Hiệp định TPP

Tính thích nghi và tinh thần doanh nghiệp, khả năng đương đầu thách thức là thế mạnh của Việt Nam và cũng chính là những gì cần thiết để có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội hiệp định TPP mang lại cũng như vượt qua thách thức cạnh tranh.

Hội thảo tác động của hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP. Ảnh VGP/Lê Anh

Ngày 17/7 tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị thành phố, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Tác động của hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP”.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đánh giá: “Với thị trường hơn 792 triệu người, các nước thành viên trong TPP đóng góp 40% GDP của toàn thế giới, và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.  Hiệp định TPP có hiệu lực sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch đón nhận và chuẩn bị hội nhập ngay từ bây giờ”.

Theo nhận định của các chuyên gia, cơ hội cho Việt Nam khi tham gia hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương là rất lớn: Mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, tăng xuất khẩu từ Việt Nam tới các nước thành viên TPP, đặc biệt sang thị trường Hoa Kỳ, đối với các sản phẩm như dệt may, hải sản, da giày, sản phẩm từ gỗ…

Tuy nhiên, khi tham gia TPP các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức, từ sự cạnh tranh của doanh nghiệp đến từ các nước thành viên trong TPP, cũng như các rào cản kỹ thuật mà chúng ta phải tuân thủ, đặc biệt là mặt hàng thế mạnh như dệt may, thủy sản..

Riêng với mặt hàng dệt may, một trong những nguyên tắc cơ bản để được hưởng mức thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng dệt may sang các nước có tham gia TPP là nguyên liệu sử dụng được sản xuất tại nước sở tại, hoặc sử dụng của các nước thành viên TPP. Trong chuỗi bông/xơ – sợi – vải – nhuộm/hoàn tất – cắt/may chúng ta đang có lợi thế ở khâu cuối. Khi tham gia TPP đây là những thách thức lớn cho ngành dệt may song cũng là động lực, cũng như cơ hội để các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài, giúp tạo ra nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất những sản phẩm may mặc có thể xuất sang thị trường Hoa Kỳ với mức thuế nhập khẩu là 0%.

Ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành - Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) cho rằng, để hưởng lợi ích từ việc tham gia hiệp định TPP, các công ty Việt Nam cần tăng cường tham gia các hội chợ chuyên ngành tại Hoa Kỳ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, tìm hiểu kỹ về các quy định trong nhập khẩu của các nước thành viên TPP, đồng thời nâng cao bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm hàng hóa đường biển.

Nhìn nhận về việc Việt Nam tham gia TPP, ông Ray Nayler, Quyền Trưởng phòng kinh tế - Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho rằng, tính thích nghi và tinh thần doanh nghiệp, khả năng đương đầu thách thức là thế mạnh của Việt Nam và cũng chính là những gì cần thiết để có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội hiệp định TPP mang lại cũng như vượt qua thách thức cạnh tranh.

Lê Anh