Hội nhập trong nước

1. Giới thiệu chung về Bình Định

Bình Định là một trong 5 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong việc giao lưu với các quốc gia ở khu vực và quốc tế; nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc - Nam Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua Quốc lộ 19, cảng biển quốc tế Quy Nhơn và sân bay Phù Cát. Bên cạnh đó, Bình Định còn có nguồn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú và nguồn nhân lực khá dồi dào. Với dân số khoảng 1,6 triệu người, có lực lượng lao động dồi dào chiếm 53% dân số, lao động đã qua đào tạo tay nghề chiếm 25%/tổng lao động của tỉnh. Đây là những điều kiện thuận lợi liên doanh, liên kết, thu hút đầu tư sản xuất, giao lưu hàng hóa khu vực và quốc tế.

Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu ngành gỗ của tỉnh đạt 373 triệu USD, chiếm gần 50% so tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị KNXK ngành gỗ đạt 280 triệu USD, chiếm 48% tổng KNXK toàn tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 112 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ các loại; thị trường xuất khẩu được mở rộng lên đến 63 quốc gia và vùng lãnh thổ.

2. Mục tiêu phát triển

Trong thời gian tới, Bình Định hướng đến phát triển ngành chế biến gỗ bền vững với thương hiệu “đồ gỗ Bình Định”, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ, thân thiện môi trường, thỏa mãn các nhu cầu và yêu cầu của khách hàng, đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất “đồ gỗ nội thất”.

Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Bình Định phấn đấu đạt 475 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 nhóm hàng này đạt trên 2 tỷ USD, tốc độ tăng trường bình quân đạt trên 8%/năm.

2.1. Khó khăn, thách thức

  • Môi trường kinh doanh phải tiếp tục được tự do hóa ở trình độ cao;
  • Yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ;
  • Cạnh tranh diễn ra quyết liệt trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia;
  • Yếu kém về trình độ phát triển, về năng suất lao động thấp, về công nghệ mới được ứng dụng với tỷ lệ thấp, chi phí sản xuất tăng;
  • Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tiềm ẩn rủi ro về tính hợp pháp;
  • Chuyển dịch sản xuất, mức độ đáp ứng, tuân thủ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính liên kết giữa các DN;
  • DN yếu kém có khả năng rơi vào tình trạng khó khăn, phá sản.

2.2. Giải pháp phát triển

Thứ nhất, Cơ quan quản lý thực hiện (1) Đề án cơ cấu lại ngành Gỗ Bình Định, tập trung phát triển sản phẩm gỗ nội thất tỉnh Bình Định đến năm 2020; (2) Chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ nội thất; (3) Chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ; (4) Đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ để thu hút nhà đầu tư; (5) phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng cây gỗ lớn; (6) Mở rộng chợ đầu mối nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến… từng bước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành chế biến gỗ Bình Định.

Thứ hai, Về thị trường xuất khẩu, tập trung các thị trường tiềm năng với nội dung: (1) Tuân thủ và thực hiện tốt đạo luật/ quy định với các chính sách, giải pháp lâu dài, kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gỗ xuất khẩu, đây cũng là mong muốn, và là chiến lược phát triển của các DN đồ gỗ Bình Định; (2) đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại xuất khẩu để tăng thị phần; (3) tăng cường hợp tác với các quốc tế để quảng bá thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”.

Thứ ba, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định chủ động liên kết với các Hiệp hội cùng ngành hàng; tăng cường hợp tác phát triển ngành gỗ với các tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ), Giz (Đức)… nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gỗ Bình Định trong chuỗi sản phẩm gỗ toàn cầu; thực hiện trách nhiệm giải trình cấp Hiệp hội về đảm bảo gỗ hợp pháp.

Với những hành động cụ thể nêu trên, tin tưởng rằng, các DN các nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về cơ hội mở cửa và tiếp cận thị trường đồ gỗ; đồng thời, Bình Định sẵn sàng đón nhận hợp tác đầu tư chế biến gỗ nội thất, góp phần gia tăng kim ngạch XNK, đẩy mạnh giao thương trong những năm tiếp theo.

3. Khuyến nghị

3.1. Đối với DN

  • Thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
  • Chủ động tìm hiểu về các thỏa thuận, nhất là thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của DN mình, các ưu đãi thuế quan đối với mặt hàng của DN đang kinh doanh khi xuất vào thị trường đó.
  • Nghiên cứu xem có lĩnh vực mới nào DN mình có thể tận dụng để đầu tư và khởi nghiệp.
  • Tuân theo các thỏa thuận về quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa nguồn gốc, nguồn nguyên liệu nhập khẩu, liên quan đến lao động trẻ em, lao động cưỡng bức...
  • Cần phải đào tạo lại lao động để có kỹ năng đáp ứng yêu cầu hoạt động.
  • Mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, năng lực quản trị, năng suất, tay nghề lao động.
  • Điều chỉnh hay tái cơ cấu DN, tập trung vào những thị trường chủ yếu, đối tác chủ yếu, thị trường trong nước hay tham gia chuỗi giá trị, xuất khẩu.

3.2. Đối với địa phương

  • Hoàn thiện hệ thống pháp luật, môi trường kinh doanh.
  • Thu hút mạnh mẽ FDI nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, tạo cơ hội tốt để các DN tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; chỉ có thiết lập được CHUỖI mới đảm bảo sự an toàn trong phát triển. 
  • Rà soát các sản phẩm, lựa chọn sản phẩm chủ lực, phù hợp, tập trung đầu tư phát triển.
  • Nhận biết được các xu hướng, tác động của FTA đến địa phương và DN, hỗ trợ các doanh nghiệp khi tham gia FTA.
  • Định hướng giúp DN chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phù hợp với môi trường kinh doanh đang biến đổi, nâng cao năng lực dự báo cung cầu và giá cả.
  • Hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại cho DN.
  • Đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ .
  • Phát triển các loại hình dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.
  • Phát triển vùng nguyên liệu, có chính sách hỗ trợ xây dựng chương trình liên kết giữa DN và nông dân, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu./.

Sở Công Thương tỉnh Bình Định