Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

CPTPP thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, với tiến trình hội nhập kinh tế của CPTPP hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có nguy cơ trở thành đối tượng điều tra từ Mexico

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đã góp phần không nhỏ trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường đối tác, nhất là Mexico. Với tiến trình hội nhập kinh tế của CPTPP, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có nguy cơ sẽ trở thành đối tượng điều tra mới của thị trường Mexico.

Thị trường xuất khẩu tiềm năng

Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mexico không ngừng được mở rộng và phát triển, đặc biệt kể từ khi Hiệp định CPTPP được ký kết và đi vào hiệu lực từ đầu năm 2019 đối với hai nước. Là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành một thị trường mới nổi, được các doanh nghiệp (DN) Mexico ngày càng quan tâm. Hiện nay, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á.

Phòng vệ thương mại: Thận trọng trước nguy cơ điều tra từ Mexico

Doanh nghiệp cần tham vấn cơ quan quản lý để phòng tránh các rủi ro

Năm 2021, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng tích cực, đạt 5,06 tỷ USD, tăng 37,5% so với năm 2020. 5 tháng đầu năm, thương mại giữa Việt Nam và Mexico tiếp tục đạt con số tăng trưởng ấn tượng, với trị giá 2,33 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng đạt 21,9%. Sản phẩm tăng trưởng mạnh là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, điện thoại. Mức tăng trưởng bình quân 32-35% ở đồ chơi - dụng cụ thể thao, túi xách, ví, vali… Kết quả này theo ghi nhận của Bộ Công Thương là có sự tác động tích cực sau hơn 2 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Với kết quả đạt được, dự báo thời gian tới, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc. Cùng với đó, các DN cần nắm bắt các quy định, rào cản thương mại, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường, để tiếp cận thành công. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến hết tháng 6 năm 2021, Mexico đã điều tra tổng cộng 276 vụ việc và áp dụng 154 biện pháp phòng vệ thương mại. Đối với hàng hóa Việt Nam, Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hiện Mexico chưa áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào, tuy nhiên trong năm 2021 lần đầu tiên Mexico đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Việc điều tra dự kiến sẽ kết thúc vào nửa cuối năm 2022.

Phòng ngừa nguy cơ

Trong xu thế hội nhập kinh tế, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) - cho rằng, hoạt động điều tra phòng vệ thương mại là điều bình thường trong thương mại quốc tế, và là xu hướng tất yếu. Vì thế, các nền kinh tế xuất khẩu càng lớn thì càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại. Do vậy, cộng đồng DN cần nhận thức về vấn đề này, để chủ động theo dõi và xây dựng phương án ứng phó phù hợp, kịp thời.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, hiện các biện pháp phòng vệ thương mại của Mexico được quy định chung trong Luật Ngoại thương 1993 và văn bản hướng dẫn luật. Cũng cùng quan điểm với các thành viên khác, Mexico cho rằng, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp là biện pháp chống lại cạnh tranh không công bằng còn biện pháp tự vệ là biện pháp áp dụng với điều kiện thương mại công bằng. Cho nên, trong quy định pháp luật, Mexico cũng chia thành hai nhóm biện pháp.

Để chủ động phòng ngừa các nguy cơ về điều tra phòng vệ thương mại của thị trường, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng, Cục Phòng vệ thương mại - nhấn mạnh, Bộ Công Thương luôn khuyến nghị các DN cần chủ động tìm hiểu cơ hội ưu đãi trong hiệp định, thay đổi tư duy kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, nghiên cứu kỹ thị trường. Đặc biệt, cần có kế hoạch triển khai cụ thể trong lĩnh vực, ngành hàng của mình, lấy sức ép của các tiêu chuẩn cao trong CPTPP để nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị, tạo nền tảng khai thác các FTA lâu dài, bền vững.

Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối phụ trách theo dõi và hỗ trợ DN ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, vì thế ông Chu Thắng Trung nêu rõ, khi bị khởi xướng điều tra, DN cần tham vấn với cơ quan quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại để chuẩn bị nguồn lực cho công tác ứng phó. Cụ thể, các bên có thể tham vấn ý kiến của Cục Phòng vệ thương mại về một số vấn đề như kinh nghiệm ứng phó đối với vụ việc từ thị trường của nước liên quan, chuẩn bị nguồn lực về con người; tham vấn đối với những nội dung chưa hiểu rõ để đảm bảo chuẩn bị thông tin phù hợp và có lợi.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các DN thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại được đăng tải trên trang thông tin điện tử http://pvtm.gov.vn/ để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xuân Tâm, Cục phòng vệ TM