1. Đặt vấn đề
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá là một hiệp định theo mô hình FTA thế hệ mới, không chỉ tập trung đẩy mạnh tự do hóa trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, mà còn mở rộng đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư, trong đó có ngành tài chính ngân hàng. Với 11 nước thành viên, quy mô 500 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD tương đương 15,2% thương mại toàn cầu, CPTPP kỳ vọng là FTA mang lại nhiều lợi ích nhất cho các nước thành viên. Ngành Ngân hàng Việt Nam, vốn là một ngành trung gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối mọi hoạt động của nền kinh tế, là tiền đề của phát triển kinh tế xã hội, sẽ gặp phải rất nhiều thách thức và áp lực đến từ các quốc gia thành viên. Nghiên cứu so sánh những thay đổi về nội dung giữa TPP và CPTPP, tập trung tìm hiểu những cam kết trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Nghiên cứu sử dụng mô hình SWOT để phân tích, nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu cùng những cơ hội và thách thức của ngành Ngân hàng khi Việt Nam sẽ gặp phải trước thềm CPTPP. Qua đó, nghiên cứu đưa ra các giải pháp cho các ngân hàng Việt Nam nhằm vượt qua được thách thức cũng như tận dụng tốt các cơ hội để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập và tham gia CPTPP.
2. Tổng quan về CPTPP
2.1. Một số thay đổi về nội dung giữa CPTPP và TPP
Hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Cũng như TPP, CPTPP được coi là một FTA tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại v.v. mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước v.v. Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Cụ thể:
- Về nội dung: CPTPP có 2 điểm khác biệt so với TPP: (i) 20 điều khoản nghĩa vụ đã bị tạm hoãn lại (trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng); (ii) tăng cường không gian chính sách và sự linh hoạt các quy định thông qua bổ sung các điều khoản mới về “rút lui”, “gia nhập” và “rà soát lại” hiệp định.
- Về triển vọng gia nhập CPTPP của các quốc gia, dựa trên cam kết thực tế giữa các thành viên trong CPTPP, để CPTPP có hiệu lực cần ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn. Theo đánh giá, quá trình phê duyệt CPTPP có thể dễ dàng được thông qua tại các nước như Brunei, Nhật Bản, Việt Nam, Chile và Niu Dilan. Canada và Úc có thể gặp khó khăn trong quá trình thông qua Hiệp định.
2.2. Những cam kết trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng của CPTPP
CPTPP là một dạng FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao …, do có mức độ cam kết tự do hóa cao nhất, với phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực nhất, tập trung đẩy mạnh tự do hóa không chỉ trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, mà còn đối với dịch vụ và đầu tư, trong đó có ngành dịch vụ tài chính. Nội dung cam kết về dịch vụ tài chính nằm trong chương thứ 11 trong tổng số 30 chương của Hiệp định. Giống như WTO hay một số Hiệp định FTA khác, CPTPP đưa ra các qui định cốt lõi như: Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc; Tiếp cận thị trường và một vài quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới. Theo nội dung kết thúc đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, một nhà cung cấp dịch vụ của một nước CPTPP có thể cung cấp dịch vụ tài chính tại thị trường của nước tham gia CPTPP khác, nếu các công ty trong nước hoạt động tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó.
Các nước thành viên của CPTPP phải ban hành quy định trường hợp ngoại lệ đối với một số qui tắc trong phụ lục đính kèm theo CPTPP và phù hợp với điều kiện của từng nước, gồm: (i) Các biện pháp hiện hành quy định, bên tham gia phải có nghĩa vụ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp chế tài nào khác trong tương lai, cũng như tuân thủ thỏa thuận tự do hóa trong các hoạt động sau này; (ii) Các biện pháp và chính sách qui định bên tham gia có đầy đủ quyền tự quyết trong tương lai.
Các nước tham gia CPTPP cũng đặt ra các nguyên tắc công nhận chính thức tầm quan trọng của các quy trình thủ tục pháp lý nhằm khuyến khích việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm của các nhà cung cấp được cấp phép và các quy trình để đạt được mục tiêu này. Ngoài ra, CPTPP cũng đề cập đến các cam kết cụ thể về quan lý dnah mục đầu tư, các dịch vụ thẻ thanh toán điện tử và chuyển giao thông tin để phục vụ mục đích xử lý dữ liệu (Trung tâm WTO, 2018).
