Hội nhập trong nước

Sau hơn 10 năm gia nhập WTO, hiện nay Việt Nam đang tham gia một loạt các FTA thế hệ mới. Những FTA này đang đặt Việt Nam trước một sân chơi kinh tế mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, tháo dỡ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia với nhau.

EVFTA là FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với CPTPP (hay TPP11), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam chủ động tham gia là rất lớn. Tận dụng được các cơ hội từ việc hội nhập này, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ vươn lên một tầm cao mới.

Việc ký kết và thực thi các FTA đã có những tác động đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp và đến người dân. Các FTA đã góp phần quan trọng giúp môi trường kinh doanh thông thoáng, hoạt động sản xuất, xuất khẩu có lợi thế hơn do ưu đãi thuế quan theo các FTA. Quan trọng hơn, từ việc tham gia các FTA mới, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ quá trình hội nhập, tiếp tục thu hút đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu nhờ việc tham gia vào các FTA mới, đây chính là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy cải cách trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh theo những tiêu chuẩn mới của thế giới. Lý do là, các FTA thế hệ mới này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc chặt chẽ. Từ yêu cầu này, môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sẽ minh bạch hơn,…Bên cạnh đó, các FTA còn giúp hàng hóa xuất khẩu thâm nhập được nhiều thị trường, tăng tính cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào một số ít thị trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực. Thời gian qua, các ngành, các cấp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã tích cực, chủ động tận dụng những cơ hội từ các FTA mang lại, đã đạt được những thành quả nhất định, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá cao, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tăng 17,08% so với năm 2016, cơ cấu thị trường xuất khẩu có hướng dịch chuyển tích cực. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ lần lượt là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm đến 71,34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu), thay thế dần và hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (ngoại trừ các mặt hàng nông sản).Bên cạnh những mặt đạt được, hiện nay các doanh nghiệp Bến Tre cũng như cả nước vẫn còn nhiều thách thức như: việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất phát triển chưa tương xứng với yêu cầu, sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ yếu là nông sản thô, chưa qua chế biến, giá trị gia tăng thấp, chất lượng đội ngũ lao động, lao động có tay nghề, trình độ ngoại ngữ, năng suất lao động chưa cao,…

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của tỉnh Bến Tre năm 2017

                     ĐVT: triệu USD

Thị trường

Xuất khẩu

Nhập khẩu

EU

88,438

24,123

Hàn Quốc

141,339

127,465

Mỹ

136,236

4,392

Nhật Bản

233,667

147,692

Trung Quốc

47,075

28,778

Khác

191,523

95,084

Tổng

838,278

427,534

Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, 2017

Các FTA cũng giúp thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư FDI, đặc biệt các nhà đầu tư châu Á. Thống kê từ Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh (2017) cho thấy, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp chủ yếu là các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan.

Về nhập khẩu cho thấy tỉnh cũng chủ yếu nhập khẩu từ các nước Châu Á như Nhật Bản (chiếm 34,55%) và Hàn Quốc (29,81%), Mỹ, EU và Trung Quốc 6%.

Các FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng, toàn diện hơn sẽ tác động đáng kể đến thị trường của các doanh nghiệp, môi trường kinh doanh và hệ thống chính sách, pháp luật liên quan của Việt Nam, sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Có thể thấy cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong thực thi các FTA thế hệ mới. Cụ thể như sau:

Cơ hội

Tham gia FTA thế hệ mới, doanh nghiệp có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khấu thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại. Nhờ đó doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, các sản phẩm của doanh nghiệp trở nên đa dạng hơn về chủng loại và chất lượng; cũng là cơ hội để nhập khẩu nguyên liệu phụ liệu đầu vào rẻ hơn, có chất lượng hơn từ các quốc gia.

Có thể thấy, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa khi tham gia các FTA thế hệ mới là rất lớn bởi theo lộ trình cam kết thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ dần được cắt giảm và xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại nhiều thị trường lớn, nhất là FTA với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), với EU (EVFTA) và  hiệp định CPTPP.

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội được đề cập ở trên, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tỉnh Bến Tre nói riêng cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi nước ta gia nhập các FTA thế hệ mới.

