Trải qua 50 năm giải phóng, xây dựng, phát triển đất nước; hơn 30 năm thực hiện chủ trương đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đến nay, khi nhìn nhận lại chặng đường vừa đủ dài đã qua, với những thành quả Việt Nam đạt được, đã được cả thế giới công nhận, các tổ chức quốc tế, các nước lớn vị nể, chúng ta có thể khẳng định con đường mà dân tộc Việt Nam đã chọn và đang đi dù không phẳng trong hiện thực nhiều cạnh tranh, biến đổi đa chiều quốc tế, là hướng đi đúng đắn và cần các thế hệ mai sau tiếp tục góp sức xây dựng và phát huy.
Nhận thức và dự báo trước được tầm quan trọng của công tác hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực và phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra đường lối, chiến lược và sách lược cụ thể cho đất nước trong tiến trình hội nhập và đổi mới phát triển từ Đại hội lần thứ VI đến nay. Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 01/2007 là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, song song với việc tiếp tục thực hiện nhiều cải cách để hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do FTA. Sự ra đời của các FTA và FTA thế hệ mới là xu hướng tất yếu mà các nước nếu muốn tiếp tục phát triển bền vững trên các lĩnh vực cần phải hội nhập và tham gia ký kết. Tuy nhiên, do các hiệp định thương mại được ký kết gần sát nhau trong thời gian ngắn (11 năm) nên Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục chỉnh sửa, xây dựng và giải quyết khi tiến hành thực thi các Hiệp định, đặc biệt là đối với 02 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
1. Vấn đề thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam (CPTPP và EVFTA)
a. Sự ra đời của các FTA thế hệ mới sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực:
Sự ra đời của CPTPP và EVFTA được gọi là các hiệp định FTA thế hệ mới bởi trong nội dung cam kết, có nhiều vấn đề mới, mục tiêu là để giải quyết các vấn đề mới phát sinh và tồn tại so với các FTA đã ký trước đây. Xét về tổng thể, các nội dung đã cam kết trong FTA và WTO trước đây đều có trong CPTPP và EVFTA nhưng được làm sâu sắc hơn, đưa chuẩn cao hơn và có thêm một số nội dung đã từng bị đề nghị loại bỏ trong các cam kết đã ký trước. Nếu như với các hiệp định thương mại tự do trước đây, phạm vi ký kết và ảnh hưởng chủ yếu trong lĩnh vực thương mại; thì với việc tham gia CPTPP và EVFTA, ngoài kinh tế, các lĩnh vực chính trị và ngoại giao cũng sẽ bị tác động ảnh hưởng toàn diện.
Nhìn tổng thể, có vẻ như Việt Nam và các nước tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ đạt được nhiều lợi ích trong cam kết cắt giảm thuế khi hầu hết các dòng thuế đều về 0% và các nước yếu (đang phát triển, trong đó có Việt Nam) sẽ có điều kiện xuất khẩu thuận lợi hơn khi tham gia ký kết hiệp định với các nước lớn (đã phát triển). Để bảo vệ các ngành nghề trong nước, các nước phát triển đã thiết lập nên nhiều các rào cản phi thương mại, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cao với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài; việc đảm bảo đủ các điều kiện chất lượng cho hàng hóa theo yêu cầu nhập khẩu của các nước lớn là vấn đề không hề dễ dàng và không thể thực hiện ngày một, ngày hai đối với các nước còn nghèo.
b. Để vận dụng hiệu quả các điều khoản đã ký kết nhằm phát triển bền vững nền kinh tế- xã hội Việt Nam, đòi hỏi sự thay đổi tư duy con người và cách thức thực hiện:
Về định hướng phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thay đổi từ: mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế (tại Đại hội Đảng lần thứ VI) sang: chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác, mở rộng các mối quan hệ kinh tế quốc tế theo hướng liên kết (Đại hội Đảng lần thứ XI). Về cách tiếp cận, đòi hỏi Việt Nam cần mở rộng liên kết kinh tế với nhiều nước, nhiều khu vực/vùng, tham gia nhiều tổ chức quốc tế để nâng tầm ảnh hưởng của quốc gia; đồng thời tìm kiếm nhiều đối tác, hợp tác liên ngành, đa lĩnh vực để tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các lĩnh vực, ngành nghề; sẵn sàng tham gia các lĩnh vực mới.
Để khuyến khích sự phát triển năng động của các ngành nghề, Đảng và Nhà nước đã chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống khởi nghiệp sáng tạo trong kinh tế và ứng phó với các biến động, thách thức toàn cầu. Ví dụ: Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” trong Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012; Phê duyệt Đề án 844- "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025", hỗ trợ các tổ chức ươm tạo, đào tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ thực hiện đột phá trong cải cách, đổi mới trong nước, nhất là về thể chế, khuôn khổ pháp lý, năng lực thực thi hội nhập quốc tế, trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ của nguồn nhân lực.
2. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp
a. Về thuận lợi, cơ hội:
b. Về khó khăn, thách thức:
Trong khi các FTA tự do đã ký kết có quá nhiều vấn đề phức tạp, nội dung chồng chéo, dễ gây nhẫm lẫn, việc ra đời thêm các FTA thế hệ mới với mục tiêu đạt được các vấn đề còn thiếu trong thỏa thuận của WTO và các FTA tự do không làm cho công tác thực thi các FTA trở nên đơn giản hơn.
i. Thời gian để triển khai và thực thi các cam kết khi có hiệu lực rất ngắn. Với các FTA thông thường, tổng thời gian thực thi tất cả các cam kết kéo dài 10 năm. Với FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ phải thực hiện hết các cam kết chỉ trong 5-7 năm; trong đó nhiều điều khoản sẽ thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều thỏa thuận sẽ phải thực hiện sau 2-3 năm. Điều này có nghĩa, Việt Nam sẽ phải làm một cuộc đại cải cách để có thể hoàn thành đúng cam kết, trong đó có các điều khoản mở rộng và nhiều lĩnh vực mới không hề có trong các FTA truyền thống.
ii. Với mức độ mở cửa tự do hóa sâu hơn, các lĩnh vực còn thiếu, còn yếu của Việt Nam như giao thông vận tải, sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn lực lao động kỹ thuật có tay nghề cao,… sẽ không thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi luồng đầu tư từ nước ngoài với dòng vốn mạnh mẽ đổ vào trong nước, cạnh tranh cao sẽ gây sức ép trên sản phẩm và doanh nghiệp. Áp lực của việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lên nhiều ngành nghề đang được bảo hộ trong nước (ô tô, mía đường, xăng dầu,…); nhiều sản phẩm truyền thống của Việt Nam chưa được đăng ký theo luật sở hữu trí tuệ quốc tế dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu, cạnh tranh yếu trên thị trường nước ngoài; trình độ nguồn lực lao động trong các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các thao tác vận hành máy móc công nghệ cao, thiếu lao động sử dụng thành thạo ngôn ngữ nước ngoài.
iii. Chính phủ ta phải cạnh tranh với chính phủ các nước trong cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nguồn nhân lực… Các Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đứng trước đòi hỏi phải hiểu biết nhiều và vận dụng hiệu quả các luật lệ, quy định kinh tế, thương mại; nghiên cứu về tập quán, văn hóa tiêu dùng, kinh doanh của các nước; thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân; và đào tạo nguồn lực tư pháp đủ mạnh để ứng phó trong trường hợp xảy ra tranh chấp thương mại quốc tế.
3. Những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế và tiếp cận thị trường
Việc tham gia CPTPP và EVFTA sẽ thúc đẩy Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách trong nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có 02 lý do chính để Việt Nam tham gia ký kết 02 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: (i) vì nhận thức được trước các cơ hội và thách thức khi hội nhập quốc tế về kinh tế sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực khác, các Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết bao gồm các cam kết thương mại mới như đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử,… và các nội dung phi thương mại như: lao động, môi trường, cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt, …; (ii) Ký kết Hiệp định thương mại với các nước Việt Nam chưa có cam kết về thương mại nhằm mở rộng quan hệ, mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam liên kết kinh doanh với doanh nghiệp nước ngoài, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong nước.
Do đó, để thực thi theo đúng cam kết trong FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ phải tái cơ cấu lại rất nhiều ngành nghề, thay đổi chính sách, pháp luật cho phù hợp theo quy định. Cụ thể:
Để thành công việc đưa các luật, các chính sách đi vào thực tiễn, thì các cấp, các ngành trung ương từ lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tài chính ngân hàng đến các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội,…còn có rất nhiều việc cần làm, cần giải quyết.
4. Vấn đề cải cách thể chế và tiếp cận thị trường của địa phương:
Thực hiện chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế, đồng thời đảm bảo chính trị, an ninh quốc phòng và bảo tồn, phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, trong thời gian vừa qua, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác cải cách hành chính trên tất cả các ngành; ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đối với các lĩnh vực chuyên ngành: Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2020; Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2017-2020; xây dựng Đề án Khu công nghệ cao thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa; Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 trên địa bàn thành phố,… đồng thời Chính phủ đã chấp thuận thông qua Quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý cho thành phố Cần Thơ (Nghị định 103/2018/NĐ-CP ngày 07/8/2018).