Điểm khác biệt của CPTPP so với các FTA khác là việc nhấn mạnh khả năng quản lý đối với các tổ chức và thị trường tài chính, các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng, các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính bao gồm các ngoại lệ thận trọng và các ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử nhằm theo đuổi các chính sách tiền tệ (CSTT) hoặc chính sách cụ thể khác. Như vậy, đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính trong CPTPP, mặc dù yêu cầu cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận thị trường và đầu tư qua biên giới nhưng vẫn đảm bảo rằng, các nước trong CPTPP có đủ năng lực điều hành thị trường và các tổ chức tài chính cũng như thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng.
Tuy nhiên, CPTPP cũng đề cập đến các trường hợp ngoại lệ trong việc bảo hộ quyền tự chủ của các nhà quản lý tài chính của các nước tham gia CPTPP, trong đó họ sẽ được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình, bao gồm: những qui định ngoại lệ mà các quốc gia thành viên xem xét một cách thận trọng và những quy định ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử trong quá trình thiết lập và thực thi các CSTT hay các chính sách khác.
3. Ứng dụng Mô hình SWOT trong phân tích ngành ngân hàng
CPTPP mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức cho tất cả các ngành nghề có liên quan của các quốc gia tham gia. Xu thế hội nhập quốc tế của ngành Ngân hàng Việt Nam là tất yếu và ngày càng lan rộng. Chính vì vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua các thách thức, hiểu rõ các điểm mạnh để phát huy, xác định điểm yếu để chống đỡ theo mô hình SWOT là thực sự cần thiết.
ĐIỂM MẠNH (S)
ĐIỂM YẾU (W)
S1: Khách hàng tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng trong nước.
S2: Quản trị nợ xấu ngày càng được cải thiện.
S3: Các sản phẩm dịch vụ dần đa dạng hóa.
S4: Một số ngân hàng thương mại đã đạt được những tiến bộ trong ứng dụng fintech và công nghệ thông tin.
W1: Các sản phẩm dịch vụ cho thị trường quốc tế chưa đa dạng.
W2: Mức độ tiếp cận dịch vụ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân cư, đặc biệt ở các vùng sâu xa và nông thôn chưa tốt.
W3: Thương hiệu của hầu hết các NHTM chưa mạnh.
W4: Các tỷ lệ đảm bảo an toàn chưa cao, chưa hoàn toàn thực hiện áp dụng Basel II trong quản trị điều hành.
W5: Mức độ ứng dụng công nghệ chưa cao và chưa đồng đều.
CƠ HỘI (O)
THÁCH THỨC (T)
O1: Các luồng vốn đầu tư quốc tế tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh.
O2: Lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ được mở rộng hơn theo các cam kết chung.
O3: Hiệp định CPTPP tại triển vọng cho ngành thương mại Việt nam, từ đó, tạo cơ hội cho ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
O4: Đối tượng khách hàng đa dạng, không chỉ tập trung vào khách hàng trong nước.
T1: Năng lực và quy mô của ngành ngân hàng Việt Nam còn khá thấp so với các quốc gia tham gia CPTPP.
T2: Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt với sự tham gia của khối ngân hàng ngoại, các quỹ đầu tư nước ngoài …
T3: Nguy cơ bị chi phối và thâu tóm nếu làm ăn không hiệu quả.
3.1 Các điểm mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam
Trong khi mặt bằng lãi suất tiền đồng hạ xuống, lượng tiền đồng gửi vào ngân hàng vẫn tiếp tục tăng. Huy động vốn và cho vay của khu vực ngân hàng trong nước chiếm thị phần áp đảo với 92% cho huy động vốn và 95% đối với hoạt động cho vay. Điều này cho thấy, mức độ ưu tiên giao dịch với ngân hàng nội địa là xu thế chủ yếu của người dân Việt Nam. Điều này càng củng cố thêm niềm tin của người dân với với hệ thống ngân hàng.
