Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) việc hoàn tất đàm phán và chuẩn bị ký kết hiệp định CCTPP là một tín hiệu đáng mừng, dù cho những lợi ích từ hiệp định thấp hơn so với việc nếu có Mỹ tham gia.
Cạnh tranh thấp hơn
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP để “bảo vệ” công ăn việc làm của người Mỹ, 11 nước thành viên còn lại (chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu) đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên. Ngày 11.11.2017 tại Đà Nẵng, 11 nước đã thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Theo đó, CPTPP giữ hầu hết nội dung của TPP, song trong 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận ban đầu, có 20 điều khoản bị tạm hoãn thực thi, chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc thiếu đi trụ cột Mỹ trong hiệp định này cũng có những ảnh hưởng tới lợi ích của Việt Nam.
Sự khác biệt không chỉ đơn thuần giữa Hiệp định có 12 thành viên và Hiệp định có 11 thành viên mà Hiệp định CPTPP còn cho phép các nước thành viên được tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới.
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tại TPP, GDP có thể tăng thêm 6,7%, góp thêm 15-17% tăng trưởng về xuất khẩu. Còn khi TPP không có Mỹ, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, tăng trưởng về xuất khẩu chỉ thêm 4%. CPTPP làm tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP tăng nhập khẩu 10,5%.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) cho biết việc hoàn tất đàm phán và chuẩn bị ký kết hiệp định này là một tín hiệu đáng mừng, dù cho những lợi ích từ hiệp định này thấp hơn so với việc nếu có Mỹ tham gia. “Nhưng dù sao có còn hơn không”, ông Hồ nói.
Theo chuyên gia Hồ, một số ngành như dệt may, da giày… vẫn được lợi và sản phẩm vẫn xuất khẩu được vào các thị trường, kể cả Mỹ, “chỉ là sự tăng thêm không được như kỳ vọng chứ không phải chúng ta đã mất đi thị trường Mỹ nếu họ bỏ TPP”.
“Thiếu Mỹ có bớt đi một số lợi ích và mức độ tự do hóa không cao bằng nhưng những điều kiện, tiêu chuẩn và áp lực cạnh tranh cũng ít hơn, nhất là đối với những vấn đề như sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn…”, ông Hồ nói.
“Về lợi ích của Việt Nam ở hiệp định này, tôi không thích dùng từ lạc quan, mà có thể xem là khả quan. Nếu cứ nghĩ lạc quan thì dễ khiến người ta phấn khởi mà quên đi những khó khăn. Hiện nay còn rất nhiều vấn đề cân giải quyết liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu, thị trường đất đai… Tất nhiên con đường cải cách còn rất gập ghềnh chứ không phẳng phiu, dễ dàng”, ông Hồ nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng cơ hội ở CCTPP hay các hiệp định thương mại tự do nói chung là cơ hội để cải cách thể chế, để có những chuẩn rõ ràng cho việc cải cách. “Không phải chỉ được một số bước tiến so với trước đây thì coi như là đã thành công rồi. Những hiệp định này tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng có tận dụng được hay không thì phụ thuộc vào sự cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh của chúng ta”.
Khả quan chứ không hẳn lạc quan
TS Lưu Bích Hồ nêu quan điểm việc Việt Nam bước chân vào hiệp định này cũng đặt ra nhu cầu và tạo động lực cho việc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung.
“Nhu cầu cải cách cũng tương tự như khi ký kết TPP thôi, dù có một số tiêu chí thấp hơn. Tuy nhiên, chúng ta đã có thời gian chuẩn bị, thậm chí sửa một số luật để đáp ứng những tiêu chí của TPP và hội nhập quốc tế nên cũng không quá bất ngờ đối với những tiêu chí cải cách do CCTPP đề ra”, ông Hồ cho hay.
Tuy nhiên, chưa hài lòng với tốc độ cải cách hiện tại, chuyên gia này cho biết cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách. Vấn đề quan trọng là cải cách thể chế: “Thủ tướng nhấn mạnh rằng “thể chế, thể chế và thể chế”, nhưng vấn đề là từ lời nói đến thực thi là một khoảng cách, liệu có đạt được mục tiêu đề ra hay không thì cần phải quyết tâm rất lớn”.
