Hiệp định TPP

1. Diễn biến đàm phán

Diễn tiến chung

Đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện nay có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – còn gọi là P4) - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Năm 2007, các nước thành viên P4 quyết định mở rộng phạm vi đàm phán của Hiệp định này ra các vấn đề khác, với sự tham gia/bày tỏ quan tâm từ các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ.

Tháng 12/2009, sau thông báo của USTR về sự tham gia của Hoa Kỳ, đàm phán với tên gọi chính thức Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP mới được chính thức khởi động. Vòng đàm phán TPP đầu tiên được tiến hành tại Melbourn - Úc vào tháng 3/2010 với 07 thành viên. Các thành viên khác tiếp tục tham gia vào đàm phán TPP trong thời gian sau đó, thành viên mới nhất là Nhật Bản – bắt đầu tham gia vào tháng 7/2013. Tính tới thời điểm tháng 5/2015, đàm phán TPP có 12 thành viên, bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. Một số nước khác cũng tỏ ý định tham gia đàm phán TPP (ví dụ Hàn Quốc, Thái Lan, thậm chí cả Trung Quốc), tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ thời điểm, nếu TPP được ký kết trong năm nay như quyết tâm của các nước TPP, thì có lẽ từ nay tới lúc kết thúc TPP sẽ không có thêm thành viên nào khác.

Đặc thù đàm phán

Tính đến nay (tháng 5/2015), đàm phán TPP đã trải qua 19 Vòng đàm phán chính thức, 04 Phiên họp cấp Bộ trưởng thương mại và hàng chục vòng đàm phán không chính thức cấp kỹ thuật hoặc cấp Trưởng Đoàn đàm phán. Bên cạnh đó là một số lượng rất lớn cuộc gặp, đàm phán song phương giữa các cặp đối tác trong TPP (ví dụ giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản về vấn đề nông nghiệp, ô tô; giữa Hoa Kỳ với Việt Nam về vấn đề mở cửa thị trường, dệt may, giầy dép, lao động…) về những vấn đề thuộc quan tâm riêng của các cặp đối tác hoặc những nội dung được thỏa thuận là không đàm phán chung.

So với nhiều đàm phán thương mại tự do khác thì số lượng các vòng đàm phán và thời gian đàm phán của TPP lớn hơn một cách đáng kể. Thậm chí, kể từ Vòng đàm phán thứ 19 (tháng 9/2014) tại Singapore, các nước TPP đã không còn đặt tên (theo số thứ tự) cho các Vòng đàm phán nữa. Ngoài ra, trong đàm phán TPP có những hình thức đàm phán đặc thù riêng có, ví dụ các Phiên họp cấp Bộ trưởng để bàn về những vấn đề không thể quyết được ở cấp kỹ thuật mà cần các định hướng chính trị lớn hơn.

Từ năm 2011, các nước TPP đã nhiều lần đặt ra các thời hạn mục tiêu để kết thúc đàm phán (cuối 2011, rồi cuối 2012, cuối 2013, nửa đầu năm 2014, cuối 2014) nhưng đều không thành công. 

Những điều này cho thấy tính chất phức tạp của các vấn đề trong đàm phán cũng như khoảng cách khác nhau giữa các nước trong nhiều lĩnh vực thuộc đàm phán TPP.

Gần đây nhất, các nước đặt mục tiêu kết thúc cơ bản đàm phán TPP vào nửa đầu năm 2015. Lịch trình gần nhất của đàm phán TPP là Phiên họp cấp Bộ trưởng trong các ngày 26-28/5/2015 tại Philippines, và liền trước đó là Cuộc gặp cấp Trưởng đoàn đàm phán tại Guam.

Thời điểm quan trọng

Có nhiều lý do để suy đoán rằng dường như các nước TPP đều đang rất nỗ lực để kết thúc cơ bản đàm phán TPP càng sớm càng tốt trong năm 2015 và các cuộc đàm phán cuối tháng 5/2015 có tính chất quan trọng đặc biệt:

-         Thứ nhất, với một số đối tác quan trọng trong TPP, đây là thời điểm tốt nhất để kết thúc TPP .

Cụ thể, với Hoa Kỳ, một trong những nước “cầm trịch” trong đàm phán TPP, chính trường Hoa Kỳ trong giai đoạn này được xem là lý tưởng nhất để kết thúc TPP với một chính quyền Obama vốn coi TPP là “hòn đá tảng” trong chính sách kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương và chiến lược hướng Đông của mình và một Đảng chiếm đa số (Đảng Cộng hòa) vốn ủng hộ mở rộng tự do thương mại. Hơn thế nữa, nếu để sang năm sau, khi Hoa Kỳ bước vào giai đoạn chuẩn bị vận động cho bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới, tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều bởi mọi nội dung trong đàm phán TPP đều có thể sẽ được sử dụng như các công cụ để tranh cử và việc tìm được điểm chung để thống nhất kết thúc đàm phán khó khăn hơn nhiều lần. Ngoài ra, trong giai đoạn bầu cử tổng thống, việc đàm phán các FTA như TPP sẽ không còn nằm trong danh sách ưu tiên của các Đảng nữa, và vì vậy việc hoàn tất đàm phán sẽ càng không dễ dàng.

Với Nhật Bản, một đối tác quan trọng khác của TPP, thời điểm này cũng được cho là thuận lợi nhất, sau khi Đảng của Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử trong cuộc bầu cử vừa rồi và do đó định hướng tự do thương mại của Đảng này có thể là cú hích tốt cho việc kết thúc đàm phán.

-         Thứ hai, về mặt nội dung, theo những nguồn tin đáng tin cậy, dường như sau nhiều nỗ lực ở các cấp khác nhau, dường như các nước TPP đang thu hẹp được khoảng cách trong nhiều vấn đề được cho là căng thẳng nhất trong đàm phán.

Theo thông tin từ một quan chức đàm phán của Australia hồi tháng 3/2015 thì đã có 9/30 Chương trong TPP kết thúc đàm phán, đó là: Cạnh tranh và tạo thuận lợi kinh doanh, Hợp tác và xây dựng năng lực, Thương mại dịch vụ qua biên giới, Hải quan, Phát triển, Hài hòa pháp lý, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Truyền thông, và Tạm nhập. Còn theo phát ngôn của một quan chức thương mại Hoa Kỳ hồi đầu tháng 4/2015 thì đàm phán TPP đã hoàn thành hầu hết các nội dung, ngoại trừ một số nội dung liên quan đến Sở hữu trí tuệ, và vấn đề tiếp cận thị trường trong một số chương như Đầu tư, Doanh nghiệp nhà nước, và Mua sắm công. Thậm chí ngay cả trong những nỗi dung chưa đạt được đồng thuận thì dường như đang có những thỏa thuận song phương để gỡ dần những điểm khúc mắc tùy theo quan tâm của từng đối tác (ví dụ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ - sẽ được xem xét ở phần sau của Nghiên cứu này).

Những thực tế này cho thấy đây có thể là giai đoạn cuối cùng trong đàm phán TPP và do đó là thời điểm quan trọng để chốt lại những vấn đề cốt lõi nhất trong phương án đàm phán của mỗi nước để có thể hoàn tất đàm phán TPP.

Tất nhiên, theo nguyên tắc cơ bản của mọi đàm phán thương mại - “không có gì được chấp thuận cho đến khi mọi điều được chấp thuận” thì ngay cả khi có những dấu hiệu rất lạc quan, không có gì chắc chắn rằng TPP sẽ được hoàn tất đàm phán trong nửa đầu năm 2015 như mong đợi. Đặc biệt, không thể không tính đến những dấu hiệu cho thấy không phải mọi điều kiện cần và đủ cho việc hoàn tất đàm phán này đã được hội tụ, ví dụ:

-         Trong một vài dịp trước đây, khi cơ hội về mặt chính trị ở các nước TPP (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Chi lê..) cho việc kết thúc đàm phán TPP rất khả quan, mục tiêu hoàn tất đàm phán cũng vẫn bị bỏ lỡ. Dường như với tất cả các nước TPP, mặc dù thời gian là quan trọng, các lợi ích cốt lõi tại các nội dung cam kết cơ bản vẫn là yếu tố quyết định – nếu không đạt được các lợi ích đó, các nước sẽ không chấp nhận kết thúc đàm phán;