Hình 1: Thị phần huy động và cho vay của các khối trong hệ thống các tổ chức tíndụng Việt Nam
Nguồn: Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ước tính trong năm 2017
S2: Quản trị nợ xấu ngày càng được cải thiện
Xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng nói chung và các tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng. Các TCTD Việt Nam đã tích cực tự xử lý nợ xấu trong năm 2017. Bằng việc hạn chế chuyển nợ sang VAMC và tích cực tự xử lý nợ xấu qua nhiều hình thức như bán nợ, phát mãi tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng và các hình thức khác. Năm 2017, hệ thống TCTD đã xử lý 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016, (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, 2017). Các TCTD cũng nhìn nhận được căn nguyên cơ bản của nợ xấu xuất phát từ những yếu kém và bất cập về quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro tín dụng để cải thiện và nâng cao chất lượng quản trị thông qua các hoạt động: (i) triển khai mô hình quản lý nợ xấu có hiệu quả; (ii) xây dựng được hệ thống khuôn khổ, cơ chế, chính sách tín dụng khá đồng bộ; (iii) quản lý rủi ro tín dụng đã dần theo hướng áp dụng thông lệ quốc tế Basel I và dần dần ứng dụng Basel II, Basel III; (iv) xây dựng và áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trong hoạt động đo lường rủi ro.
S3: Các sản phẩm dịch vụ dần đa dạng hóa
Bên cạnh các sản phẩm tài chính cốt lõi như cho vay và huy động vốn, các ngân hàng Việt Nam đã và đang tăng cường đầu tư, áp dụng yếu tố công nghệ vào sản phẩm dịch vụ để tăng tính cạnh tranh cũng như mở rộng thị phần. Hầu hết các ngân hàng đã có sản phẩm thẻ (thẻ tín dụng, thẻ trả trước, thẻ đồng thương hiệu, thẻ tín dụng quốc tế) và dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking, Phone Banking, Mobile Bankplus…) phục vụ đa dạng các loại khách hàng từ cá nhân đến doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn cung cấp dịch vụ thanh toán tự động hóa đơn các mặt hàng thiết yếu: điện, nước, điện thoại… cho khách hàng. Một số ngân hàng thương mại lớn bắt đầu tìm hiểu và cung cấp các dịch vụ tài chính cao cấp như: tư vấn mua bán, sáp nhập, M&A…
S4: Một số NHTM đã được những tiến bộ trong ứng dụng fintech và công nghệ thông tin
Để bắt kịp với xu thế hội nhập và tận dụng tiến bộ của Cách mạng công nghệ 4.0, các ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm và triển khai công nghệ tài chính (fintech), Theo VietNam Digital Landscape (2018), trong tổng số 96 triệu dân, có tới 67% người đang dùng internet, 37% đang sử dụng mạng xã hội một cách thường xuyên, và 73% sử dụng điện thoại thông minh trong số 146,5 triệu thuê bao toàn quốc. Theo nghiên cứu nhanh của NHNN (2018), 72% công ty fintech đang lựa chọn cạnh tranh với ngân hàng, và 14% còn lại lựa chọn phát triển sản phẩm hoàn toàn mới (Lê Thanh Tâm và cộng sự, 2018).
3.2 Các điểm yếu của hệ thống ngân hàng Việt Nam
W1: Các sản phẩm dịch vụ cho thị trường quốc tế chưa đa dạng
Bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống như: tiền gửi huy động, cho vay… hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ cho thị trường quốc tế. Các sản phẩm thanh toán quốc tế: thư tín dụng, bao thanh toán… là thế mạnh và được cung cấp chủ yếu bởi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cùng với một số ngân hàng nội địa như Vietcombank, Eximbank…Theo báo cáo tài chính của một số TCTD Việt Nam, nguồn thu chính của các ngân hàng Việt Nam hiện nay chủ yếu trông vào hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cũng chỉ chiếm khoảng 26% so với các ngân hàng trên thế giới (30%-40%) thì đây là mức thi còn khá khiêm tốn.
