tốt việc lưu thông hàng hóa từ việc cắt giảm thuế quan.

 AEC sẽ mang lại nhiều cơ hội, lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi quy mô nhỏ và hạn chế về nguồn vốn, kinh nghiệm. Trong đó, thách thức lớn nhất là về hàng hóa và yêu cầu về chất lượng hàng hóa. Sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt khi thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước Asean được xóa bỏ. Như vậy là không chỉ hàng xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, hàng Việt Nam cũng gặp trở ngại. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu.

Các doanh nghiệp phải xác định được thế mạnh của mình để chọn lựa sản phẩm tập trung phát triển. Để tham gia có hiệu quả vào AEC rất cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhau cũng như liên kết với các doanh nghiệp lớn để tạo ra được hệ thống quy trình sản xuất nhằm đạt được các tiêu chuẩn cho xuất khẩu, tạo chuỗi sản xuất lớn để có thể nhận những đơn hàng lớn. Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện vẫn chưa thực sự quan tâm mạnh mẽ đến các FTA Việt Nam đã tham gia để tận dụng cơ hội mà chủ yếu vẫn làm ăn theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” và dựa trên kinh nghiệm, chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu lĩnh vực thị trường, đặc biệt là sự thay đổi lớn của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam./.