Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

Sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam).

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023 mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023. Xuất siêu ở các thị trường này cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD, góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua.

Kết quả nảy đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114, 5 tỷ USD.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, một trong những ngành hàng đang hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP đó là hàng dệt may. Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may của Việt Nam sang 10 thị trường đối tác CPTPP tháng 7/2024 đạt 660,11 triệu USD, tăng 22,58% so với tháng trước và tăng 10,86% so với tháng 7/2023. 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP tăng 6,94% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 3,66 tỷ USD, chiếm 18,05% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang tất cả các thị trường.

Trong đó, xuất khẩu dệt may tăng mạnh nhất ở thị trường Mexico. 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mexico tuy chỉ chiếm 3,25% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng sang các đối tác khối thành viên CPTPP nhưng tăng 31,84% so với cùng kỳ năm 2023.

Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đến nay, xuất khẩu dệt may sang Mexico đã tăng mạnh. So sánh có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mexico 7 tháng năm 2024 đạt mức cao nhất với 119,06 triệu USD, tăng 119,58% so với mức 54,22 triệu USD của 7 tháng đầu năm 2018 (trước khi CPTPP có hiệu lực) và tăng 71,38% so với mức 69,47 triệu USD của 7 tháng năm 2019 (năm đầu tiên CPTPP chính thức có hiệu lực)” - Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) thông tin và dẫn chứng thêm, Mexico nhập khẩu chủ yếu các các nhóm hàng dệt may mã HS 61 (quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc) và mã HS 62 (quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc). Việt Nam là nguồn cung lớn thứ hai 6 của Mexico đối với nhóm hàng mã HS 61 và là nguồn cung lớn thứ ba đối với nhóm hàng mã HS 62.

Đưa ra nhận định về hoạt động xuất khẩu dệt may sang thị trường các nước CPTPP, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - khẳng định, Hiệp định CPTPP đã tạo ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong việc tiếp cận các thị trường mới như Canada, Úc, New Zealand.

Không những vậy, hiệp định đã và đang giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dệt may thích ứng với cách thức mua hàng của các nhà nhập khẩu trong khối CPTPP. Với các yêu cầu về chứng nhận xuất xứ, hiệp định đã giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản xuất từ nguyên liệu đầu vào.

Góp phần vào những kết quả tăng trưởng tích cực đó, thời gian qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi cung ứng, liên kết các doanh nghiệp trong nước và các nhà sản xuất, đầu tư trong khối CPTPP. Cùng đó, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược phát triển đa dạng hóa thị trường, khách hàng và ứng dụng công nghệ, tự động hóa, năng lượng tái tạo để thích ứng với yêu cầu của các nước trong khối CPTPP.

Dù vậy, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho rằng, ngành dệt may trong nước đang đối diện với thách thức lớn khi xuất khẩu sản phẩm hàng hóa sang thị trường CPTPP bởi áp lực cạnh tranh từ các thị trường khác. Như so với Bangladesh, Việt Nam đối mặt với chi phí lao động cao hơn và áp lực về các khoản bảo hiểm xã hội, y tế. Trong khi đó, Bangladesh được hưởng ưu đãi thuế quan do là nước kém phát triển, trong khi Việt Nam phải thực hiện đồng bộ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, so sánh về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với Bangladesh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh.

“Ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 43-44 tỷ USD trong năm 2024. Để tận dụng tốt hơn những ưu đãi thuế quan, đẩy mạnh xuất khẩu sang CPTPP, các doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM (sản xuất dưới thương hiệu gốc) hoặc ODM (sản xuất theo thiết kế gốc) để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững so với các nước khác” - ông Vũ Đức Giang khuyến nghị và cam kết, Hiệp hội Dệt may Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may tận dụng tối đa lợi ích từ Hiệp định CPTPP, đồng thời vượt qua các rào cản để phát triển bền vững.

Mạnh Cường, Chuyên gia kinh tế