W2: Mức độ tiếp cận dịch vụ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân cư, đặc biệt ở các vùng sâu xa và nông thôn chưa tốt
Việc tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng tại Việt Nam tuy đã có những cải thiện nhất định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế khi việc “phủ sóng” của các NHTM chưa rộng. Tính đến cuối năm 2016, hệ thống các TCTD tại Việt Nam gồm: 4 NHTM Nhà nước; 03 ngân hàng được nhà nước mua lại; 28 NHTM cổ phần; 02 ngân hàng thuộc khối chính sách; 16 công ty tài chính và 11 công ty cho thuê tài chính thuộc khối TCTD phi ngân hàng; 04 tổ chức tài chính vi mô; 01 ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và 1.166 Quỹ tín dụng nhân dân; số lượng thẻ ngân hàng phát hành là 111,2 triệu thẻ, trên 17.470 ATM và trên 263.400 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) (Ngân hàng Nhà nước, 2016). Nếu so sánh với một số nước trong khu vực và trên Thế giới nói chung thì khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn chưa cao, mức độ phân bổ các chi nhánh và phòng giao dịch chưa đồng đều và chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm như thành phố Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mức độ phủ sóng của hệ thống ngân hàng là không đồng đều, làm cho việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
W4: Thương hiệu của hầu hết các NHTM chưa mạnh
Theo kết quả định giá các ngân hàng toàn cầu năm 2017 của Công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, Việt Nam có 03 NHTM được lọt vào Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2017. Các ngân hàng này gồm: BIDV xếp hạng 401, Vietinbank xếp hạng 408 và Vietcombank xếp hạng 461 trong bảng xếp hạng thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2017. Theo đánh giá tại Việt Nam, BIDV được xếp hạng đứng đầu Việt Nam, đứng thứ 26 trong các ngân hàng tại khu vực Đông Nam Á, trong khi Vietinbank và Vietcombank lần lượt đứng tại vị trí 27 và 33 tại khu vực ASEAN.
Theo công bố của The Asian Banker (2017), có 15 ngân hàng thương mại của Việt Nam được lọt vào danh sách 500 ngân hàng thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương được đánh giá của tổ chức này.Dù một số ngân hàng Việt Nam đã có chỗ đứng trên bản đồ tài chính thế giới nhưng với vị trí còn khá khiêm tốn, thương hiệu chưa đủ mạnh để vươn xa và phát triển trên tầm quốc tế.
Bảng 1: Bảng xếp hạng các ngân hàng Việt Nam so với khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2017 của The Asian Banker
SS
Commercial Bank
Strenghth Rank 2017
AB500 Rank 2017
1
Vietcombank
48
188
2
Techcombank
101
386
3
Vietinbank
124
163
4
MBBank
126
377
5
BIDV
161
157
6
LienVietPostBank
165
457
7
ACB
196
389
8
HD Bank
269
448
9
VPBank
276
395
10
TPBank
494
11
SHBank
309
388
12
VIB
348
495
13
SeaBank
396
498
14
Sacombank
444
341
15
PVcombank
499
484
Nguồn: Ngọc Toàn (2017)
W5: Các tỷ lệ đảm bảo an toàn chưa cao, chưa hoàn toàn thực hiện áp dụng Basel II trong quản trị điều hành
CAR của các TCTD trong các năm đều vượt mức 9% do NHNN quy định, nhưng chưa tính đầy đủ theo tiêu chuẩn Basel II, mà mới áp dụng Basel I và một phần nhỏ của Basel II.
Bảng 2: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các nhóm tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2017
Đơn vị: %
STT
Loại hình tổ chức tín dụng
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR)
Ngân hàng thương mại nhà nước
9,52
Ngân hàng thương mại cổ phần
11,47
Ngân hàng liên doanh, nước ngoài
29,11
Công ty tài chính, cho thuê tài chính
17,81
Ngân hàng hợp tác xã
25,26
Toàn hệ thống
12,23
Nguồn: Báo cáo thường niên NHNN (2017)
Theo lộ trình áp dụng Basel II đối với hệ thống NHTM, giai đoạn 1 thí điểm áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank), và đến cuối năm 2018, các ngân hàng này phải đáp ứng các yếu cầu của Basel II. Trong thời gian qua, 10 ngân hàng thí điểm Basel II đã thông qua những kế hoạch hành động cụ thể nhằm thay đổi, kiện toàn cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II. So với một số quốc gia khu vực châu Á, tỷ lệ an toàn vốn của TCTD Việt Nam tương đối thấp. Nhiều hệ thống ngân hàng của các quốc gia khác có hệ số an toàn vốn cao hơn dưới sự tuân thủ theo Basel II và đang bắt đầu áp dụng Basel II. Như vậy, có thể thấy, trong khi các ngân hàng trong khu vực đã áp dụng Basel II hoặc Basel III, các ngân hàng Việt Nam mới đang ở những giai đoạn đầu tiên của áp dụng Basel II.
