LIÊN KẾT WEBSITE

VIỆT NAM - EFTA

Theo tiết lộ của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phạm Hải Bằng, sau 9 năm đàm phán, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA có thể sẽ được ký kết trong năm 2019.

Mặc dù không nằm trong top những quốc gia rót vốn đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất, nhưng Thụy Sĩ luôn được xem là một trong những đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Việt Nam do sở hữu những lợi thế lớn với hệ thông tài chính – ngân hàng khổng lồ "giữ tiền cho cả thế giới", ngành hóa dược phẩm cũng rất phát triển…

Thế nên, dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán về hiệp định Tự do thương mại với quốc gia này nhưng Việt Nam chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ cuộc.
Chia sẻ với phóng viên TheLEADER trong buổi gặp gỡ mới đây, ông Phạm Hải Bằng - Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ tiết lộ, năm 2019, có thể Hiệp định thương mại FTA giữa Việt Nam với các nước trong khối EFTA (gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein và Iceland) sẽ được ký kết.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ hiện đang như thế nào thưa Ngài Đại sứ?

Ông Phạm Hải Bằng: Thụy Sĩ là một trong những nước châu Âu đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong 47 năm qua, quan hệ hai nước phát triển rất tốt. Trong 5 năm gần đây, quan hệ giữa 2 nước càng phát triển mạnh mẽ.

Về mặt chính trị, hai bên đã nhiều lần trao đổi các đoàn chính khách cấp cao. Năm 2017, trong lần đến Davos tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt Tổng thống Thụy Sĩ - bà Doris Leuthard; sau đó không lâu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong cuộc viếng thăm Thụy Sĩ cũng đã có cuộc gặp với tất cả các nhà lãnh đạo bộ ngành kinh tế của đất nước này.

Năm nay, Bộ trưởng Hạ tầng cơ sở - Tài nguyên môi trường - An toàn giao thông Thụy Sĩ – bà Doris Leuthard (thôi giữ chức Tổng thống đầu năm 2018) có ký một Hiệp định hàng không với Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và chính hiệp định này đã mở đường cho chuyến bay trực tiếp đầu tiên của Edelweiss đến Việt Nam. 
Sau này, nếu Vietnam Airline cùng các hãng máy bay khác của Việt Nam, nếu đủ điều kiện có thể mở đường bay trực tiếp từ Việt Nam đến Thụy Sĩ.

Về quan hệ thương mại: trong thời gian gần đây, quan hệ thương mại giữa 2 nước phát triển rất nhanh, trung bình tăng từ 8% đến 10%/năm. Năm 2017, thống kê cho thấy, thương mại 2 chiều của hai nước là 1,8 tỷ USD.

Về đầu tư, Thụy Sĩ luôn nằm trong top 5 nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu vào Việt Nam. Tổng số tiền đầu tư trực tiếp của họ vào Việt Nam tính tới thời điểm này trên 2,5 tỷ USD, với 133 dự án khác nhau.

Đáng mừng là, sau một loạt các tập đoàn đa quốc gia - quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ, thì bây giờ, ngay cả các công ty nhỏ và vừa của Thụy Sĩ , cũng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Về viện trợ phát triển: Thụy Sĩ luôn luôn xem Việt Nam là 1 trong 8 đối tác ưu tiên của Thụy Sĩ về viện trợ phát triển. Từ nay đến 2020, Thụy Sĩ dự kiến sẽ viện trợ phát triển cho Việt Nam với số tiền tương đương là 92 triệu USD, chia ra các dự án khác nhau như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cải cách hàng chính.

Bên cạnh hợp tác thương mại và đầu tư, thì hợp tác về giáo dục đào tạo của hai nước cũng phát triển rất tốt. Hàng năm, trung bình có khoảng hơn 100 sinh viên Việt Nam đến Thụy Sĩ để học hệ cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ hoặc tiến sỹ. Về du lịch: năm 2017, có gần 30.000 du khách Thụy Sĩ đã ghé thăm Việt Nam.

Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều ngân hàng lớn của Thụy Sĩ như Credit Suisse và UBS đang tìm hiểu các cơ hội kinh doanh và làm ăn ở Việt Nam. Điều này sẽ tạo những bước tiến mới trong quan hệ tài chính ngân hàng và dịch vụ giữa hai nước.

