Hiệp định CPTPP

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. CPTPP bao gồm 11 nước thành viên là: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam.

Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê. Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực của tất cả các thành viên sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CPTPP

Tháng 3/2010, Việt Nam tham gia vòng đàm phán chính thức đầu tiên của Hiệp định TPP, được khởi động tại thành phố Men-bơn, Ốt-xtrây-li-a.

Tháng 2/2016, Việt Nam cùng các nước thành viên ký kết Hiệp định TPP tại Niu Di-lân.

Tháng 1/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP

Tháng 11/2017, 11 nước còn lại đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP với những nội dung cốt lõi

Ngày 08 tháng 3 năm 2018, các Bộ trưởng của 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP đã chính thức tham gia Lễ ký Hiệp định CPTPP tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê.

NỘI DUNG CHÍNH CỦA HIỆP ĐỊNH CPTPP

Hiệp định CPTPP gồm 07 Điều và 01 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước gồm Ốt-xtrây-lia, Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Ca-na-đa, Chi-lê, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam ký ngày 06 tháng 2 năm 2016 tại Niu Di-lân; cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn này bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng. Tuy nhiên, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP.

THỜI ĐIỂM CÓ HIỆU LỰC

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia.

Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12 tháng 11 năm 2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.

MỘT VÀI SỐ LIỆU THỐNG KÊ VỀ CÁC NƯỚC CPTPP

Tổng GDP: 10,2 nghìn tỷ đô la Mỹ; tỷ trọng trong tổng GDP toàn cầu: hơn 13%

Tổng dân số: 495 triệu người; tỷ trọng trong tổng dân số thế giới: 6.8%

 

GDP của các nước thành viên CPTPP và tỷ trọng so với toàn cầu năm 2017

Nguồn: Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế thương mại Quốc tế