-         Để Hoa Kỳ thông qua TPP một cách suôn sẻ, Tổng thống Obama phải được Nghị viện Hoa Kỳ trao quyền đàm phán nhanh – TPA (là phương thức cho phép Chính phủ đàm phán toàn bộ các chi tiết, Nghị viện chỉ bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua cả gói, không được phép điều chỉnh các chi tiết đàm phán bên trong cam kết). TPA sẽ là điều kiện để các đối tác TPP của Hoa Kỳ chấp nhận đưa ra các chiến lược đàm phán cuối cùng của mình (mà không phải e ngại rằng sau đó Nghị viện Hoa Kỳ có thể đòi thêm các nhượng bộ mới). Tuy nhiên, tới nay, mặc dù TPA đã vượt qua vòng thủ tục để được thảo luận tại Thượng viện Hoa Kỳ và đang bắt đầu được xem xét ở một số Ủy ban trong Hạ viện Hoa Kỳ, khả năng TPA có thể được đưa ra bỏ phiếu tại cả hai Viện vào cuối tháng 5 này vẫn còn là khá mong manh. Chưa có TPA, TPP khó có thể kết thúc đàm phán được;

-         Khả năng kết thúc đàm phán TPP vào cuối tháng 5 này sẽ hiện thực hơn nếu tháng 4 vừa rồi Nhật Bản và Hoa Kỳ có thể kết thúc đàm phán song phương giữa hai bên (một trong những đàm phán được coi là chìa khóa cho các đàm phán về cùng các vấn đề của các đối tác khác trong TPP). Dù vậy, cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng giữa hai bên vào giữa tháng 4 và cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Abe cuối tháng 4/2015 đã không đạt được thỏa thuận nào như mong muốn (dù hai bên vẫn tuyên bố khoảng cách đã được thu hẹp, và dù Nhật Bản thậm chí cho rằng TPA không phải là điều kiện tiên quyết cho quyết định của Nhật Bản trong đàm phán với Hoa Kỳ).

Dù là thế nào thì thời điểm cuối tháng 5/2015 cũng là thời điểm rất quan trọng để các bên trong đàm phán TPP, trong đó có Việt Nam, chốt lại các phương án đàm phán của mình về các lĩnh vực còn vướng mắc và qua đó có thể có quyết định dứt khoát hơn trên bàn đàm phán cho giai đoạn được cho là có ý nghĩa quyết định trong đàm phán TPP tới đây.

2. Các nội dung đàm phán

Đàm phán TPP được thỏa thuận là đàm phán mật. Do đó ngoài các Đoàn đàm phán và các Cơ quan có thẩm quyền trong nội bộ từng nước[1], không có chủ thể nào khác được thông tin chính thức và chính xác về các nội dung đàm phán cụ thể trong TPP. Cho đến nay, ngoài bản Khung đàm phán sơ bộ TPP mà các lãnh đạo TPP (vào thời điểm đó là 09 nước thành viên TPP) đưa ra ngày 12/11/2011, không có bất kỳ văn bản chính thức nào được công bố về các nội dung đàm phán TPP.

Mặc dù vậy, quan sát một số nguồn tin cũng như những tuyên bố chính thức rải rác của các quan chức đàm phán thuộc các Đoàn đàm phán TPP cũng cho thấy một số thông tin tin cậy được về diễn biến nội dung đàm phán TPP cho tới thời điểm hiện tại. Qua đó có thể có được bức tranh sơ bộ về nội dung các cam kết trong TPP tới thời điểm này.

