heo PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, CPTPP là một cú đột phá chiến lược hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang trỗi dậy. Nó còn có giá trị của một tuyên ngôn, một thông điệp mang tầm cỡ thời đại
“Việc Mỹ rút khỏi TPP đã làm cho lòng tin vào triển vọng của Hiệp định bị suy giảm ghê gớm. Nhiều người còn tin chắc sẽ không thể có TPP, nhưng 11 nước còn lại đã kiên trì con đường của mình. Có thể coi đây là một cú đột phá chiến lược hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang trỗi dậy. Nó còn có giá trị của một tuyên ngôn, một thông điệp mang tầm cỡ thời đại” - PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá.
Sự kiện bên lề trở thành quyết định lịch sử
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, các Bộ trưởng đã họp Hội nghị Bộ trưởng TPP vào các ngày 8,9, 10/11/2017 về việc thảo luận sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong bối cảnh tình hình mới. Sau cuộc họp của các Bộ trưởng phụ trách về kinh tế tại Hà Nội và Đà Nẵng, các nước trong TPP 11 đã lần lượt tổ chức các cuộc họp ở cấp Trưởng đoàn đàm phán và đã thống nhất được rất nhiều nội dung cơ bản quan trọng.
Trên cơ sở các kết quả của các buổi đàm phán, các Bộ trưởng đã họp trong các ngày vừa qua tại Đà Nẵng và đã thống nhất một số nội dung quan trọng. Trong đó, thống nhất với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 nước thành viên là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt CPTPP). Các Bộ trưởng cũng đã ra tuyên bố chung khẳng định các nước trong CPTPP đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của Hiệp định TPP cũ nhưng cho phép các nước thành viên được tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của Hiệp định. Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hiệp định TPP là một Hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước.
Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện những nỗ lực rất lớn của 11 nước thành viên TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tăng cường phát triển thương mại và hợp tác khu vực, thực hiện hội nhập mở cửa hiệu quả hơn.
Trả lời câu hỏi vì sao phải đổi tên và sự khác nhau giữa CPTPP và TPP, ông Trần Tuấn Anh cho biết: Đây không chỉ đơn thuần là sự khác biệt của Hiệp định có 12 thành viên (TPP12) với Hiệp định có 11 thành viên (TPP11), mà chúng tôi đã thảo luận và thống nhất một quan điểm rất được đánh giá cao của tất cả các quốc gia trong TPP 11 về việc duy trì TPP 11 với chất lượng rất cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ là về mở cửa thị trường, thương mại kinh tế,… Chính vì vậy tính chất và chất lượng của Hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ, đó là điều mà tất cả các Bộ trưởng TPP đều hướng đến, thống nhất, nhấn mạnh và coi đó là mục tiêu chung cho tính bao trùm của Hiệp định TPP. Tên gọi mới CPTPP đã được sự đồng thuận rất cao của các Bộ trưởng.
“Với tư cách đồng chủ trì cùng Nhật Bản để chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng TPP giữa năm và tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định trong duy trì thảo luận, trao đổi cởi mở, thẳng thắng. Nhưng trên tinh thần xây dựng của các quốc gia thành viên để chúng tôi chia sẻ và tìm ra được điểm cân bằng chung cho tất cả các quốc gia. Chúng tôi rất vui mừng chia sẻ với vai trò là đồng chủ trì chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình để đạt được thỏa thuận Bộ trưởng TPP về những nguyên tắc cơ bản nhất và những yếu tố cơ bản nhất của CPTPP và những phần việc còn lại cũng đã có hướng để triển khai trong thời gian tới” – ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, dù không phải là chương trình chính của diễn đàn APEC lần này nhưng CPTPP đã được thông qua là bước đột phá cho thương mại tự do trong khu vực. Có thể coi đây là một cú đột phá chiến lược. Một điều rất hay nữa, CPTPP không đơn thuần là một Hiệp định Thương mại Tự do mà là một Hiệp định Toàn diện và Phát triển trong môi trường Hội nhập. Bản thân tên mới của Hiệp định (Tiến bộ và Toàn diện) đã nói lên điều đó.
Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang trỗi dậy, theo ông Trần Đình Thiên, CPTPP còn có giá trị của một tuyên ngôn, một thông điệp mang tầm cỡ thời đại – rằng xu thế liên kết phát triển ở trình độ cao nhất sẽ là tất yếu. Và trong khuôn khổ APEC 2017 ở Đà Nẵng, hoàn toàn có thể coi CPTPP vừa được ký kết là một sự kiện mang tính lịch sử, là một điểm nhấn quan trọng bậc nhất của APEC lần này.
PGS, TS Trần Đình Thiên cũng đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà Việt Nam. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao độ để “giữ” bằng được TPP. Có lẽ nỗ lực như vậy của một nước có trình độ phát triển thấp trong số 11 nước, lại chịu “thiệt thòi” lớn (có thể là lớn nhất) khi Mỹ rút ra khỏi TPP đã tác động tích cực mạnh mẽ đến quyết định của các nước còn lại. Thêm vào đó, thái độ thân thiện, chân thành, sự nhiệt tình, tận tình và chu đáo của nước chủ nhà cũng tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho quá trình đàm phán vốn dĩ rất căng thẳng và đầy khó khăn.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng đánh giá đây là một bước tiến lớn có tính đột phá; một dấu ấn của APEC 2017 về hội nhập kinh tế quốc tế đa phương.
Trong khi đó, GS, TS Đặng Đình Đào (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận xét: CPTPP là tín hiệu đáng mừng, 11 nước thì khối này vẫn thành công vì trong khối, có nhiều nước đóng vai trò quan trọng và là các nền kinh tế lớn.
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia đã tính toán một loạt con số cụ thể về những mặt được của Việt Nam tại CPTPP: GDP có thể tăng thêm 1,32%, xuất khẩu có thể tăng thêm 4%, nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%...Nhiều nước như Canada, Mexico, Peru là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại; các ngành như dệt may, da giày...có thể tăng xuất khẩu.
Còn nhiều việc phải làm cho Việt Nam
PGS, TS Nguyễn Đình Thiên cho rằng, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nổi lên ba tuyến công việc chính từ nỗ lực để đàm phán cho xong, cho trọn vẹn các điều khoản để đi đến ký kết thực thi đến chuẩn bị các năng lực thực thi – năng lực cạnh tranh và thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác với EU, ASEAN, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc...
Còn theo PGS, TS Nguyễn Văn Nam, dù Việt Nam đã mở cửa hội nhập 30 năm nhưng CPTPP-11 là một hiệp định hội nhập kinh tế thương mại cao hơn và sâu hơn nên cần phải chuẩn bị tốt hơn về thể chế, chính sách hội nhập; cũng như xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nội địa vững mạnh hơn, hiểu biết kỹ hơn về hội nhập kinh tế thương mại; có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế nhằm mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, CPTPP đạt thỏa thuận cốt lõi nhưng vẫn chờ quốc hội các nước thông qua. CPTPP là hiệp định kiểu mới, cùng với việc mở cửa thị trường là hàng loạt vấn đề khác về thể chế, chính sách, hải quan… Vì vậy, cùng với sự kỳ vọng vào thị trường chung thì cần sự thay đổi thể chế, chính sách sẽ tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hơn.
Nguồn: congly.vn