Việt Nam sẽ là điểm đến của các dự án đầu tư mới, mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản nhằm đón đầu cơ hội hợp tác từ CPTPP hay RCEP.
Đó là chia sẻ của ông Yoichi Kobayashi - Chủ tịch Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp Nhật Bản– Mekong với Diễn đàn Doanh nghiệp bên lề chương trình “Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản”, do VCCI tổ chức mới đây.
- Thông qua Chương trình “Đối thoại Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản” này, ông nhận định như thế nào về triển vọng hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai bên?
Quan hệ hợp tác và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản là mối quan hệ lâu đời, tốt đẹp. Năm 2019 là năm thứ 46 kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản đặt quan hệ ngoại giao, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Nhật Bản.
Có được điều này phải kể đến điểm chung về chiến lược phát triển giữa 2 nền kinh tế, cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cùng với đó, Chương trình đối thoại Việt Nam- Nhật Bản này góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác cùng nhau trong tương lai.
Hiện nay, Việt Nam là điểm đến được ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác trên toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc vẫn đang căng thẳng thương mại.
- Triển vọng hợp tác giữa 2 bên là rất lớn, nên sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật tới Việt Nam đề đầu tư và kinh doanh, thưa ông?
Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM, hiện có gần 1.800 doanh nghiệp Nhật đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó 1.000 doanh nghiệp tại khu vực miền Nam, 100 doanh nghiệp tại miền Trung và 700 doanh nghiệp tại miền Bắc. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Việt Nam đều được thống kê, nên nếu tính thêm cả họ nữa, thì hiện có khoảng 2.500 Cty Nhật hoạt động tại Việt Nam. Con số này chắc chắn vẫn chưa dừng lại, trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn trong khu vực với dân số khoảng 100 triệu dân, giống như Trung Quốc 10 năm về trước, thu nhập ngày càng cao và họ cũng dành ngân sách cho hoạt động chi tiêu nhiều hơn. Điều này chính là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản.
- Vậy đâu là lĩnh vực được nhà đầu tư Nhật Bản “săn đón” trong năm 2019 và những năm tới thưa ông?
Trong thời gian gần đây, xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam đã có sự thay đổi. Nếu trước đây, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào ngành sản xuất, thì sau năm 2010 trở về đây, đích đến của dòng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành như dịch vụ và thương mại. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của những ngành này nhanh hơn nhiều so với ngành sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của CPTPP, doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới các lĩnh vực như: nhà hàng và ẩm thực, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo và du lịch.
- Để đón thêm làn sóng doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam như ông vừa nêu, môi trường đầu tư Việt Nam có điểm gì cần phải cải thiện, thưa ông?
Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản. Ngoài ra, các chiến lược về xúc tiến thương mại của Việt Nam cũng rất linh hoạt. Tuy nhiên, để Việt Nam có thể là điểm đến ưu tiên số một của doanh nghiệp Nhật Bản thì cần có sự cải thiện hơn nữa về cơ sở hạ tầng. Ví dụ như việc đảm bảo mạng lưới điện cung cấp trong các KCN, hoặc khắc phục tình trạng ngập úng tại các thành phố lớn. Bởi điều này ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các điều kiện về thủ tục hành chính, như hồ sơ, thủ tục xin đầu tư vào Việt Nam còn rất phức tạp, có thể một phần là do bất đồng ngôn ngữ, nhưng điều này cần sớm phải được cải thiện.
Ông Hiro Tsuchiya - Đại diện Nhật Bản, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ (DEEP C): DEEP C sẵn sàng cho chiến lược “Trung Quốc +1”
Số liệu về dòng vốn FDI trong tháng đầu tiên của năm 2019 đã cho thấy các kịch bản tích cực trong cả năm đối với FDI của Nhật Bản vào Việt Nam. Hiệp định CPTPP chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các Cty Nhật Bản thâm nhập thị trường Việt Nam như cắt giảm thuế, cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính... Nhiều Cty Nhật Bản đang thúc đẩy chiến lược “Trung Quốc +1” và DEEP C đã sẵn sàng cho xu hướng này. Để tận dụng tối đa làn sóng đầu tư mới, chúng tôi đã mở rộng quỹ đất của mình lên hơn 3.000 ha đất công nghiệp phù hợp với các ngành công nghiệp nhẹ, nặng và hậu cần. Chúng tôi cũng xây dựng các nhà máy cho các Cty muốn bắt đầu nhanh với khoản đầu tư ban đầu nhỏ. Đặc biệt, DEEP C đã hợp tác với TEPCO- nhà sản xuất và phân phối năng lượng lớn nhất Nhật Bản với mục tiêu tăng cường tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng điện và phân phối điện ổn định.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HĐQT N&G Group, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba): Sẵn sàng hợp tác với đối tác Nhật
CPTPP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, đầu tư của Nhật Bản trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Bên cạnh các lợi thế phần cứng thì các đối tác Nhật đánh giá rất cao nguồn lao động trẻ, có chất lượng cao của Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam như Honda, Toyota, Sumitomo,… sẽ là các “cực” hút các doanh nghiệp vệ tinh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ từ Nhật Bản và các nước thuộc CPTPP đến Việt Nam. Tôi tin tưởng hợp tác Việt- Nhật nói chung và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữa hai nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Nhận thức rõ xu thế đó, các thành viên của HANSIBA đã và đang có những bước chuẩn bị hết sức nghiêm túc, khoa học, chuyên nghiệp cả về nhân lực, vật lực để sẵn sàng hợp tác với các đối tác Nhật Bản.
Ông Kazuhiro Matsushita, Tổng Giám đốc Panasonic Việt Nam: CPTPP tạo nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam
Tôi cho rằng năm 2019 sẽ tiếp tục có một làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Hiệp định CPTPP sẽ cho phép các Cty Nhật Bản được quyền tham gia vào thị trường mua sắm chính phủ đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Đồng thời, Nhật Bản là một trong những nước có lợi thế nhiều nhất trong ngành dịch vụ, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất, tài chính, hậu cần và sở hữu trí tuệ sẽ có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, CPTPP cũng đã nâng mức miễn thuế từ 42% lên 70,2% đối với các sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản, điều này cũng tạo thuận lợi cho các Cty Nhật Bản, trong đó có Panasonic trong việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, tăng cường thúc đẩy các hoạt động đầu tư sản xuất vào Việt Nam. Tôi tin tưởng CPTPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cũng như giảm các thủ tục về thương mại và đầu tư cho cả Việt Nam và Nhật Bản.
Do đó, Việt Nam được xác định là một trong những thị trường chiến lược trọng điểm của Panasonic tại khu vực ASEAN.
- Xin cám ơn ông!
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp