Hiệp định TPP

Đoàn đàm phán của Chính phủ phối hợp với Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức toạ đàm “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và ý nghĩa đối với doanh nghiệp”.

Ảnh: VGP/Văn Chính

 

 

Cuộc tọa đàm được tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội nhằm cập nhật thông tin và  diễn biến tình hình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương trong từng lĩnh vực; tham vấn, trao đổi các vấn đề liên quan với các hiệp hội, doanh nghiệp.

Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership- TPP) là một vòng đàm phán thương mại tự do (FTA) giữa 9 nước hai bên bờ Thái Bình Dương bao gồm: Australia, New Zealand, Brunei, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Peru, Chile và Hoa Kỳ, bắt đầu từ cuối năm 2009. Việt Nam là quan sát viên của đàm phán này từ những vòng đầu tiên và là thành viên chính thức từ tháng 11/2010.

Cho đến nay, đàm phán TPP đã đi qua 12 vòng đàm phán chính thức và nhiều đàm phán giữa kỳ. Vòng đàm phán gần đây (thứ 12) vừa kết thúc tại Hoa Kỳ ngày 18/5 vừa qua.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, đây là đàm phán thương mại tự do quan trọng nhất của chúng ta trong thời điểm hiện tại, với phạm vi đàm phán rộng, mức độ cam kết sâu và dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến triển vọng hoạt động kinh doanh của các ngành, các doanh nghiệp cũng như đời sống xã hội nói chung. Các tác động này sẽ là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào kết quả cụ thể cuối cùng của đàm phán.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết các nước đặt mục tiêu là sẽ hoàn thành cơ bản đàm phán TPP vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, các nước tham gia TPP hiện còn khá xa nhau về quan điểm trong một số vấn đề cũng như kỳ vọng ở TPP.

Bảng khung sơ bộ đàm phán TPP gồm các lĩnh vực như cạnh tranh; hợp tác và xây dựng năng lực; dịch vụ  xuyên biên giới; hải quan; thương mại điện tử; môi trường; dịch vụ tài chính; mua sắm chính phủ; sở hữu trí tuệ; đầu tư; thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ...

Nhiều doanh nghiệp rất trông chờ Hiệp định TPP được ký kết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp muốn được hưởng lợi từ TPP cần có sự chuẩn bị tốt, đặc biệt là các điều kiện về xuất xứ hàng hoá, tính chuyên nghiệp…

Trên lĩnh vực thương mại, theo nhiều chuyên gia, trong số các sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ, dệt may và da giày là 2 lĩnh vực hàng đầu của Việt Nam. Hiện, số thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ mà hai các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp hàng năm lên tới hàng  tỷ USD. Do vậy, nếu TPP được ký kết cùng với việc miễn thuế, hai ngành hàng xuất khẩu này của Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn. Tuy nhiên, món lợi này đang có nguy cơ nằm trên giấy, bởi Hoa Kỳ cũng sẽ đưa ra những yêu cầu rất chặt chẽ về nguyên tắc xuất xứ.

Về công tác đấu thầu, ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết khi gia nhập TPP, chúng ta phải mở cửa hoạt động đấu thầu cho tất cả các thành viên với nguyên tắc không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu của Việt Nam còn rất nhiều bất cập, trong đó phải kể tới tỷ lệ chỉ định thầu còn cao. Vì vậy, có nhiều thách thức cần giải quyết khi TPP được thực thi.

Về vấn đề lao động trong đàm phán các thỏa thuận thương mại quốc tế, ông Nguyễn Kim Phương, Phó Vụ  trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh  và Xã hội cho rằng, việc gắn các tiêu chuẩn lao động với thương mại bao hàm cả thách thức lẫn cơ hội về kinh tế. Đây là một thực tế mà tất cả các đối tác trong đàm phán tự do thương mại đều nhận thức rất rõ và tìm cách tận dụng theo hướng có lợi nhất cho quốc gia của mình.

Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu triển khai các biện pháp chuẩn bị để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình đàm phán và đặc biệt là để đảm bảo tuân thủ tốt hơn các cam kết, không tạo tranh chấp và khiếu kiện từ phía đối tác trong quá trình thực hiện sau này.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cách tiếp cận về TPP của các nước tiên tiến là rất mới và rất khác với chúng ta. Khi TPP được ký, người lao động sẽ được lợi hơn vì họ có quyền thương lượng, thực sự được cải thiện môi trường lao động.

 Văn Chính