Đất nước Thụy Sĩ tuy không giàu về tài nguyên nhưng luôn có thu nhập đầu người rất cao, đứng đầu về chỉ số sáng tạo cũng như chỉ số cạnh tranh.

Ông có thể nói rõ hơn về tình hình đầu tư của Thụy Sĩ vào Việt Nam và ngược lại?

Ông Phạm Hải Bằng: Về các công ty lớn của Thụy Sĩ đã đầu tư vào Việt Nam, trong lĩnh vực xây dựng có Xika, trước đó là Holcim; trong lĩnh vực nông nghiệp có Nestlé và các tập đoàn khác…

Đầu tư của Thụy Sĩ vào Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và chế tạo, còn trong lĩnh vực nông nghiệp thì có các dự án về chế biến sản phẩm nông nghiệp như cà phê, hàng năm, Nestlé mua trên 15% lượng cà phê của Việt Nam.

Trong tất cả, có thể xem Nestlé và ABB là 2 công ty đầu tư nhiều tiền nhất vào Việt Nam. Nestlé đến Việt Nam từ năm 1995, đến nay, tổng vốn đầu tư của họ đã lên đến trên 520 triệu USD, tuyển dụng trực tiếp gần 2.300 nhân viên trên toàn quốc và điều hành 6 nhà máy tại Việt Nam.

ABB đến Việt Nam còn sớm hơn Nestlé 1 năm, mỗi dự án về năng lượng – thuỷ lợi của ABB có thể ngốn vài chục triệu USD.

Theo tôi, Việt Nam nên tập trung thu hút thêm các doanh nghiệp Thụy Sĩ trong các ngành như dịch vụ tài chính - ngân hàng, y tế, dược phẩm, bởi những công ty trong lĩnh vực này tại Thụy Sĩ đều lớn nhất nhì thế giới. Hiện tại, Việt Nam chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ trong các mảng nói trên.

Sau 9 năm đàm phán, Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và Thụy Sĩ sắp được ký kết?

Ông Phạm Hải Bằng: Hai nước đang rất tích cực thảo luận về Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và khối các nước của Hiệp hội thương mại tự do châu Âu – EFTA. Hiện nay, hai bên vẫn đang tiếp tục thảo luận và năm tới sẽ kết thúc đàm phán. Cả hai đều bên mong muốn sẽ sớm ký kết Hiệp định này.
Theo tôi, nếu FTA này được thông qua thì ngành xuất nhập khẩu và dịch vụ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Khối EFTA gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein và Iceland, đã thành lập được hơn 40 năm và họ luôn đi đàm phán cùng nhau. Theo dự đoán, cuối năm nay, EFTA sẽ ký Hiệp định thương mại với Indonesia và năm tới là với Malaysia.

Thụy Sĩ và Trung Quốc đã có hiệp định FTA từ 2012, nhờ vậy, quan hệ thương mại giữa 2 nước phát triển rất cao. Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc. Năm 2016, Thụy Sĩ là nước xuất khẩu vào Trung Quốc nhiều thứ 2 sau Hàn Quốc, với 27,5 tỷ USD; giai đoạn 2016 – 2017, Thụy Sĩ là nước châu Âu nhận được nhiều vốn đầu tư nhất từ Trung Quốc – 45,4 tỷ USD.

Cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Hải Bằng: người Việt Nam tại Thụy Sĩ khoảng trên 15.000 người, sống tập trung ở các thành phố lớn như Geneva, Zurich, Lausanne, Basel… Cộng đồng Việt Nam ở Thuỵ Sĩ hoà nhập nhanh và tốt, tuyệt đại đa số đều có công ăn việc làm cũng như quốc quốc tịch Thụy Sĩ.

Có khoảng trên 5.000 người chưa vào quốc tịch Thụy Sĩ, trong đó có cả những bạn sang đây làm tiến sĩ, thạc sỹ, giảng dạy trong các trường đại học hoặc làm việc cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như You Tube, Google.

Những người này vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, không vào quốc tịch Thụy Sĩ, họ được xem là những công dân toàn cầu. Bên cạnh đó, còn có một lượng lớn sinh viên – khoảng 400 đến 500 người, có thời điểm lên 700 đến 800 trăm người.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: The Leader