Từ khi Việt Nam tham gia ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do FTA, tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2013-2016 là mức tăng trưởng dương bình quân 7,25%. Năm 2017, GRDP (giá so sánh 2010) đạt 66.627,4 tỷ đồng, tăng 7,83% so với năm 2016. Đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được cải thiện: từ GRDP bình quân đầu người tăng 50,4 triệu đồng/năm 2013 lên 65,3 triệu đồng/năm 2016, đạt 72,96 triệu đồng/năm 2017 (tăng 11,2% so với 2016). Sau khi hai Hiệp định FTA thế hệ mới có hiệu lực: (1) xuất khẩu hàng hóa của thành phố năm 2017 đạt 1.399 triệu USD, vượt 6% KH (tăng 16,3% so với 2016), dịch vụ thu ngoại tệ đạt 369,9 triệu USD, vượt 5,7% KH (tăng 5,67% so với 2016); (2) kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ 10 tháng đầu năm 2018 ước thực hiệnlà 1.634,5 triệu USD, tăng 13,65% so với cùng kỳ (so KH đạt 91,31%); trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện là 1.312,6 triệu USD, tăng 15,87% so với cùng kỳ (so KH đạt 93%); dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện là 321,89 triệu USD, tăng 5,41% so với cùng kỳ (so KH đạt 84,71%).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội không ngừng tăng trưởng. Giai đoạn 2013-2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động trên địa bàn ước đạt 158.850 tỉ đồng, tăng bình quân 7,5%/năm. Năm 2017, tổng vốn đầu tư trên địa bàn là 55.860 tỷ đồng, vượt 1,6% KH, tăng 24,5% so với năm 2016; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GRDP đạt 60,1% (KH 59,7%); trong đó, thành phố có 77 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký của các dự án là 656,8 triệu USD, vốn thực hiện 422 triệu USD, chiếm 62,6% tổng vốn đăng ký, doanh thu ước đạt 450 triệu USD. Trong 10 tháng 2018, thu hút được 05 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 108 tỷ đồng; 06 dự án vốn trong nước, tổng vốn đầu tư 2.035 tỷ đồng. Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thu hút được 10 dự án mới với tổng vốn đăng ký khoảng 1.575 tỷ đồng.
Năm 2013-2016, số lượt khách du lịch tăng bình quân 9,5%/năm, doanh thu tăng bình quân 18,7%/năm. Năm 2017, tổng lượt khách đến là 7,5 triệu lượt, vượt 35% KH, tăng 41% so với năm 2016; đón và phục vụ 1,9 triệu lượt khách lưu trú, vượt 2,7% KH, tăng 14% so với 2016, trong đó có 300.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu dự kiến 2.800 tỷ đồng, vượt 40% KH, tăng 59% so với năm 2016. 10 tháng đầu năm 2018, ước phục vụ 118.234 lượt khách, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 84,5% KH.
Bên cạnh các thành tựu đạt được từ hội nhập và hợp tác phát triển kinh tế, địa phương vẫn còn tồn tại các khó khăn và đối diện với các thách thức sau:
- Vốn đầu tư công vẫn còn hạn hẹp so với nhu cầu (cụ thể tìm nguồn vốn đối ứng cho bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến đạt thấp; số vốn thu hút đầu tư mới ngoài ngân sách (trong nước và FDI) thấp hơn số vốn đã thu hồi.
- Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và liên kết vùng, là rào cản, ảnh hưởng đến hiệu quả kêu gọi đầu tư.
- Doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương phần đông là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, không đủ nguồn lực để đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất, kinh doanh; trong khi lượng vốn của chương trình hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ không nhiều và thủ tục thực hiện còn rườm rà.
- Hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch được quan tâm thực hiện, tuy nhiên chưa đạt kết quả mong muốn, việc ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế về du lịch và thương mại chưa nhiều.
Theo Nghị định 103/2018/NĐ-CP ngày 07/8/2018, thành phố đã ban hành Quyết định số 2651/QĐ-UBND ngày 15/10/2018 để triển khai thực hiện Nghị định. Ngoài ra, lãnh đạo Thành ủy và UBND đã chỉ đạo các cơ quan nghiêm túc rà soát, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, xây dựng các chính sách mới trên cơ sở cho phép của Trung ương để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Cần Thơ.
5. Kết luận:
Tham gia ký kết các FTA thế hệ mới có nghĩa là Việt Nam đã bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới với các nước lớn. Để hội nhập quốc tế thành công, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa các cấp, ngành trung ương và địa phương với doanh nghiệp, hiệp hội; đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các nước khác trên thế giới, tận dụng hiệu quả các cơ hội, điều kiện thuận lợi, cùng với các nước thành viên chủ động ứng phó với các tình huống khó khăn mới phát sinh trên các lĩnh vực, trao đổi kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp đổi mới phù hợp, thúc đẩy phát triển bền vững về mọi mặt./.
UBND tỉnh Cần Thơ