LIÊN KẾT WEBSITE

Việt Nam - EU

Trong nhiều thập kỷ qua, toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại là xu thế chủ đạo và được coi là động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới.Tuy nhiên, làn sóng bảo hộ thương mại nổi lên khá mạnh trong thời gian gần đây đã gây ra xung đột thương mại, tác động tiêu cực đến việc luân chuyển các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đối với Việt Nam, xu hướng mới về hội nhập quốc tế cũng như sự điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước lớn sẽ tác động cả tích cực lẫn tiêu cực nhưng tác động tích cực chủ yếu ở dạng cơ hội, tác động tiêu cực là chủ yếu, trong đó: hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị giảm sút; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ bị suy giảm thậm chí chảy ra ngoài Việt Nam; dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ sụt giảm mạnh và thị trường tài chính sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn; tăng trưởng kinh tế sẽ bị suy giảm trong trung và dài hạn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có đối sách, giải pháp kịp thời đồng bộ về chính sách kinh tế, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động nhanh, liên tục, khó dự báo của kinh tế thế giới cũng như trước sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn.

  1. Đặt vấn đề

Trong nhiều thập kỷ qua, thương mại toàn cầu dựa trên lý thuyết về lợi thế so sánh, theo đó, các quốc gia thường chỉ làm ra những mặt hàng mà mình có lợi thế so sánh cao nhất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Về bản chất, đó là sự phân công lao động trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.Tự do hóa thương mại, thúc đẩy tự do lưu thông các dòng di chuyển hàng hóa và các nguồn lực phát triển giữa các nền kinh tế trên thế giới đã trở thành xu hướng chủ đạo trong quan hệ kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt là từ đầu năm 2017 đến nay. Các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn đều đã, đang và sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh chính sách. Mặc dù quá trình này chưa thể hiện xu hướng rõ rệt nhưng đã xuất hiện và đang tiềm ẩn những nhân tố mới tác động đến hội nhập kinh tế thế giới nói chung.

Bài viết này khái quát những nhân tố mới tác động đến hội nhập kinh tế quốc tế, định hình nên xu hướng mới về hội nhập kinh tế quốc tế và đặt ra những vấn đề cần lưu ý đối với Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị.

  1. Những nhân tố mới tác động đến hội nhập kinh tế quốc tế

2.1. Các nước lớn đều nhận thấy khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang có vai trò và vị trí kinh tế và chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới, không ngừng gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

2.2. Kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực nhưng tiềm ần nhiều rủi ro

Kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực nhờ các động lực chủ yếu như đầu tư, sản xuất và thương mại tiếp tục phát triển sau nhiều năm thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh,… ở một số quốc gia, thể hiện ở xu hướng tăng của các chỉ số về sản xuất, chỉ số niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng. Tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng từ năm 2017, trong năm 2018, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực. Theo WB (tháng 6/2018), dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,1% trong năm 2018 và giảm xuống còn 3,0% trong năm 2019. Trong đó, tại các nước phát triển, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ đạt 2,2% trong năm 2018 và 2,0% trong năm 2019; tại các nước mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng kinh tế đạt 4,5% năm 2018 và tăng lên mức 4,7% trong năm 2019. Cao hơn dự báo của WB, IMF (tháng 04/2018) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,9% trong năm 2018. Trong đó, tại các nước phát triển, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ đạt 2,5% trong năm 2018; tại các nước mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng kinh tế đạt 4,9% năm 2018; khu vực ASEAN-5, dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 5,3% năm 2018.

Tuy nhiên, một số rủi ro còn tiềm ẩn như: giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, chất đốt… tăng cao đang gây áp lực lên lạm phát tại nhiều quốc gia. Hoạt động thương mại toàn cầu duy trì đà tăng trưởng nhưng đối mặt nhiều khó khăn do căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và các đối tác lớn khác như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản. Xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới.

