Hiệp định TPP

Nhằm đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán với một số nước, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đang tích cực tăng vốn, mở rộng sản xuất vào các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam như sợi dệt, linh kiện máy móc, điện tử.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hơn 350 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được đổ vào ngành dệt may và sợi. 

Theo đó, Công ty Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) đã khánh thành giai đoạn 1 đồng thời khởi công xây dựng giai đoạn 2 nhà máy sản xuất sợi vốn 300 triệu USD tại Quảng Ninh. Dự án gồm 6 xưởng sợi với tổng công suất gần 140.000 tấn/năm. Mục tiêu của dự án là xây dựng một tổ hợp nhà máy gồm 4 xưởng sợi với 370.000 cọc sợi và các công trình phụ trợ để sản xuất, gia công, tiêu thụ các loại sợi bông thiên nhiên, sợi nhân tạo, vải.

Theo ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các doanh nghiệp có vốn  đầu tư nước ngoài (FDI) hiện có sự chuẩn bị từ khá sớm để đón đầu cơ hội từ TPP.

Mới nhất, Công ty KyungBang (100% vốn Hàn Quốc) vừa  đưa vào hoạt động nhà máy sợi tại Bình Dương trị giá 40 triệu USD, công suất sản xuất 6.600 tấn sợi mỗi năm. Ông Lee Kap Soo, tổng giám đốc KyungBang Việt Nam, cho biết khi nhà máy mở rộng giai đoạn thứ 2 và 3, tổng số vốn đăng ký lên 160 triệu USD, và đây sẽ là nhà máy sợi lớn nhất ở châu Á.

Tương tự, Công ty CP đầu tư và phát triển Thiên Nam (Việt Nam) và Công ty TNHH dệt may Sunrise (Thặng Châu, Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng liên doanh thành lập Công ty CP dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise, dự kiến dự  án đi vào hoạt động vào cuối năm 2013 với quy mô sản xuất 1 triệu mét vải dệt thoi/tháng và 300 tấn vải dệt kim/tháng.

Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Bến Tre cũng vừa trao giấy phép đầu tư cho Công ty Unisoll Vina (thuộc Hansoll Textile Ltd, Hàn Quốc), vốn đầu tư 50 triệu USD, để xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc và các sản phẩm từ da, lông thú, với công suất 90 triệu sản phẩm/năm để xuất khẩu. 

Trước đó, vào tháng 5/2012, Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã triển khai đầu tư một nhà máy sản xuất sợi 5 vạn cọc với tổng mức đầu tư 120 triệu USD tại KCN Bảo Minh (Nam Định).

Những động thái này được cho là nhằm đón đầu cơ hội từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà  Việt Nam đang tham gia đàm phán. Theo quy định của TPP, để được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ, nguyên liệu phải được sản xuất tại Việt Nam, hoặc sử dụng từ các nước là thành viên của TPP.

Không riêng gì khối FDI, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đang chạy đua nhằm tận dụng lợi thế từ TPP mang lại. Chẳng hạn, Vinatex đang triển khai một loạt dự án như dự án Nhà máy sợi Phú Hưng tại Thừa Thiên-Huế quy mô 21.600 cọc sợi, dự án Nhà máy sợi PVTex Nam Định, PVTex Phú Bài 3 quy mô 10.000 cọc, Nhà máy sợi Đông Phú quy mô 15.000 cọc sợi...

Lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cũng nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là sản xuất linh kiện xe máy, xe hơi... Trong chuyến đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư cuối tháng 6/2013 vừa qua, giám đốc Công ty PT Pricol Surya (trụ sở tại Indonesia, là công ty con của Pricol Limited, Ấn Độ), ông Anil Kumar, cho biết Pricol Surya cung cấp nhiều thiết bị phụ tùng xe máy cho các hãng Honda, Yamaha, Suzuki tại Việt Nam.

“Chúng tôi muốn tăng thị phần hơn nữa tại thị trường Việt Nam, đồng thời xúc tiến mở một nhà máy lắp ráp thiết bị, bộ đo xăng dầu cảm biến và bơm xăng dầu phục vụ ngành xe máy và ôtô tại Việt Nam”, đại diện Pricol nói.

Công Trí