W6: Mức độ ứng dụng công nghệ chưa cao và chưa đồng đều
Đầu tư công nghệ thông tin tại các NHTM vẫn còn hạn chế do giới hạn về khả năng tài chính; chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng còn nhiều bất cập; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của nhân viên còn hạn chế. Về thanh toán, một số ngân hàng đã ứng dụng rất tốt công nghệ thông tin trong phát triển các sản phẩm thanh toán (internet banking, mobile banking, SMS banking …). Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng còn lại chưa xây dựng được hệ thống thanh toán hiện đại. Nhưng dưới góc độ tổng thể, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam chưa cao và chưa đồng đều.
3.3 Các cơ hội cho ngành Ngân hàng Việt Nam khi tham gia CPTPP
O1: Các luồng vốn đầu tư quốc tế tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh
Cùng với các cam kết tự do hóa về dịch vụ tài chính, những cam kết tự do hóa về đầu tư sẽ góp phần thu hút dòng vốn đầu tư từ các nước tham gia hiệp định CPTPP vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên đồng nghĩa với sự tăng trưởng và phát triển của khối doanh nghiệp FDI. Điều này kéo theo sự gia tăng về nhu cầu vốn và nhu cầu thiết lập quan hệ với các ngân hàng Việt Nam. Đây là cơ hội để các ngân hàng Việt Nam mở rộng thị phần dịch vụ cũng như tăng trưởng tín dụng.
Hình 3: Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và dư nợ tín dụng từ 2012-2017
Nguồn: GSO và tính toán của nhóm
O2: Lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ được mở rộng hơn theo các cam kết chung
Tham gia CPTPP, Việt Nam cam kết sẽ mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới, nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: (i) mở cửu dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; (ii) dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; (iii) mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.
Các quy định về đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng cho các nước: CPTPP cho phép các nước thành viên áp dụng các ngoại lệ cần thiết, tạo ra không gian chính sách gồm: các biện pháp thận trọng, các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân, chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ… nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư ổn định, an toàn. Việc thực hiện cam kết đảm bảo không gian chính sách này chính là để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.
Việc gia nhập CPTPP cho phép các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước đối tác, phát triển mạng lưới kinh doanh, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế quan sâu, cùng với những thuận lợi có được từ tự do hóa thương mại sẽ tạo ra cú hích cho ngành thương mại Việt Nam không chỉ bởi mở rộng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực (dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử, cao su…), mà còn bởi cơ hội dễ dàng tiếp cận những thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Úc…Các doanh nghiệp gia tăng cơ hội kinh doanh chính là cơ sở quan trọng để các ngân hàng có thể mở rộng quy mô hoạt động nhằm đáp ứng các nhu cầu về tài chính và dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp. Như vậy, tự do hóa thương mại trong CPTPP chính là cơ hội mới đối với các ngân hàng Việt Nam trong việc mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng như tín dụng, bảo lãnh, thanh toán quốc tế, hỗ trợ vốn và các dịch vụ ngân hàng khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo các nội dung đã đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, một nhà cung cấp dịch vụ của một nước trong CPTPP có thể cung cấp dịch vụ tài chính tại thị trường của một nước CPTPP khác nếu các công ty trong nước hoạt động tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Chính vì vậy, CPTPP đã mở ra cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài cho các ngân hàng Việt Nam cũng như đưa đến cho các ngân hàng Việt Nam cơ hội tiếp cận một lượng khách hàng tiềm năng tương đối lớn tại các nước thành viên CPTPP.