2.3. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ

Việc áp dụng các công nghệ trên phạm vi toàn cầu có thể làm tăng đáng kể sự kết nối của chuỗi giá trị toàn cầu và mở ra các mô hình kinh doanh mới. Hơn nữa, kết hợp công nghệ mới với kỹ năng của con người có thể tăng năng suất và giảm tỷ lệ lỗi, đồng thời tạo ra các loại công việc mới và tăng nhu cầu về lao động kỹ năng cao hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có thể tạo ra danh mục sản phẩm hoàn toàn mới vì công nghệ làm tăng sự linh hoạt và cho phép tùy biến.

Tuy nhiên, không có cơ hội nào xuất hiện mà không có rủi ro, và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là ngoại lệ. Các mô hình kinh doanh mới có thể nhanh chóng thay đổi tính hấp dẫn của các địa điểm sản xuất, dẫn đến một hoạt động sản xuất toàn cầu tập trung ở một số ít các quốc gia và công ty và hoạt động sản xuất giảm đáng kể. Toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm gia tăng bất bình đẳng và bất ổn xã hội. Tự động hóa đã dẫn đến mất việc, còn công nghệ có thể dẫn đến sự thay thế chứ không phải là sự bổ sung cho năng suất của con người. Việc áp dụng rộng rãi công nghệ mới vào các môi trường sản xuất có mức độ cao có thể có những tác động tiêu cực nếu có sự cố hệ thống, như trí thông minh nhân tạo gây ra những sai sót liên quan đến tăng chi phí sản xuất. Những rủi ro này cần được dự đoán, theo dõi và có biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Một trong những đặc điểm của cách mạng công nghiệp 4.0 là tính không chắc chắn. Người ta không thể xác định hay dự đoán chính xác được ngành nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, tỷ trọng sản xuất theo công nghệ truyền thống so với sản xuất theo công nghệ tiên tiến sẽ thay đổi nhanh đến mức nào và như thế nào? Mặc dù về cơ bản cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhận định sẽ làm thay đổi hệ thống sản xuất, tuy nhiên ở giai đoạn hiện tại, tác động của cuộc cách mạng chưa được nhận diện một cách đầy đủ.

2.4. Các nước lớn điều chỉnh chính sách kinh tế

Chính sách “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump: Ngay từ khi tranh cử Tổng thống năm 2016, Ông Donald Trump luôn nêu ra khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên, lợi ích nước Mỹ trên hết”. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Donald Trump thực hiện các chính sách để thực hiện cam kết trong quá trình tranh cử. Ngày 23/1/2017, chỉ sau 3 ngày nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và 11 nước trong khu vực đã ký. Tiếp sau đó, ngày 17/5/2017, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức gửi thông báo tới Quốc hội nước này về kế hoạch đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký kết với Canada và Mexico. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương đàm phán và thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương thay vì đa phương nhằm phát huy lợi thế của Mỹ và gia tăng lợi ích của Mỹ trong thương mại quốc tế; thúc đẩy xu hướng gia tăng bảo hộ và sẵn sàng tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng mà Mỹ có lợi thế để bảo vệ sản xuất trong nước.

Mỹ thực hiện cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử: Ngày 20/12/2017, Luật cải cách thuế lớn nhất trong trong 30 năm qua đã được Hạ viện Mỹ thông qua, theo đó, mức thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 35% xuống còn 21%, đưa Mỹ từ một trong những quốc gia có mức thuế doanh nghiệp cao nhất trên toàn cầu gia nhập danh sách các nước có mức thuế thấp; giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người có thu nhập trên 500.000 USD từ 39,6% xuống còn 37%.Kế hoạch cải cách thuế lần này được Tổng thống Donald Trump coi là “cuộc cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử Mỹ” và là “đợt giảm thuế lịch sử đối với người Mỹ”. Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ cho rằng kế hoạch cải cách thuế này sẽ giúp nước Mỹ trở nên cạnh tranh hơn, giữ lại việc làm trong nước và hỗ trợ tầng lớp trung lưu. Trung tâm Chính sách Thuế (Tax Policy Center – TPC) của Mỹ cho rằng kế hoạch cải cách thuế này sẽ làm giảm thu (từ thuế) của chính phủ liên bang khoảng 2.400 tỷ USD trong thập kỷ tới[1], khiến cho thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới. Nhiều chuyên gia quan ngại rằng Kế hoạch cải cách thuế của Mỹ sẽ tạo ra cuộc chạy đua giảm thuế suất giữa các quốc gia. Các quốc gia như Úc, Pháp, Đức và Nhật Bản - tất cả đều có thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất là 30% - nay sẽ chịu áp lực phải chạy theo cuộc đua giảm thuế để giành lại lợi thế cạnh tranh[2].