Khó khăn lớn nhất hiện nay mà các doanh nghiệp đang gặp phải là năng lực cạnh tranh thấp kém, chưa đủ mạnh, trong khi phải đối đầu với các đối thủ mạnh trên thế giới; nếu không tích cực điều chỉnh và thích nghi sẽ dễ bị đào thải khỏi thị trường. Vì vậy, khi hàng rào thuế quan không còn thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Thực trạng các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta đại đa số hàm lượng sản phẩm giá trị gia tăng trong nước còn rất thấp. Nói cách khác các doanh nghiệp còn ở khâu giá trị thấp và dễ bị thay thế, không bền vững. Điều đó khiến các doanh nghiệp dễ thua trên sân nhà hoặc có cơ hội mà không tận dụng được.

Ngoài những ảnh hưởng chung từ nền kinh tế,các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chịu những ảnh hưởng mang tính đặc thù:

Một là, việc vượt qua các hàng rào phi thuế quan thực sự là thách thức lớn. Nguồn lực đầu tư, đổi mới kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế, những yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh kiểm dịch, đóng gói, bao bì, khả năng truy soát nguồn gốc, các tiêu chuẩn liên quan đến sức khỏe và đời sống con người của các nước khối EU, Nhật, Mỹ... khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để thâm nhập thị trường.

Hai là, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chưa thực sự mạnh, nguy cơ mất thị trường nội địa là khá lớn. Khi Việt Nam ký kết các FTA, nếu không tận dụng tốt, các doanh nghiệp không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài mà ngay cả thị trường nội địa cũng khó để giữ vững.

Ba là, thị trường tiêu thụ trong nước đang chào đón hàng hóa nhập khẩu chất lượng cao, có thương hiệu và giá cả cạnh tranh hơn từ các nước đối tác FTA và đây cũng chính là một thách thức khác đối với các nhà sản xuất trong nước. Hàng hóa của chúng ta chưa có nhiều thương hiệu hấp dẫn khách hàng nội địa và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các khu vực thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản,…

Thêm nữa, khả năng tài chính và quản lý tài chính của các DNNVV còn hạn chế. Hầu hết các DNVVN có nguồn vốn chủ sở hữu còn khá nhỏ so với mức trung bình quốc tế. Trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay trong nước của đối tượng này còn nhiều khó khăn, chủ yếu do không có tài sản đảm bảo cũng như tình hình tài chính và hồ sơ tài chính chưa thực sự minh bạch. Khi hội nhập sâu rộng với quốc tế, nguồn vốn hạn chế và năng lực tài chính yếu sẽ lấy mất những cơ hội cũng như hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường của DNVVN.

Sau cùng, đó là nhận thức cũng như mối quan tâm về FTA của các DNVVN chưa thực sự sâu sắc. Việc bị động khi hội nhập thị trường quốc tế sẽ khiến các DNVVN nước ta mất đi cơ hội kinh doanh cũng như không trở tay kịp trước những chiến lược kinh doanh bài bản của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Thể hiện rõ nhất trong nông nghiệp, giảm thuế quan khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn, hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Như vậy, các FTA thế hệ mới mở ra con đường cho Việt Nam, nhưng vấn đề là kinh tế việt Nam được chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường này đảm bảo an toàn và tới đích. Trong đó, có những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế và tiếp cận thị trường.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thực chất là chấp nhận thực hiện và tham gia kiến tạo các “luật chơi” quốc tế. Hội nhập quốc tế sâu rộng làm thay đổi sâu sắc các mối quan hệ sản xuất - kinh tế, đòi hỏi phải điều chỉnh về thể chế kinh tế trong nước để tương thích với các luật chơi mới. Cải cách thể chế kinh tế ở trong nước trước hết là để phù hợp với các cam kết đã ký, nhưng quan trọng hơn là để khai thác tốt nhất các lợi ích của hội nhập quốc tế phục vụ phát triển đất nước.

Cải cách thể chế kinh tế trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế không đơn giản là điều chỉnh quy định, pháp luật phù hợp với cam kết hội nhập, mà quan trọng hơn đó là một tiến trình cải cách đồng bộ các thể chế kinh tế nhằm khai thác tốt nhất các lợi ích của hội nhập quốc tế. Cụ thể hơn, tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp và các cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề về các FTA đã ký kết và hiện đang đàm phán để các cán bộ quản lý và doanh nghiệp tiếp cận và hiểu rõ hơn những tác động của FTA và có kế hoạch thực hiện./.

Sở Công Thương tỉnh Bến Tre