3.4 Các thách thức ngành Ngân hàng Việt Nam phải đối mặt khi gia nhập CPTPP
Hiện tại, hệ thống Ngân hàng Việt Nam có khoảng 122 tổ chức tín dụng với tổng tài sản lên tới 10 triệu tỷ đồng (tương đương 436 tỷ USD) tăng gấp 2 lần so với năm 2011. Trong đó, tỷ trọng tài sản của nhóm NHTM nhà nước và nhóm NHTM cổ phần là 86%. Nhóm ngân hàng nước ngoài chiếm 8,8% còn lại là các loại hình khác. Tuy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn vừa qua nhưng so với các nước trong khu vực và các nước là thành viên của CPTPP thì quy mô còn khá khiêm tốn, đứng thứ 6/11 quốc gia thành viên, thấp hơn nhiều lần so với Canada, Úc và Singapore. Mức độ an toàn vốn của hệ thống Ngân hàng Việt nam tuy được cải thiện trong thời gian qua nhưng còn thấp so với các ngân hàng trong khu vực và thấp nhất trong các quốc gia tham gia CPTPP. Mặc dù số lượng ngân hàng Việt Nam nằm trong danh sách 500 thương hiệu ngân hàng có giá trị lớn nhất đã gia tăng, tuy nhiên chưa có ngân hàng nào nằm trong danh sách 100 ngân hàng đứng đầu.
Bảng 3: Quy mô hệ thống ngân hàng và tỷ lệ an toàn vốn của các nước trong CPTPP
TT
Quốc gia
Quy mô hệ thống ngân hàng (tỷ USD)
Tỷ lệ tín dụng/GDP
Tỷ lệ an toàn vốn
Canada
7.741
214,2%
14,81%
Úc
3.084
141%
14,55%
Singapore
925
128,2%
17,08%
Malaysia
609
50,8%
Nhật Bản
574
160,8%
16,66%
Việt Nam
436
130,7%
12,23%
Niu Dilan
172,9%
14,40%
Mexico
326
35,5%
15,57%
Chile
319
112,5%
13,76%
Peru
201
35,0%
15,22%
Brunei
16
39,5%
18,11%
Nguồn: WB, IMF
T2: Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt với sự tham gia của khối ngân hàng ngoại, các quỹ đầu tư nước ngoài
Sự tham gia ngày càng sâu rộng của các định chế tài chính đến từ các nước CPTPP, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Úc, Singapore… sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong lĩnh vực tài chính– ngân hàng. Thêm vào đó, các điều khoản về dịch vụ tài chính trong CPTPP cho phép các ngân hàng của các nước thành viên được cung cấp dịch vụ tài chính – ngân hàng xuyên biên giới, nghĩa là ngân hàng tại Nhật Bản chẳng hạn có thể cung cấp dịch vụ về thẻ, thanh toán… cho người dân Việt Nam mà không cần có chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam thì thách thức cạnh tranh về dịch vụ tài chính – ngân hàng lại càng gia tăng mạnh mẽ. Với hệ thống công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, các ngân hàng nước ngoài đang có lợi thế cạnh tranh cao hơn các NHTM trong nước. Phân khúc thị trường khách hàng có thu nhập cao và trung bình, khách hàng là tầng lớp trí thức sẽ dần dịch chuyển sang các ngân hàng nước ngoài. Nguy cơ bị thua ngay trên “sân nhà” là một thách thức hiện hữu của các NHTM Việt Nam.
T3: Nguy cơ bị chi phối và thâu tóm nếu làm ăn không hiệu quả
Tự do hóa tài khoản vốn là việc cho tự do tiến hành chuyển đổi các tài sản tài chính trong nước thành tài chính ở nước ngoài và ngược lại theo tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định. Vấn đề liên quan đến tự do hóa tài khoản vốn trong đàm phán CPTPP mặc dù mở ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam được tiếp xúc với dòng vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên cũng đưa ra những thách thức trong việc cạnh tranh và quản lý.Theo Luật Đầu tư 2014, tỷ lệ góp vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty đại chúng ở Việt Nam là 49%, vào các ngân hàng Việt Nam là 30%. Đây là tỷ lệ cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO phải thực hiện. Với thế mạnh về tài chính, công nghệ và nhân lực, các NHTM nước ngoài thường xâm nhập và phát triển thị trường mới bằng cách mua cổ phần của các NHTM Việt Nam và trở thành cổ đông chiến lược, tìm cách thâu tóm rồi thôn tính các ngân hàng này, hoặc thực hiện các thương vụ M&A ngân hàng. Đây là con dường giúp các ngân hàng nước ngoài đặt chân vào thị trường tài chính Việt Nam một cách nhanh chóng hơn. Trong khối các NHTM cổ phần, tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhìn chung có xu hướng gia tăng ở các ngân hàng có quy mô lớn và trung bình như ACB, TCB, MBB, VPB khoảng từ 20-30% trong đó ACB có tỷ lệ sở hữu nước ngoài “kịch trần” 30% từ 2009 đến nay.