Cục dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất: Sau 7 năm duy trì một mức lãi suất gần như bằng 0% để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, ngày 17/12/2015, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Tính đến thời điểm hiện nay (tháng 10/2018), tổng cộng FED đã 8 lần tăng lãi suất cơ bản, mỗi lần tăng 0,25

Tổng hợp các lần điều chỉnh lãi đồng USD

  • Năm 2015 tăng 1 lần vào ngày 17/12/2-015, từ 0,25% lên 0,5%.
  • Năm 2016 tăng 1 lần vào ngày 15/12/2016, từ 0,5% lên 0,75%.
  • Năm 2017 tăng 3 lần, vào ngày 15/3/2017, ngày 15/6/2017 và ngày 13/12/2017, mỗi lẫn 0,25%, từ 0,75% (2016) lên 1,75% (2017).
  • Năm 2018 đã tăng 3 lần, vào ngày 22/3/2018, ngày 14/6/2018, ngày 26/9/2018 mỗi lần 0,25%. Mức lãi suất tại thời điểm hiện nay là 2,5% (9/2018).

Dự kiến, FED sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất tiếp theo vào tháng 12 năm 2018, 3 đợt nâng trong năm 2019 và một đợt nâng nữa trong năm 2020[3]. Việc Mỹ tăng lãi suất đã phát đi thông điệp nền kinh tế Mỹ đã phục hồi và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Trung Quốc triển khai chiến lược OBOR: Ý tưởng về “Một vành đai kinh tế – Con đường tơ lụa mới” (OBOR), được công bố vào tháng 10/2013, có nội dung chủ yếu là hình thành tuyến đường sắt kết nối nhiều thành phố ở miền Tây Trung Quốc tới châu Âu qua các nước khu vực Trung Á, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Balkan trên khắp lục địa Á- Âu với tổng chiều dài lên đến 11.000 km..

  1. Xu hướng mới về hội nhập kinh tế quốc tế

3.1. Xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại

Bảo hộ thương mại là thuật ngữ kinh tế học, theo đó quốc gia áp đặt thuế nhập khẩu cao hoặc áp dụng các hàng rào kỹ thuật (yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ...) đối với một hoặc một số mặt hàng (hay dịch vụ) mà mình có lợi thế để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa (hay dịch vụ) của mình. Mục đích của các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ là kích thích nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa nội địa, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước đó, đồng thời tránh được thâm hụt thương mại với các đối tác trong quan hệ trao đổi thương mại giữa hai bên.

Có thể thấy rằng, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại tuy là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng do sự bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các quốc gia; giữa các khu vực, tầng lớp, thành phần xã hội trong mỗi quốc gia đã dẫn đến xu hướng chống toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, thương mại thế giới đã xuất hiện thêm các hình thức thương mại hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, “xóa nhòa biên giới quốc gia”, làm giảm vai trò của các lợi thế so sánh trước đây. Vì vậy, một số quốc gia thúc đẩy các doanh nghiệp dịch chuyển trở về nước mình nhằm gia tăng lợi ích của quốc gia mình.[4] Nhiều chính phủ tuyên bố ủng hộ tự do hóa thương mại, tôn trọng các nguyên tắc thị trường, phê phán chủ nghĩa bảo hộ nhưng trên thực tế lại hành động ngược lại, kể cả áp dụng biện pháp can thiệp hành chính.[5]

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra khi Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao đã chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 06/7/2018 giờ Mỹ (11 giờ 01 phút giờ Hà Nội). Trung Quốc, ngoài việc khởi kiện lên WTO cũng đã đáp trả phía Mỹ. Tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế sau 3 vòng là 250 tỷ USD. Tổng giá trị hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế sau ba vòng là 110 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc liên tục hạ giá đồng NDT: Tính đến ngày 03/7/2018, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá 14 phiên liên tục với tổng mức giảm 5,4%. Gần đây nhất, Trung Quốc bán trái phiếu chính phủ Mỹ: giá trị số trái phiếu chính phủ Mỹ do Trung Quốc nắm giữ chỉ còn 1.165 tỷ USD trong tháng 8, giảm so với 1.171 tỷ USD tháng 7/2018.

