Hiệp định CPTPP

Mặc dù được ký từ tháng 7 năm ngoái, song Nghị định thư về việc Anh gia nhập CPTPP sẽ có hiệu lực trong năm 2024, sau khi được Quốc hội Anh và các thành viên khác thực hiện các quy trình trong nước. Đây là hiệp định thương mại lớn nhất được Anh ký kết kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và được Thủ tướng Sunak gọi là động thái lịch sử.

Dù việc tham gia CPTPP không thể bù đắp hoàn toàn thiệt hại do việc rời khỏi EU (Brexit) gây ra, nhưng việc làm này có thể mang đến những cơ hội mới cho phát triển kinh tế Anh.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của Brexit, Anh thúc đẩy thực hiện chiến lược “nước Anh toàn cầu”, trên nền tảng kế thừa quan hệ truyền thống với EU, tích cực tìm kiếm thêm cơ hội kinh tế, ngoại giao trên phạm vi toàn cầu. Anh ban đầu ưu tiên xem xét ký hiệp định thương mại với Mỹ, nhưng đàm phán rơi vào bế tắc do có bất đồng nghiêm trọng về những vấn đề nhạy cảm như tiếp cận thị trường y tế, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… Anh đã chuyển sự chú ý sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có nền kinh tế năng động cao. CPTPP bao trùm 11 quốc gia trên 4 châu lục ở cả 2 bờ Thái Bình Dương, trở thành lựa chọn quan trọng của London trong giai đoạn hiện nay.

Gia nhập CPTPP đối với Anh thời điểm này nhằm xây dựng lại hình ảnh cường quốc thương mại tự do toàn cầu. Brexit không những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Anh, mà còn có tác động tiêu cực nhất định đến hình ảnh và tín dụng quốc tế của nước này.

Anh sẽ sử dụng tính độc lập và linh hoạt của chính sách thương mại thời kỳ hậu Brexxit để tích cực thúc đẩy đàm phán và tham vấn về các hiệp định thương mại khác nhau, mong muốn dựa vào đó để xây dựng lại địa vị nhà lãnh đạo thương mại tự do toàn cầu. CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn trên thế giới và nhận được sự quan tâm nhiều của cộng đồng quốc tế. Tuy Anh và đa số thành viên CPTPP đã có các hiệp định thương mại tự do song phương và lợi ích kinh tế trực tiếp trong tương lai gần từ việc tham gia CPTPP là khá hạn chế, nhưng đối với Anh vốn có nhu cầu cấp bách quay trở lại vũ đài thế giới sau Brexit, gia nhập CPTPP là phù hợp với xu hướng chính sách của nước này, có lợi cho việc thể hiện hình ảnh nước lớn thương mại tự do toàn cầu.

Cùng với tầm quan trọng địa chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương không ngừng tăng lên, trọng tâm chiến lược ngoại giao của Anh dần chuyển sang nơi đây, với mong muốn phát huy vai trò lớn hơn ở khu vực này với tư cách quốc gia tự do và độc lập. Việc gia nhập CPTPP, một trong những hiệp định thương mại tự do hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được Chính phủ Anh coi là công việc ưu tiên để thúc đẩy.

Tổng lượng kinh tế của CPTPP chiếm khoảng 13% GDP thế giới, thành viên không những bao gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Mexico, nằm trong số 20 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới, mà còn bao gồm Việt Nam, thị trường mới nổi, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Hơn nữa, không gian kết nạp thành viên còn rộng lớn, triển vọng phát triển khá tốt. Gia nhập CPTPP có lợi cho Anh hội nhập sâu rộng hệ thống chuỗi ngành nghề, chia sẻ lợi ích tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, cũng có lợi cho Anh sử dụng đầu mối kinh tế để xích lại gần quan hệ chính trị và an ninh với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường hơn nữa sự hiện diện và ảnh hưởng ở khu vực này.

Trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế khu vực, chủ yếu là các hiệp định thương mại tự do, đã trở thành động lực chủ đạo trong việc hình thành một vòng mới xây dựng quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế. CPTPP là đại diện quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngoài những lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ đầu tư… hiệp định này còn bao trùm những vấn đề pháp lý như thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…

Ở một mức độ nhất định, hiệp định này cho thấy phương hướng phát triển của quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế. Anh gia nhập CPTPP với tư cách không phải là thành viên sáng lập, tuy không thể điều chỉnh các điều khoản hiện hành nhưng thông qua việc tham gia thẩm định điều khoản của hiệp định và có thể nâng cấp chúng trong tương lai, Anh sẽ nâng cao quyền phát ngôn của mình trong việc xây dựng cơ chế kinh tế và thương mại quốc tế thế hệ mới, từ đó giữ gìn an ninh kinh tế quốc gia của đất nước. Hơn nữa, do sẽ tăng cường kết nạp thêm thành viên CPTPP, Anh cũng có thể thông qua việc các nền kinh tế gửi đơn xin gia nhập để tiến hành đàm phán song phương, gián tiếp thúc đẩy tiêu chuẩn quy tắc.

CPTPP luôn mong muốn nâng cấp hơn nữa ảnh hưởng quốc tế của Hiệp định. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đóng vai trò chủ đạo. TPP bao gồm 12 thành viên, chiếm khoảng 40% GDP của thế giới và là tổ chức thương mại lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản và những thành viên còn lại đã sửa đổi một phần và đổi tên thành CPTPP. So với TPP, quy mô kinh tế và ảnh hưởng của CPTPP giảm mạnh, vì thế nên tất cả các thành viên đều mong muốn mở rộng hơn nữa phạm vi bao trùm của hiệp định và gia tăng lợi ích thực tế của hiệp định khi kết nạp thêm thành viên. Anh là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, gia nhập CPTPP khiến GDP của tổ chức thương mại này từ chiếm 13% GDP của thế giới tăng lên khoảng 15%.

Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền thông