Bảng 4: Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một số NHTM Việt Nam (30/06/2018)
VCB
CTG
BID
MBB
VPB
TCB
STB
HDB
SHB
28,58%
30%
2,43%
20%
25%
23%
10,52%
27,3%
9,42%
Nguồn: Nhóm tổng hợp từ cafef.vn
4. Giải pháp tối ưu hóa SWOT đối với ngành Ngân hàng
Tận dụng các cơ hội để làm tăng điểm mạnh và giảm thiểu điểm yếu
Tận dụng các điểm mạnh để vượt qua thách thức
Tận dụng các cơ hội để giảm thiểu các điểm yếu
Kết hợp xử lý các điểm yếu và vượt qua thách thức
5. Kết luận
Năm 2019, CPTPP chính thức có hiệu lực. Cùng với các Hiệp định đã ký kết trước đó, Việt Nam chính thức bước vào cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng hơn. Tham gia CPTPP không chỉ góp phần quan trọng đối với nền kinh tế nói chung mà còn tạo ra cơ hội lớn đối với dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng tại Việt Nam. Bên cạnh những cơ hội, quá trình hội nhập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tiềm ẩn không ít rủi ro và thách thức, đòi hỏi hệ thống ngân hàng không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, để không chỉ đứng vững, mà còn khẳng định vị trí của mình trong khu vực và quốc tế. Việc nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu, xác định và tận dụng tốt cơ hội cũng như ứng phó hiệu quả những thách thức mà CPTPP đem lại là điều kiện then chốt để ngành Ngân hàngViệt Nam chủ động đối mặt với nhiều tình huống có thể xảy ra, khi áp lực từ môi trường kinh tế quốc tế bên ngoài ngày một gia tăng. Từ đó, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững của khu vực ngân hàng Việt Nam.
Ths. Nguyễn Thuy Linh; TS. Vũ Ngọc Diệp; TS. Lê Mai Trang
Trường Đại học Thương mại
[1]Bộ môn Tài chính Doanh Nghiệp
[2]Bộ môn Ngân hàng Chứng Khoán
[3]Bộ môn Kinh Tế Học
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thanh Tâm và cộng sự (2018), “Giải pháp tối ưu hóa SWOT đối với ngành Ngân hàng Việt Nam trong thực thi Hiệp định CPTPP”, Tạp chí Ngân Hàng, chuyên đề đặc biệt 2018.
2.Lê Mai Trang, Nguyễn Thùy Linh (2018),“CPTPP với kinh tế Việt Nam và Cơ hội-Thách thức đối với ngành tài chính ngân hàng”, Tạp chí Ngân Hàng, chuyên đề đặc biệt 2018.
3. Lương Hoàng Thái (2018), “Tổng quan về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”, Tài liệu hội thảo CPTPP tại VCCI Hà Nội.
4.Ngân hàng Nhà nước (2017), “Báo cáo thường niên năm 2016”
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/SBV320576//idcPrimaryFile&revision=latestreleased
5.Ngọc Toản (2017), “15 ngân hàng Việt lọt top các ngân hàng mạnh nhất Châu Á”, Tạp chí Tri thức trẻ,
http://cafef.vn/15-ngan-hang-viet-lot-top-cac-ngan-hang-manh-nhat-chau-a-20171202091510236.chn
6.Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (2017), “Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017”
http://nfsc.gov.vn/sites/default/files/bao_cao_tong_quan_thi_truong_tai_chinh_2017.pdf
7.World Bank (2018), “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp của Việt Nam”, NXB Hồng Đức.