Theo ông Lưu Bích Hồ, trước kia, khi làm hồ sơ vào WTO với tiêu chí thấp hơn nhiều nhưng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Dù gần đây đã có nhiều tiến bộ trong việc cải cách, nhưng để mà đáp ứng được thì cũng không dễ dàng. Do đó, không nên để lặp lại trong hội nhập lần này.
“Năm 2018, họ sẽ xem xét xem kinh tế Việt Nam có phải nền kinh tế thị trường không. Theo như nhiều dự báo thì tôi cho rằng chưa chắc đã được. Mỹ, EU… họ vẫn chưa công nhận. Nguyên nhân chính vẫn là xem xét Việt Nam đã thực sự thị trường chưa, đã đáp ứng đủ các tiêu chí công khai mình bạch, giá cả cạnh tranh, thị trường lao dộng, đất đai, doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu tư nhân… theo đúng chuẩn chưa”, ông Hồ nói và dẫn chứng ngay cả Trung Quốc có vị thế lớn như vậy cũng chưa được công nhận là kinh tế thị trường.
Vẫn theo chuyên gia, trong chiến thắng của U.23 vừa qua, triết lý bóng đá một phần nào đúng cho quản trị quốc gia. Cũng cầu thủ đó nhưng huấn luyện viên giỏi, người đứng đầu giỏi thì sẽ có thành tựu.
“Không nên kỳ vọng quá, cải cách thì chỉ có thể từng bước một chứ không thể một phát mà thay đổi hoàn toàn được. Cải cách không chỉ là tư duy của giới lãnh đạo mà còn phải xuất phát từ sức ép thực tế cuộc sống, từ dưới lên”, ông Hồ nhấn mạnh.
Trả lời về việc Mỹ có quay trở lại hiệp định CCTPP hay không, ông Hồ chia sẻ rằng việc này khó dự báo, nhưng nhiệm kỳ của ông Trump chắc khó có chuyện này.
Ông Motegi, Bộ trưởng Phục hồi kinh tế của Nhật Bản, cho hay Hiệp định mới có tên gọi là Hiệp định toàn diện và tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay hoặc TPP 11, sẽ được ký tại Chile vào ngày 8.3. Một khi hiệp định được ký kết, nó sẽ có hiệu lực sau khi quốc hội của 6 quốc gia thành viên phê chuẩn.
Hãng tin Kyodo trích dẫn một nguồn tin của Nhật Bản cho hay các quan chức thương mại từ 11 quốc gia đã họp tại Tokyo để cố gắng giải quyết các rạn nứt, trong đó có sự cương quyết của Canada về bảo vệ các ngành văn hóa như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc.
Theo CPTPP, 22 điều khoản trong TPP gốc sẽ bị phong tỏa - từ 20 theo thỏa thuận của các nhà đàm phán vào tháng 11 năm ngoái. Hầu hết đều thuộc về sở hữu trí tuệ, với những điều khoản mới liên quan đến việc tự do hóa các doanh nghiệp nhà nước của Malaysia và ngành than của Brunei.
Theo thỏa thuận cuối cùng, việc tự do hóa các doanh nghiệp nhà nước của Malaysia, dịch vụ và đầu tư ở Brunei đã được đưa vào danh sách những quy định sẽ bị đóng băng từ thỏa thuận ban đầu, trong khi điều khoản về bảo vệ ngành văn hóa ở Canada và quyền lao động ở Việt Nam được tách riêng.
Canada rất quả quyết về các chính sách ưu đãi để bảo vệ ngành công nghiệp và nội dung văn hóa. Canada coi các nội dung văn hóa của cộng đồng thiểu số nói tiếng Pháp trong nước là rất quan trọng và đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ chúng.
Vấn đề thứ 2 là Việt Nam sửa đổi Luật Lao động theo hướng cho phép người lao động thành lập công đoàn và một số quyền khác. Trước đó, Việt Nam đã nhượng bộ những cải cách lao động quan trọng để tiếp cận thị trường Mỹ khi đàm phán TPP ban đầu.
Nguồn: motthegioi.vn