Bảng 2. Diễn biến chính chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc[6]

Thời gian

Mỹ

Trung Quốc

Ngày 06/7/2018

Mỹ chính thức áp thuế vòng 1 đối với hàng hóa Trung Quốc:

+ Áp thuế suất 25% đối với 818 sản phẩm hàng hóa Trung Quốc, trị giá 34 tỷ USD (chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao).

+ Đồng thời xem xét khả năng áp thuế vòng 2 với mức thuế suất 25% đối với 284 sản phẩm hàng hóa Trung Quốc, trị giá 16 tỷ USD.

Trung Quốc đáp trả:

+ Áp thuế suất 25% đối với 545 mặt hàng xuất xứ từ Mỹ, trị giá 34 tỷ USD (sản phẩm nông nghiệp, ô-tô, thủy sản).

+ Khởi kiện lần 1 ra WTO

 

Ngày 23/8/2018

Mỹ chính thức áp thuế vòng 2 đối với hàng hóa Trung Quốc:

+ Áp thuế suất 25% đối với 279 mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc , trị giá 16 tỷ USD (các loại chất bôi trơn, chất dẻo và polyme, động cơ máy kéo, động cơ điện, toa xe lửa, …).

Trung Quốc đáp trả:

+ Áp thuế suất 25% đối với 333 mặt hàng xuất xứ từ Mỹ, trị giá 16 tỷ USD (than, nhiên liệu, xe buýt, thiết bị y tế).

+ Khởi kiện lần 2 ra WTO.

Ngày 24/9/2018

Mỹ chính thức áp thuế vòng 3 đối với hàng hóa Trung Quốc:

+ Áp thuế suất 10% và sẽ tăng lên 25% từ 01/01/2019 đối với 5.858 mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, trị giá 200 tỷ USD (thủy sản, nông sản, điện tử,…).

Trung Quốc đáp trả:

+ Áp thuế suất 5% - 10% đối với5.207 sản phẩm, trị giá 60 tỷ USD (khí hóa lỏng và một số loại máy bay.

+ Công bố Sách trắng về xung đột thương mại với Mỹ.

 

Tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế sau 3 vòng là 250 tỷ USD.

Tổng giá trị hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế sau 3 vòng là 110 tỷ USD.

 

Hiện không ai có thể đoán chắc cuộc xung đột thương mại này sẽ kéo dài bao lâu, cũng như mức độ tác động của nó. Ngoài xung đột thương mại chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc, quan hệ thương mại giữa Mỹ với các nước khác cũng khá căng thẳng. Dự báo, xu hướng bảo hộ thương mại trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu cũng như đe dọa đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới và thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa.

3.2. Xu hướng chống bảo hộ thương mại

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước thành viên ký kết chính thức tại Santiago, Chile ngày 8/3 (rạng sáng ngày 9/3 theo giờ Việt Nam) là một thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, đang trở thành rào cản đối với tăng trưởng thương mại toàn cầu. Các nền kinh tế tham gia CPTPP gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Niu Dilan, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi có ít nhất 6 quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn.[7] Sau khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Hiện nay, một số nền kinh tế như Colombia, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc cũng đang xem xét tham gia thỏa thuận này[8]

3.3. Xu hướng hợp tác song phương thay thế hợp tác đa phương

Sự ra đời của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), ký năm 1947 – tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là một hiệp định thương mại đa phương giữa các thực thể kinh tế độc lập hướng tới mở rộng thương mại quốc tế. Từ năm 1995, GATT trở thành WTO theo các điều lệ mới. Có thể thấy rằng GATT/WTO là một trong những thiết chế trụ cột (Liên Hiệp Quốc, IMF, WB) trong trật tự thế giới hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay..

Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây cho thấy sau gần 3 thập kỷ, vị thế của WTO đang bị suy giảm. Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump thúc đẩy thoả thuận thương mại song phương thay vì đa phương; ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên bố đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thúc đẩy đàm phán thương mại song phương với nhiều nước. Hiệp định USMCA giữa Mỹ, Mexico và Canada ký ngày 30/9/2018 thay thế NAFTA cho thấy rõ xu hướng thúc đẩy thỏa thuận song phương.

  1. Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Chủ nghĩa bảo hộ có tác động tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu. Các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương tới tất cả thành phần xã hội, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn. Các biện pháp này không chỉ khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ và sự lựa chọn bị hạn chế, mà còn ngăn cản thương mại đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy năng suất và phân bổ các công nghệ mới.

Đối với Việt Nam, xuất khẩu là động lực đối với tăng trưởng kinh tế trong khi đó nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung các nhu cầu thiết yếu trong nước và nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu[9]. Trong năm 2017,  kim ngach xuất khẩu của Việt Nam là 215 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 213 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu đã chiếm khoảng 184% GDP của Việt Nam. Độ mở của nền kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng phát triển khi 7 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu tăng 15,3% và nhập khẩu tăng 10,2%. Do đó, xu hướng mới về hội nhập quốc tế cũng như sự điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước lớn sẽ tác động cả tích cực lẫn tiêu cực nhưng tác động tích cực chủ yếu ở dạng cơ hội, tác động tiêu cực là chủ yếu, trong đó:

Thứ nhất, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị giảm sút: với chính sách hướng về nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, khả năng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mở rộng ra toàn thế giới. Trong khi đó hiện Mỹ nhập siêu hơn 32 tỷ USD từ Việt Nam năm 2017, đứng thứ 5 trong các đối tác nhập khẩu của Mỹ[10]. Do đó, Việt Nam có thể bị đưa vào dạng các nước theo dõi và có các chính sách thuế quan, phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong trường hợp nếu có các xung đột leo thang và xẩy ra tranh chấp thương mại dẫn tới việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp thuế quan đối với Việt Nam, thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn. Quy mô xuất khẩu sang Mỹ là hơn 40 tỷ USD mỗi năm, chiếm tỷ trọng gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ bị suy giảm thậm chí chảy ra ngoài Việt Nam. Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2018, vốn FDI thực hiện vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, ước đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017, là mức kỷ lục 10 năm qua. Tuy nhiên, việc Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ quay về đầu tư trong nước thông qua việc giảm thuế suất thuế TNDN có thể sẽ thúc đẩy các tập đoàn lớn rút vốn khỏi Việt Nam hoặc xem xét lại kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, do đó sẽ tác động đến khả năng tiếp cận vốn, công nghệ hiện đại của Việt Nam.

Thứ ba, dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ sụt giảm mạnh và thị trường tài chính sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn: Bảo hộ thương mại, sự gia tăng về quy mô và mức độ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong thời gian rất ngắn, từ 06/7/2018 đến 27/7/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng trên cả hai sở giao dịch chứng khoán với tổng giá trị gần 1.669 tỷ đồng. Tỷ giá VND/USD liên tục tăng, đặc biệt là trong tháng 7 và tháng 8/2018. Tính tới 06/8/2018, tỷ giá trung tâm được giữ ở mức 22.676 VND/USD, tăng 0,17% so với thời điểm 06/7/2018. Tỷ giá bình quân ngân hàng thương mại và tỷ giá trên thị trường tự do đều tăng mạnh so với các tháng trước đó[11]. Mặt khác, xu hướng đồng USD lên giá sẽ gây sức ép dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy khỏi thị trường các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, gây sức ép đến điều hành tỷ giá, dự trữ ngoại hối và nợ công, đặc biệt trong bối cảnh nợ công đang chạm trần và phần lớn các khoản nợ của ta bằng đồng USD. Do đó các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn khỏi những thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam bởi lo ngại về đồng tiền mất giá.

