Hiệp định TPP

Vừa trở về từ Brunei, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã dành cho phóng viên Kinh tế Việt Nam cuộc phỏng vấn xoay quanh Vòng đàm phán lần thứ 19 về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông tham dự. Đây là vòng đàm phán có tính quyết định khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến thời hạn chót mà các bên đã nhất trí phải hoàn tất đàm phán hiệp định.

Xin ông cho biết những diễn biến quan trọng và kết quả của Vòng đàm phán thứ 19?

Ngay trước khi diễn ra Phiên 19, các Bộ trưởng của 12 nước tham gia TPP đã nhóm họp tại Brunei và đưa ra những hướng dẫn cho các nhà đàm phán để có thể đạt được một hiệp định tham vọng và cân bằng của thế kỷ 21, giúp tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực, thúc đẩy phát huy sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế và phát triển, giúp tạo công ăn việc làm ở các nước này. Đồng thời, các Bộ trưởng đã cam kết sẽ tiếp tục tích cực chỉ đạo đàm phán từ nay cho đến khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bali, Indonessia, nơi mà các nhà lãnh đạo TPP dự kiến sẽ gặp nhau như đã tiến hành vào các năm trước. Cuộc gặp này được đánh giá là một sự kiện quan trọng vì 12 nước sẽ cùng tập trung cao độ để kết thúc đàm phán hiệp định lịch sử này.

Tại Phiên 19, các nước cũng đi sâu thảo luận các gói cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, dịch vụ tài chính và mua sắm của Chính phủ. Khác với các phiên trước, tại phiên này, các nước đã dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc gặp gỡ song phương và vì vậy, đã đưa ra được một số cách tiếp cận sáng tạo và thực tế đối với các vấn đề còn tồn đọng.

Bên lề phiên đàm phán, các nhà đàm phán cũng đã gặp gỡ trực tiếp hơn 150 đối tượng liên quan từ các nước trong khu vực TPP, nghe các đối tượng này trình bày về hàng loạt các vấn đề và tiếp xúc một cách không chính thức với họ để trao đổi chi tiết về những vấn đề cụ thể mà họ quan tâm.

Được biết ở vòng đàm phán mới này, các nước thành viên chỉ tập trung vào 10 lĩnh vực, trong đó có đề cập đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, DN quốc doanh và thuế quan. Nhận định của ông xung quanh vấn đề này như thế nào?

Phiên 19 được tổ chức khi đàm phán TPP đang bước vào giai đoạn quan trọng, có tính chất quyết định đối với việc hoàn thành mục tiêu kết thúc đàm phán vào năm 2013 như mong muốn của các nhà Lãnh đạo TPP. Vì vậy, để đạt được kết quả tốt nhất, phiên 19 chỉ tập trung vào các vấn đề mấu chốt còn tồn tại để các nước TPP tìm ra biện pháp thu hẹp khác biệt quan điểm nhằm tiến tới việc đạt được sự đồng thuận. Trong số các vấn đề mấu chốt này, quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp quốc doanh và đàm phán mở cửa thị trường hàng hoá rất phức tạp và nhạy cảm không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các thành viên TPP khác. Vì vậy, có thể nói việc xử lý hiệu quả các vấn đề này quyết định tới khả năng có kết thúc đàm phán TPP như mục tiêu đề ra hay không.

Tại phiên 19, các Bộ trưởng của 12 nước TPP đã đưa ra các chỉ đạo cụ thể cho các nhà đàm phán trong từng lĩnh vực còn tồn tại, kể cả 3 lĩnh vực mô tả ở trên để các nhà đàm phán có hướng xử lý trong các phiên thảo luận của mình. Nhìn chung, các chỉ đạo này đã tạo cơ sở thuận lợi cho các nước xử lý những bất đồng, vướng mắc còn tồn tại để sớm đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian tới.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy hải sản... có thể hưởng lợi từ TPP như thế nào trong bối cảnh vấn đề xác định xuất xứ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn? Theo ông, các DN cần phải làm gì để giải quyết những tồn tại này ngay trong thời gian tới cũng như trong dài hạn?  

Trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP, với sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của các cấp lãnh đạo, đoàn đàm phán Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đàm phán và đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy hải sản. Hiện nay, đàm phán vẫn đang được tiến hành nên kết quả đàm phán thế nào chưa ai có thể khẳng định được. Tuy nhiên, đối với những yêu cầu về xuất xứ hàng dệt may, giày dép và các mặt hàng khác, Đoàn đàm phán đang tìm mọi giải pháp sao cho vừa thúc đẩy được tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Hoa Kỳ và các nước TPP sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực vừa đảm bảo cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể thu được cao nhất từ cơ hội xuất khẩu đó.

Các DN Việt Nam trước tiên cần tích cực tham gia hơn nữa vào quá trình tham vấn với Đoàn đàm phán thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm cung cấp thêm các ý kiến đóng góp, đưa ra các vấn đề và cùng thảo luận cách thức giải quyết, giúp cho đoàn đàm phán có thông tin đầu vào chính xác khi đưa ra các quyết định đàm phán. Hiện nay, cơ chế tham vấn giữa Đoàn đàm phán và VCCI được duy trì tương đối thường xuyên và tỏ ra khá hiệu quả.

Về dài hạn, các DN trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.

Hiện nay, các DN nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam chưa thực sự quan tâm hoặc chưa có nhận thức thấu đáo về TPP, trong khi nhiều DN nước ngoài, nhất là các DN Hoa Kỳ đang có kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan và đầu tư. Thứ trưởng có thể đưa ra một số lời khuyên dành cho các DN nhỏ và vừa để khuyến khích họ tham gia vào sân chơi TPP, một khu vực đóng góp 40% GDP toàn cầu và chiếm 1/3 kim ngạch thương mại thế giới?

Trong hiệp định TPP, vấn đề lợi ích của các DN nhỏ và vừa là nội dung đáng lưu tâm trong tất cả các cuộc đàm phán. Do vậy, tất cả các nhóm đàm phán sẽ tiến hành đàm phán các điều khoản cụ thể ở các lĩnh vực dựa trên tinh thần này. Hiệp định TPP có lẽ sẽ là một hiệp định thương mại tự do đầu tiên có riêng một phần về các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhằm tận dụng các cơ hội do Hiệp định TPP mang lại, bên cạnh việc hiểu thấu đáo về các quy định và lộ trình cam kết của hiệp định, các DN cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hướng hoạt động của DN theo hướng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực. Đồng thời, các DN cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác./.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: http://www.ven.vn/