Các định hướng cơ bản

Theo bản Khung đàm phán sơ bộ TPP mà các lãnh đạo TPP chính thức đưa ra ngày 12/11/2011 thì các cam kết trong đàm phán TPP được xây dựng trên cơ sở các đặc điểm và định hướng nội dung thống nhất sau:

Đặc điểm

• Tiếp cận thị trường toàn diện: hướng tới việc bãi bỏ thuế và các rào cản thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư;

 Hiệp định khu vực toàn diện: hướng tới việc tạo thuận lợi để phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP;

• Các vấn đề thương mại xuyên suốt: hướng tới các mục tiêu

-         Hài hòa môi trường chính sách pháp luật

-         Tạo thuận lợi thúc đẩy năng lực cạnh tranh và kinh doanh

-         Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

-         Thúc đẩy phát triển (có gắn với các lựa chọn ưu tiên phát triển riêng của từng nước)

• Những vấn đề mới trong thương mại: tạo điều kiện thúc đẩy thương mại và đầu tư đối với các sản phẩm và dịch vụ mang tính sáng tạo (nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ xanh..).

• Hiệp định mở: Hiệp định có thể cập nhật về nội dung cam kết cũng như mở rộng thành viên

Định hướng

-         Đàm phán cả gói (tất cả các vấn đề cơ bản về thương mại và có liên quan tới thương mại);

-         Đàm phán bao gồm các nội dung về quy tắc (legal texts) và các nội dung về mở cửa thị trường (hàng hóa, dịch vụ, mua sắm công);

-         Đàm phán “tiêu chuẩn cao”, có tính đến các lĩnh vực nhạy cảm và thách thức riêng mà các nước đang phát triển trong TPP phải đối mặt thông qua hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và lộ trình thực hiện cam kết thích hợp.

Mặc dù các nội dung cam kết cụ thể sẽ thay đổi theo diễn biến đàm phán và mặc cả giữa các bên nhưng về cơ bản vẫn phải đi theo những định hướng xuyên suốt này. Vì vậy, mọi phương án đàm phán cũng như đề xuất khuyến nghị liên quan phải chú ý đặc biệt tới các định hướng này (các khuyến nghị đi ngược lại các định hướng này sẽ rất khó để được chấp nhận).

Cập nhật nội dung đàm phán

Tính tới thời điểm 1/5/2015, theo thông tin từ các nguồn đáng tin cậy (trong đó có phát ngôn chính thức của một số quan chức đàm phán của một số đối tác TPP) thì trong số khoảng 30 Chương đàm phán của TPP, đã có những Chương đã hoàn tất đàm phán và số các Chương còn tranh cãi đã được thu hẹp.

Cụ thể, 9 trong 30 Chương trong TPP được cho là đã kết thúc đàm phán bao gồm:

-         Cạnh tranh và tạo thuận lợi kinh doanh

-         Hợp tác và xây dựng năng lực

-         Thương mại dịch vụ qua biên giới

-         Hải quan

-         Phát triển

-         Hài hòa pháp lý

-         Doanh nghiệp vừa và nhỏ

-         Viễn thông

-         Tạm nhập

Trên thực tế, đây là các Chương ít gây tranh cãi, liên quan tới tạo thuận lợi thương mại là chủ yếu, ít gắn với các cam kết mở cửa ngành cụ thể (ngoại trừ chương về Thương mại dịch vụ qua biên giới và Viễn thông) và do đó được cho là dễ đạt được thống nhất hơn. Nếu thông tin này là đúng thì vào thời điểm này, việc đưa ra khuyến nghị hay đề xuất đàm phán cho 09 vấn đề này hầu như không còn ý nghĩa.

21 Chương còn lại được cho là chưa đạt được thống nhất cuối cùng. Mặc dù vậy, không phải tất cả các nội dung này đều có tranh cãi lớn. Trên thực tế thì thông tin từ các nguồn khác nhau đều thống nhất cho rằng những Chương sau đây là “lĩnh vực còn khoảng cách và gây tranh cãi lớn nhất” của đàm phán TPP tới thời điểm này:

-         Đầu tư

-         Doanh nghiệp Nhà nước

-         Mua sắm Chính phủ

-         Sở hữu trí tuệ

Bên cạnh đó, đối với riêng Việt Nam, một số vấn đề khác cũng được cho là còn vướng mắc và chưa hẳn đã đạt được thỏa thuận thống nhất trong TPP:

-         Lao động

-         Mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể (phân phối, viễn thông…).

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI