Nghiên cứu "Cơ chế hỗ trợ Doanh nghiệp Khởi nghiệp Sáng tạo: Kinh nghiệm quốc tế - Đề xuất giải pháp cho Việt Nam"
Thời gian: 11/2017
Đơn vị thực hiện: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 (sau đây gọi tắt là Luật SME), chính thức đặt nền móng pháp lý cho hệ thống pháp luật về hỗ trợ nhóm doanh nghiệp chiếm vị trí đặc biệt trong nền kinh tế Việt Nam này. Tuy nhiên, Luật SME mới chỉ định ra các khung khổ pháp lý cho các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với những nguyên tắc cơ bản chung mang tính định hướng cho các hoạt động này. Các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật này được chờ đợi sẽ quy định các điều kiện, quy trình, cơ chế chi tiết để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, để các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật SME thực sự có hiệu quả trên thực tế, việc thiết kế các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ hướng dẫn Luật này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo dự kiến, để bảo đảm thời hạn có hiệu lực của Luật SME (ngày 1/1/2018), các Nghị định hướng dẫn Luật này sẽ phải được ban hành trước thời điểm này để có thể có hiệu lực cùng thời điểm với Luật SME. Các Thông tư hướng dẫn các Nghị định, nếu có, sẽ được ban hành càng sớm càng tốt. Hiện tại, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo 04 Nghị định hướng dẫn Luật SMEs.
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) là một trong 03 nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc thù trong Luật SME (bên cạnh nhóm doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh và nhóm doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị). Với vai trò là các doanh nghiệp có thể tạo ra động lực cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế trong kỷ nguyên kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, startup xứng đáng là nhóm nhận được sự quan tâm và các biện pháp hỗ trợ phát triển từ phía Nhà nước cũng như xã hội. Cũng vì vai trò rất có ý nghĩa này của startup mà các biện pháp hỗ trợ nhóm này được kỳ vọng phải được thiết kế theo hướng khả thi nhất, đáp ứng tốt nhất và hiệu quả nhất các nhu cầu của startup, từ đó thúc đẩy việc hình thành và phát triển một thế hệ startup Việt Nam mới, góp phần quan trọng vào sự thay đổi diện mạo nền kinh tế trong tương lai gần.
Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đánh giá hiện trạng và dự kiến chính sách đối với startup Việt, lựa chọn và phân tích kinh nghiệm hỗ trợ startup của các Chính phủ nước ngoài, từ đó đề xuất mô hình, cơ chế hỗ trợ từ góc độ Nhà nước cho các startup, trước hết là cho các Nghị định hướng dẫn Luật SME về startup và sau đó là các văn bản pháp luật, chính sách liên quan (các Thông tư, Nghị quyết, Quyết định, Đề án… của các cấp có thẩm quyền) liên quan tới nhóm doanh nghiệp đặc biệt này.
Với mục tiêu này, nghiên cứu chỉ tập trung vào khía cạnh biện pháp hỗ trợ từ góc độ Nhà nước đối với các startup (thông qua các quy định pháp luật tại các Nghị định, văn bản pháp luật khác đang hoặc sẽ soạn thảo). Nghiên cứu không bao gồm các phân tích hay giải pháp để hỗ trợ hay phát triển startup từ các tổ chức, cá nhân khác, cũng không bao gồm các giải pháp khuyến nghị đối với chính các startup. Nghiên cứu cũng không giới hạn ở các biện pháp mà Luật SME đặt ra mà có xem xét cả các công cụ, biện pháp hỗ trợ khác hữu ích khác mà Nhà nước có thể cân nhắc thực hiện.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Nhóm Nghiên cứu thuộc Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của Viện FNF – Đức, hoàn thành tháng 11/2017.
Vui lòng tải tài liệu đính kèm tại đây