Thứ tư, tăng trưởng kinh tế sẽ bị suy giảm trong trung và dài hạn. Xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và các nền kinh tế lớn cũng như các động thái điều chỉnh lãi suất của FED và diễn biến giá dầu tiềm ẩn những rủi ro đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong đó các nguy cơ về tăng trưởng xuất khẩu là khá rõ ràng, các chỉ số trên thị trường tài chính, chứng khoán cũng cho thấy có dấu hiệu báo trước nền kinh tế trong thời gian tới có những khó khăn không nhỏ, các biến động kinh tế thế giới có những ảnh hưởng tiêu cực tới cả xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.

4. Kết luận và kiến nghị

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế trong quá trình mở cửa và hội nhập với kinh tế thế giới nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, tích cực tham gia mạng lưới các FTA đa tầng nấc. Trong bối cảnh xuất hiện xu hướng mới về hội nhập kinh tế quốc tế cùng với những nhân tố mới biến động khó lường, tác giả khuyến nghị đối sách của Việt Nam như sau:

Một là, cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đó là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, đa phương hóa, tự do hóa thương mại; tăng cường phối hợp, hợp tác với các nền kinh tế để xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu thông qua các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương. Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, chủ động tham gia xây dựng và thực thi các quy tắc, pháp luật quốc tế, xây dựng lòng tin và thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, qua đó xây dựng vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật theo hướng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho đầu tư trong nước và nước ngoài; đảm bảo cho nền kinh tế ít bị tổn thương trước các cú sốc của kinh tế - tài chính thế giới, có khả năng ứng phó với những biến động quốc tế phức tạp, khó lường. Theo đó, cần nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường; bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường; bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường; gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường.

Ba là, điều hành vĩ mô cần chủ động, tích cực, xử lý hài hòa những vấn đề có tính chất tình huống và những vấn đề mang tính chiến lược. Theo đó, công tác điều hành chính sách tài khóa cần tiếp tục thực hiện theo hướng chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính; đẩy mạnh thực hiện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; công tác điều hành chính sách tiền tệ cần tiếp tục theo hướng thận trọng và linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá cần tiếp tục điều hành linh hoạt, bám sát với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Bốn là, tăng cường bảo đảm ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường chứng khoán với nội dung trọng tâm là: tái cơ cấu tổ chức thị trường; tái cấu trúc hàng hóa; tái cơ cấu về cơ sở nhà đầu tư và tái cơ cấu các tổ chức trung gian; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý, giám sát; thúc đẩy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua thị trường; phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường, tiếp tục tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Năm là, đối với xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch và nguy cơ chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, Việt Nam cần có cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt với các đối tác thông qua các kênh ngoại giao, tiếp xúc trực tiếp nhằm chứng minh các cáo buộc là sai trái; chứng minh về giá thành cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo đầy đủ yếu tố thị trường, không phá giá, không gian lận thương mại. Đồng thời, cần rà soát lại các ngành hàng có khả năng cao về nguy cơ áp dụng quy tắc xuất xứ để chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó; tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vi phạm để đảm bảo uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Võ Đại Lược (2017), “Những điều chỉnh lớn trong chính sách kinh tế của các cường quốc những năm gần đây”, Tạp chí Kinh tế và Chính trị thế giới, Số 8 (256), Tháng 8/2017.
  2. Nguyễn Vũ (2017), “Thương mại toàn cầu đang biến đổi: Chuyển đi rồi lại chuyển về”, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Số 46-2017 ngày 16/11/2017.
  3. Bùi Tất Thắng (2017), “Chủ nghĩa bảo hộ và các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Tạp chí Kinh tế và Chính trị thế giới, Số 9 (257), Tháng 9/2017.
  4. NCIF (2018), “Đánh giá tác động của Luật thuế cải cách tại Mỹ tới Việt Nam và một số hàm ý chính sách”, Tháng 8/2018.
  5. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (2018), “Tài chính Việt Nam 2017: Đối diện thách thức, Đổi mới tư duy”, Sách chuyên khảo, NXB Tài chính 2018.
  6. Nguyễn Thị Hải Bình, Hà Thị Đoan Trang, Lưu Ánh Nguyệt (2018), “Thị trường tài chính – tiền tệ chịu ảnh hưởng gì từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”, Tạp chí Tài chính Kỳ 1 – Tháng 8/2018 (686).
  7. Hoàng Anh Tuấn (2018) “Năm cuộc 'đại chiến’ chưa từng thấy của ông Donald Trump”. http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-xoa-ban-co-lam-lai-va-luat-choi-moi-voi-5-buoc-di-483030.html
  8. http://vneconomy.vn/ong-trump-lai-doa-rut-my-khoi-wto-20180831100126369.htm
  9. IMF (10/2017), World Economic Outlook.     
  10. Peter A. Petri and Michael G. Plummer (2012), “The Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific Integration: Policy Implications”.
  11. UN (2018), World Economic Situation and Prospects 2018.
  12. http://www.iris-france.org/wp-content/uploads/2017/06/Asia-Focus-36.pdf.
  13. https://www.reuters.com/article/us-usa-fed/fed-raises-rates-sees-at-least-three-more-years-of-economic-growth-idUSKCN1M60EE?il=0
  14.  Nguồn: http://www.china-briefing.com/news/the-us-china-trade-war-a-timeline/

[1] NCIF (2018), “Đánh giá tác động của Luật thuế cải cách tại Mỹ tới Việt Nam và một số hàm ý chính sách”, Tháng 8/2018.

[2] Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (2018), “Tài chính Việt Nam 2017: Đối diện thách thức, Đổi mới tư duy”, Sách chuyên khảo, NXB Tài chính 2018.

[3] https://www.reuters.com/article/us-usa-fed/fed-raises-rates-sees-at-least-three-more-years-of-economic-growth-idUSKCN1M60EE?il=0

[4] Khẩu hiệu “nước Mỹ trước hết” của Ông Donald Trump thể hiện quan điểm này.

[5] Xem thêm: Võ Đại Lược (2017), “Những điều chỉnh lớn trong chính sách kinh tế của các cường quốc những năm gần đây”, Tạp chí Kinh tế và Chính trị thế giới, Số 8 (256), Tháng 8/2017.

[6] Nguồn: http://www.china-briefing.com/news/the-us-china-trade-war-a-timeline/

[7]Tính đến ngày 30/10/2018, đã có 5 nước phê chuẩn CPTPP gồm: Mexico (24/4/2018), Nhật Bản (29/6/2018), Singapore (19/7/2018), Australia (17/10/2018), Việt Nam sẽ phê chuẩn Hiệp định này trong tháng 11/2018.

[8] Trong buổi họp với các thượng nghị sĩ và thống đốc bang ngày 13/4/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo các cố vấn thương mại xem xét khả năng tái gia nhập Hiệp định này, mặc dù chính Ông Donald Trump đã ký tuyên bố rút khỏi TPP vào đầu tháng 1/2017, vài ngày sau khi nhậm chức Tổng thống. Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ chưa có động thái gì rõ ràng trong việc tham gia CPTPP.

[9] Cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam có tới hơn 90% kim ngạch nhập khẩu dành cho máy móc thiết bị phụ tùng và nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, chỉ khoảng 8-9% là dành cho tiêu dùng.

[10] Hàng năm,  định kỳ 6 tháng/lần, Bộ Tài chính Hoa kỳ ban hành báo cáo về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa kỳ (Macroeconomic and Foreign Exchange Policies of Major Trading Partners of the United States). Thông thường, báo cáo đưa vào đánh giá 12 nước là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa kỳ (chiếm tới hơn 70% tổng giá trị trao đổi thương mại hai chiều). Báo cáo (tháng 4/2018), Hoa Kỳ đã đưa vào diện theo dõi đặc biệt (Monitor List) đối với 06 quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Đức, Ấn Độ và Thụy sĩ. Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ việc Hoa Kỳ có thể mở rộng diện đánh giá. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15, nhập siêu lớn thứ 5 của Hoa kỳ.

[11] Xem thêm: Nguyễn Thị Hải Bình, Hà Thị Đoan Trang, Lưu Ánh Nguyệt (2018), “Thị trường tài chính – tiền tệ chịu ảnh hưởng gì từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”, Tạp chí Tài chính Kỳ 1 – Tháng 8/2018 (686).

TS. Lê Quang Thuận[1]

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính